Ngày 13-12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã chủ trì hội nghị đối thoại về giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản tại Việt Nam. Hội nghị do Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam phối hợp tổ chức.
Quy định cụ thể hơn với lao động Nhật Bản
Tại hội nghị, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda bày tỏ 2 kiến nghị gửi đến Chính phủ Việt Nam là nâng cao năng suất lao động và cải cách môi trường đầu tư. Để tăng cường độ tin cậy của DN Việt Nam về mặt luật pháp, đề nghị Chính phủ Việt Nam làm tốt 2 điểm. Đó là làm tốt những nguyên tắc, cam kết đã ký kết và tuân thủ các nguyên tắc quốc tế.
Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hiroshi Karashima bày tỏ băn khoăn về dự thảo nghị định về việc người lao động nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc. Ông Hiroshi Karashima cho rằng để tránh việc người lao động nước ngoài buộc phải đóng tiền bảo hiểm 2 lần (cả nước của họ và Việt Nam), đề nghị áp dụng cơ chế loại trừ đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc căn cứ theo đề nghị đối với những người lao động đã tham gia BHXH tại nước của họ.
Ông Trần Hải Nam - Vụ phó Vụ BHXH, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cho biết đã tiếp thu kiến nghị của DN Nhật Bản và báo cáo cơ quan có liên quan. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết dự thảo nghị định phải phân loại cụ thể từng trường hợp lao động, như lao động dịch chuyển nội bộ… Đại sứ Nhật Bản Kunio Umeda cho hay sẽ sớm báo cáo Chính phủ Nhật Bản thúc đẩy đàm phán hiệp định về bảo hiểm xã hội với Việt Nam.
Đại diện các doanh nghiệp Nhật phát biểu tại hội nghị
Bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất
Liên quan đến mảng kinh doanh ô tô, Hiệp hội DN Nhật Bản cho rằng Nghị định 116 về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô và dịch vụ bảo hành bảo dưỡng cho ô tô có một số vướng mắc cho nhà nhập khẩu. Cụ thể, nghị định yêu cầu phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại của cơ quan, tổ chức có thầm quyền nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều DN nêu vướng mắc trong thực tế, chính phủ của mỗi quốc gia chỉ kiểm tra, thử nghiệm và cấp chứng nhận theo quy định của quốc gia đó cho việc sử dụng trong nước. Xe sản xuất để xuất khẩu nằm ngoài sự quan tâm của họ.
Đại diện DN Nhật Bản cũng nêu rõ việc nghị định này yêu cầu thử nghiệm khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật cho xe CBU (Completely Built-Up: Xe được sản xuất hoàn toàn ở nước ngoài và nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam) theo từng lô hàng là rất khó cho họ. Vì mỗi lần thử nghiệm như thế sẽ mất thời gian khoảng 2 tháng và chi phí lên tới 10.000 USD. Hiệp hội đề nghị Chính phủ Việt Nam chỉ áp dụng việc thử nghiệm cho mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại xe của lô hàng đầu tiên và chấp nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo trong thời gian 6 tháng.
Về đề xuất này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết tinh thần của Nghị định 116 là vừa bảo vệ nhà sản xuất chứ không riêng người tiêu dùng. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, khi các nhà sản xuất mở thị trường ở các nước thì việc cung cấp giấy tờ sẽ rất thuận lợi để chứng minh chất lượng hàng hóa. Còn yêu cầu nhà nhập khẩu phải có bảo hành, bảo dưỡng là trách nhiệm của nhà nhập khẩu đối với người tiêu dùng. "Riêng đối với kiểm tra từng lô hàng, các bộ lưu ý tạo điều kiện cho nhà nhập khẩu, sản xuất, nếu cùng serie, không có sự thay đổi thì như đề nghị của Bộ Công Thương là sẽ có thuận lợi hơn cả hậu kiểm và đánh giá tuân thủ pháp luật" - ông Dũng lưu ý.
Tháo gỡ Thông tư 23 về nhập khẩu máy, thiết bị cũ
Một trong những vấn đề nhiều DN Nhật Bản quan tâm là quy định tại Thông tư 23/2015/TT-BKHCN liên quan đến nhập khẩu máy móc cũ. Ông Satoru Wachi, Trưởng nhóm các vấn đề liên quan đến quy định nhập khẩu máy móc cũ (JBAV) nói: "Mục đích của quy định này là hạn chế việc nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ kém chất lượng nhưng có những máy móc, thiết bị cũ trên 10 năm vẫn có đầy đủ tính năng, thậm chí không có các máy móc, thiết bị đó thì không thể sản xuất được sản phẩm".
Giải đáp băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Quý Dương cho hay Thông tư 23 xây dựng với tiêu chí chính là hạn chế nhập khẩu những máy móc quá cũ để bảo đảm năng suất chất lượng, tránh gây giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Sau khi ban hành thông tư, nhiều DN phản ánh có những khó khăn, vướng mắc. Để sửa đổi, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiếp thu và lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội…
Bình luận (0)