Hệ thống cửa hàng "Đổi phế liệu lấy thực phẩm" là ý tưởng xuất phát từ một công ty trên địa bàn phường Văn Miếu (quận Đống Đa, TP Hà Nội). Những gian hàng đặc biệt này xuất hiện tại nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô thu hút sự chú ý của không ít người dân.
Mô hình đổi rác lấy thực phẩm thu hút sự quan tâm của nhiều người
Từ 6 giờ sáng, tại số 3 phố Quốc Tử Giám (phường Văn Miếu, quận Đống Đa), cửa hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm đã dựng kệ hàng hóa khoảng 17 m2, có đầy đủ rau, củ, quả, nông sản tươi sống... Tất cả người dân khi mang phế liệu đến đây sẽ được quy đổi thành tiền, cửa hàng sẽ trả bằng sản phẩm nông sản.
Ông Trần Ngọc Tuấn, quản lý cửa hàng, cho biết mô hình "Đổi phế liệu lấy thực phẩm sạch" được triển khai từ 22-9 nhằm mục đích hỗ trợ bà con trong mùa dịch Covid-19 và lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường tới tất cả mọi người. Hiện tại, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 20 gian hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm như vậy đang hoạt động.
Đủ loại rau, củ, quả… được bày bán và tiêu thụ trong 1 ngày, không để thừa sang ngày hôm sau
"Ngay từ khi triển khai các gian hàng đổi phế liệu lấy thực phẩm, chúng tôi nhận được rất nhiều sự đồng tình ủng hộ của bà con. Có nhiều trường hợp cảm động làm tôi nhớ mãi. Như chị lao công, anh xe ôm, những người lao động tự do, do dịch bệnh khó khăn nên nhặt nhạnh được gì là họ mang ra đổi lấy thực phẩm đem về. Với các cụ già, em nhỏ, mình còn khuyến mại thêm cho họ"- ông Tuấn chia sẻ.
Theo ông Tuấn, người dân có thể mang phế liệu, chất thải rắn đến cửa hàng để đổi lấy thực phẩm. Ngoài ra, nếu không có phế liệu để đổi, người dân vẫn được mua nông sản tại gian hàng theo bảng giá niêm yết công khai.
Khách hàng và người bán được ngăn cách với nhau qua tấm chắn, cách nhau 2 m
Cầm túi thực phẩm đổi được từ xoong chảo cũ và vỏ lon bia, bà Nguyễn Thị Thanh (43 tuổi, phường Văn Chương, quận Đống Đa), phấn khởi cho biết: "Từ khi có chương trình đổi phế liệu lấy thực phẩm, tôi và gia đình đã tích trữ vỏ lon, rác thải rắn. Mỗi tuần 1 lần, tôi lại đem ra gian hàng đổi lấy rau, củ, quả. Những mặt hàng tại đây đều rất đa dạng và tươi ngon".
Được biết, mỗi ngày gian hàng thu mua trung bình từ 100 – 150 kg phế liệu, thậm chí có ngày lên đến 200 kg. Công ty dự kiến thời gian tới sẽ triển khai thêm mô hình đổi phế liệu lấy sữa và đồ dùng học tập tại các trường tiểu học và trung học trên toàn quốc.
Người dân quét mã QR khi đến giao dịch
Phế liệu người dân mang đến được đặt lên cân điện tử
Quy đổi thành tiền mặt theo bảng giá được niêm yết
Bà Nguyễn Thị Mai (55 tuổi, phường Văn Miếu, quận Đống Đa) mang phế liệu đổi được 18 ngàn đồng để lấy thực phẩm
Người dân phấn khởi với thực phẩm đổi được từ rác thải phế liệu
Ông Trần Ngọc Tuấn, đại diện cửa hàng số 3 phố Quốc Tử Giám, cho biết thực phẩm được vận chuyển đến và tiêu thụ trong ngày, không để lại đến ngày hôm sau để bán
Mô hình được triển khai với khoảng 20 gian hàng trên địa bàn TP Hà Nội
Bình luận (0)