Tháng 6-1967, Bộ Chính trị chỉ thị Trung ương Cục và các khu ủy toàn miền Nam phải kiên quyết giành ưu thế quân sự, chính trị; tiến lên và buộc địch phải chuyển vào thế phòng ngự trên ba chiến trường quyết định.
Thu hút địch ra Đường 9
Chiến trường thứ nhất là Sài Gòn - Chợ Lớn và miền Đông Nam Bộ: Thực hiện bao vây chặt Sài Gòn - Chợ Lớn, buộc địch phải phân tán một lực lượng quan trọng, tiêu diệt từng đơn vị lớn quân Mỹ, quân đội Sài Gòn ở các vùng rừng và giáp ranh TP.
Chiến trường thứ hai là từ Đường 9 qua Trị - Thiên đến Quảng Đà, Quảng Nam: Phải căng địch ra và đánh mạnh vào thủy quân lục chiến Mỹ ở hai đầu; tiêu diệt một bộ phận quan trọng thủy quân lục chiến Mỹ, đánh quỵ 2 sư đoàn quân đội Sài Gòn, đánh phá các căn cứ lớn của địch ở Đường 9, cắt đứt đường giao thông huyết mạch, buộc địch phải chuyển vào phòng ngự bị động trên toàn Vùng chiến thuật 1.
Chiến trường thứ ba là đồng bằng, giáp ranh Khu 5 và Tây Nguyên: Bao vây, tiến công mạnh các căn cứ và đường giao thông chiến lược của địch; tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân địch, đánh quỵ các sư đoàn 2 và 22 quân đội Sài Gòn...
Một đoạn Đường 9 (nay là Quốc lộ 9A) qua thị trấn Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị) ngày nay Ảnh: HÀ PHONG
Trung tuần tháng 11-1967, phía ta nhận thấy Mỹ đã biết nội dung cơ bản của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 12 (tháng 12-1965) là ta tranh thủ tìm kiếm một số thắng lợi quân sự nhằm làm chuyển biến cục diện chiến tranh, phục vụ thương lượng. Từ đó, Mỹ đánh giá ta không đủ khả năng làm một "Điện Biên Phủ 1968". Kế hoạch nghi binh là phải khiến địch tin chắc vào đánh giá trên của chúng. Cục Tác chiến đã dự thảo kế hoạch nghi binh chiến lược phục vụ tổng công kích - tổng khởi nghĩa; đồng thời xây dựng một loạt kế hoạch nghi binh của trung ương, của các địa phương, phối hợp cả các cơ quan Cục Tình báo, Bộ Ngoại giao, cơ quan lãnh đạo báo chí... Ngày 14-11-1967, kế hoạch được đồng chí Văn Tiến Dũng thông qua.
Trên Mặt trận Đường 9, ta xác định dùng đòn tiến công của bộ đội chủ lực nhằm thu hút, phân tán lực lượng, tiêu diệt địch. Chiến dịch do Bộ Quốc phòng mở và trực tiếp chỉ đạo, sử dụng hơn 4 sư đoàn chiến đấu hiệp đồng binh chủng; tiến công 3 trung đoàn tăng cường thuộc Sư đoàn 3 thủy quân lục chiến, Sư đoàn 1 kỵ binh không vận Mỹ và một số lực lượng khác của quân đội Sài Gòn. Vận dụng phương pháp tác chiến là phong tỏa cảng Cửa Việt, tiêu diệt các cứ điểm vòng ngoài nhằm cô lập quân Mỹ ở thung lũng Khe Sanh; bao vây lực lượng địch phòng ngự, tiêu diệt lực lượng địch ứng cứu giải tỏa bên ngoài, đe dọa tiêu diệt buộc địch phải rút khỏi Khe Sanh.
