Thay đổi để làm gì? Thay đổi để phá những vòng rào cô lập người ta dựng lên nhằm cản bước mình, phá những bức tường mình tự xây lên để ngăn cách mình với thế giới, phá những mặc cảm tự tôn và tự ti để tự nhận diện mình trước khi được thế giới nhận diện, phá những gì cũ kỹ lạc hậu mình đeo đẳng nó hay nó đeo đẳng mình qua rất nhiều năm. Phá để làm lại con người mình, một con người năng động, biết làm việc, biết tìm việc để làm, biết "tự cứu mình trước khi trời cứu" - như thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gửi các văn nghệ sĩ trí thức.
Một triển lãm về thời bao cấp, được tổ chức ở Hà Nội Ảnh: TTXVN
Trong Karma Thiền, người ta hay dùng từ "buông bỏ". Tôi chưa biết mình nên buông bỏ cái gì và giữ lại cái gì. Nói về đất nước hay cả dân tộc thì quá lớn lao, ở đây tôi chỉ nói về cá nhân nhỏ bé của mình, những trải nghiệm nhỏ bé về buông bỏ, được tích lũy qua 35 năm.
Năm 1986 đánh dấu mốc Đổi mới. Bản thân tôi khi ấy chưa cảm thấy rõ rệt là đổi mới cái gì và bản thân mình sẽ phải thay đổi ra sao. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ của nhà thơ Bằng Việt trong bài "Bếp lửa" anh viết trước Đổi mới rất lâu:
Bố đi đánh xe khô rạc ngựa gầy
Chỉ nhớ khói hun nhèm mắt cháu
Nghĩ lại đến giờ sống mũi còn cay"
Bài thơ nói về chuyện trước Cách mạng Tháng Tám, nhưng so với tình cảnh năm 1986, thì cũng na ná.
Đúng là nghĩ lại những năm trước 1986 ấy, còn thấy "cay sống mũi" thật. Mà đó cũng là những năm cả nước mình "đói mòn đói mỏi" thật.
Ngày đó, tôi ra Hà Nội có chút việc, khi trở vào Quy Nhơn, tôi rủ nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đi cùng, vào Nghĩa Bình xem có việc gì mình có thể làm "thợ đụng" kiếm mấy đồng bạc lẻ phụ giúp gia đình không. Sau lần đổi tiền (1985), dù mình không có tiền để đổi nhưng những túng thiếu, khốn khổ thì cứ như chia đều cả cho những người không có tiền, những người đứng bên ngoài cuộc đổi tiền. Hai chúng tôi chỉ mua được vé tàu chợ, toa ngồi, ghế gỗ hai hàng (hồi ấy cũng chỉ có một dạng tàu như vậy chạy trên đường sắt Thống Nhất). Tàu chạy cà rịch cà tang, từ Hà Nội vào Quy Nhơn mất đúng hai ngày một đêm. Sau đó, anh Thụy Kha viết được bài thơ "Đêm tàu chợ" với tất cả không khí bức bối, uể oải, buồn thảm trên một chuyến tàu.
Nhưng cũng từ cuối cái năm 1986 ấy, không khí tinh thần của cả xã hội có gì như mở ra hơn, có gì khang khác, có gì như đang rục rịch muốn thay đổi, dù sự thay đổi thì chưa cụ thể là những gì.
Đầu tiên là sự thay đổi ở ngay một tờ báo Đảng: Báo Nhân Dân. Với chuyên mục "Những việc cần làm ngay", tờ báo này in hằng ngày bài viết "hot" nhất của tác giả N.V.L, mà ai cũng biết đó là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Bạn đọc bắt đầu xếp hàng mua Báo Nhân Dân, điều chưa từng xảy ra trước đó. Những bài viết hết sức cụ thể, về những chuyện hết sức bức xúc "cần làm ngay" của tác giả N.V.L đã thổi một luồng gió mới trong xã hội, đã khiến người dân sôi nổi bàn luận, mở ra một không gian dân chủ chưa từng có.
Còn Báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, từ năm 1986 đột khởi lên thành tờ báo bán chạy hàng đầu. Nếu trước kia, người dân chẳng mấy khi đọc Báo Văn Nghệ, thì từ ngày Báo Văn Nghệ in một loạt phóng sự điều tra, những bút ký chân thật không tránh né, điều kỳ diệu đã xảy đến với tờ báo này: độc giả xếp hàng mua Báo Văn Nghệ! Ngày đó, tôi thỉnh thoảng có thơ in trên Báo Văn Nghệ, những bài thơ ban đầu tôi ít dám nghĩ sẽ được đăng. Thế mà những bài thơ ấy đều được đăng rất đường hoàng. Tôi nhớ, một buổi chiều, tôi với anh Thụy Kha ngồi buồn ở một góc Quy Nhơn, chúng tôi bàn với nhau về Đổi mới. Nói thật, hai chúng tôi hơi bi quan. Sau đó tôi viết ngay bài thơ, trong đó có hai câu:
"Có những lúc vô cùng mệt mỏi
Hay là thôi, đồng chí N.V.L ơi!"