Khe Sanh giống như "cái mỏ neo" trong bản đồ quân sự của Mỹ, là trung tâm chỉ huy của hàng rào điện tử McNamara, phòng tuyến chống xâm nhập hiện đại nhất ở bờ Nam sông Bến Hải. Khe Sanh - Quảng Trị được xây dựng thành một tập đoàn phòng ngự mạnh, liên hoàn, kiên cố nhất của Mỹ ở địa đầu miền Nam Việt Nam. Quân Mỹ đang có ý định "thả mồi ngon" để lừa ta phải chiến đấu theo cách đánh quy ước, vốn là sở trường của quân Mỹ. Khe Sanh được kỳ vọng sẽ là "nam châm hút quân Bắc Việt", để Mỹ dùng ưu thế hỏa lực tiêu diệt trong một thế trận "Điện Biên Phủ đảo ngược".
Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ đạo khéo léo để lộ kế hoạch với địch, thực hiện một bước nhỏ trong toàn bộ kế hoạch nghi binh; một mặt chỉ đạo Đảng ủy Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ; mặt khác, chỉ đạo cơ quan báo chí phát thanh hạn chế tuyên truyền những trận đánh đô thị mà tập trung vào những hướng nghi binh.
Ngày 6-12-1967, Quân ủy Trung ương quyết định lập Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Khe Sanh. Đồng chí Lê Quang Đạo, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy; Trần Quý Hai, Phó Bí thư, Tư lệnh.
Không được mất Khe Sanh
Từ ngày 20-1, quân ta mở chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh, từ Cửa Việt đến biên giới Việt Nam - Lào, với lực lượng tương đương quân đoàn tăng cường, do Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ đạo.
Rạng ngày 21-1-1968, pháo binh phát hỏa mở màn chiến dịch, phong tỏa cảng Cửa Việt, tiêu diệt các căn cứ Hướng Hóa, Huội San, đánh thiệt hại lực lượng Mỹ trên Đường 9... Sức ép của ta ngày càng tăng làm cho Bộ Tư lệnh quân Mỹ ở Nam Việt Nam lo ngại, phải tăng quân lên 43 tiểu đoàn chủ lực với tổng quân số 69.490 lính, ném bom Khe Sanh và khu vực giới tuyến, thiếp lập một sở chỉ huy tại Phú Bài (Huế) để chỉ huy lực lượng đánh trả. Sau 170 ngày đêm, ta diệt và bắt sống 11.900 tên địch, phá hủy 78 xe quân sự, bắn cháy và phá hủy 197 máy bay các loại, bắn chìm, hỏng 80 tàu vận tải của địch...
Những động thái trên càng khiến Tổng thống Johnson nhận định Khe Sanh sẽ là "Điện Biên Phủ" thứ hai và đã triển khai làm cả sa bàn Khe Sanh ở Washington, thậm chí còn yêu cầu tướng Oétmolen - Tổng chỉ huy quân đội Mỹ tại Việt Nam - phải ký giấy cam đoan không được để mất Khe Sanh vì đó là danh dự của nước Mỹ. Mỹ đã sử dụng các lực lượng của Sư đoàn 3 Thủy quân lục chiến và Sư đoàn 1 kỵ binh không vận cùng pháo binh và không quân không hạn chế, kể cả máy bay chiến lược B52 tại Khe Sanh...
- Tít bài do Tòa soạn đặt; nội dung dẫn từ tài liệu tại hội thảo khoa học về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, do Bộ Quốc phòng phối hợp Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TP HCM tổ chức.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt các mục tiêu: tiêu diệt một phần lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ và quân đội Sài Gòn, giành quyền kiểm soát Khe Sanh, không còn căn cứ nào có thể uy hiếp trực tiếp tuyến đường cùng dòng hàng đưa ra tiền tuyến; giam chân, thu hút lực lượng tinh nhuệ của Mỹ - quân đội Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho toàn miền Nam thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thắng lợi.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-1
Kỳ tới: Tây Nguyên đồng loạt nổ súng
Bình luận (0)