Bài thơ ấy cũng được in trên Báo Văn Nghệ. Vài năm sau, tôi có dịp vào khu Thanh Xuân (Hà Nội) thăm nhà văn, nhà nghiên cứu nổi tiếng Trương Tửu - người đã chịu những bầm dập suốt mấy chục năm. Khi nghe bạn bè giới thiệu tôi, ông Trương Tửu đã nói như reo lên: "Anh có phải là Thanh Thảo của hai câu thơ "Có những lúc vô cùng mệt mỏi/ Hay là thôi, đồng chí N.V.L ơi!" không?". Tôi thưa vâng và cảm thấy giữa chúng tôi có một không khí chung nào đó, vui và dễ thở. Đó chính là không khí mà công cuộc Đổi mới bắt đầu mang lại cho xã hội và cho mỗi con người. "Cởi trói" là từ người ta hay nói lúc đó. Phải bắt đầu từ sự thay đổi không khí, cái không khí tù đọng mệt mỏi trì trệ trước kia được thay dần bằng một không khí dễ thở hơn, bắt đầu năng động hơn, hay nói như bây giờ là bắt đầu "tích chứa năng lượng" nhiều hơn, khiến con người trở nên nhanh nhẹn, có động lực làm việc hơn.
Những thay đổi từ Đổi mới không đến ngay một lúc mà đến từ từ, nhiều lúc hơi vật vã, nhưng mà đến. Đầu tiên, trên các tuyến quốc lộ, người ta cảm thấy nhẹ nhõm vì những lệnh "ngăn sông cấm chợ" đã được tháo gỡ. Hàng hóa từ con gà quả trứng trở đi bắt đầu được lưu thông tự do. Kinh tế thị trường từ "bóng tối" đã dần lộ diện giữa ban ngày. Đã từng có biết bao nhiêu tấm gương người lao động làm việc quên mình vì tập thể trước đây thì bây giờ xuất hiện những tấm gương làm việc vì bản thân, làm việc vì sự no ấm của gia đình mình, vì khát vọng sáng tạo của bản thân mình.
Chính cái "vì mình" ấy là một động lực để con người làm việc, vượt lên hoàn cảnh, tìm cách thay đổi số phận. Chưa tới phong trào "thi đua làm giàu" như bây giờ nhưng sau đại hội Đảng lần VI, trước tiên, người ta không còn phụ thuộc vào tem phiếu, người ta tìm kiếm việc làm và tìm kiếm thu nhập chính đáng. Bản thân tôi cũng bôn ba tìm việc làm thuê và khi tự mình kiếm được tiền, có cảm giác thật phấn khích, thật thoải mái, dù tiền kiếm được khá ít ỏi.
Bớt phụ thuộc vào nhà nước, mở ra nhiều hướng làm việc mới, tiến tới tự chủ kinh tế cho bản thân và gia đình mình, tôi nghĩ đó là thành tựu mà Đổi mới mang lại cho mỗi công dân. Bắt đầu từ sự thoải mái tinh thần, tiến tới tự tin khi mình tìm được thu nhập qua lao động, rồi cùng với tháng năm, những gánh nặng cơm áo cũng dần nhẹ đi, con người có thể ước mơ những gì cao hơn, những gì khi trước là ngoài tầm với của mình. Đổi mới là như vậy, nó không phải là công cuộc từ thiện, nó chẳng cho không ai cái gì nhưng nó mở hướng và kích thích con người làm việc, tạo động lực cho lao động. Nhà nước trở thành nhà nước điều tiết, không phải nhà nước phân phối bình quân của cải vật chất.
Năm 1988, tôi có 3 tháng học tập ở Liên Xô, tại Học viện Văn học Gorki, nhờ đó tôi cảm nhận được những khó khăn gần như không thể vượt qua của một "xã hội tem phiếu", một xã hội "xếp hàng cả ngày" và thiếu động lực lao động như xã hội Liên Xô hồi ấy.
Công cuộc Đổi mới của Việt Nam, công bằng mà nói, đã đi trước "đàn anh" Liên Xô một bước trong sự công nhận kinh tế thị trường và mở cho kinh tế thị trường có cơ hội vận hành. Người Việt Nam rất năng động, khi họ được trả về sự năng động của chính mình thì họ sẽ tự thay đổi, tự đổi mới. 35 năm ấy biết bao khó nhọc, biết bao vật vã nhưng như thế mới đúng là Đổi mới. Bởi thay đổi chính mình không bao giờ là chuyện dễ dàng.
Nhưng "Đổi mới để sống còn" - slogan ấy đúng là khẩu lệnh xung trận và cả đất nước, từng con người đã hưởng ứng lệnh xung trận này.
Bình luận (0)