Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam là bảng hiệu đặt ngay cổng vào trung tâm huyện: "Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong". Sống nương tựa vào rừng bao đời nay, đó là những gì mà người Tây Giang đúc kết được.
Như người ruột thịt thân yêu
Thực tế, Tây Giang không hô khẩu hiệu suông. Từ nhiều năm nay, các cấp chính quyền cùng cộng đồng dân cư của huyện đã chung tay bảo vệ lá phổi xanh nơi đại ngàn để giờ đây, Tây Giang được xem là tấm gương sáng trong công tác bảo vệ rừng cho các địa phương học tập.
Theo thống kê, Tây Giang hiện có gần 54.000 ha đất có rừng, trong khi toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện chỉ hơn 90.000 ha. Trong đó, đất rừng nguyên sinh chiếm gần 51.000 ha, độ che phủ rừng lên đến 60%.
Với diện tích như thế, tài nguyên rừng ở Tây Giang rất phong phú, đa dạng. Người dân và chính quyền địa phương luôn tự hào khi sở hữu một khu rừng lim xanh hàng trăm năm tuổi cực kỳ quý hiếm, một "vương quốc pơmu" hàng ngàn năm tuổi - trong đó có 725 cây được công nhận là Cây Di sản. Tây Giang còn có rất nhiều loài cây quý hiếm khác và hàng loạt loài động vật hoang dã nằm trong Sách đỏ như sao la, chồn bay, sơn dương...
Khẩu hiệu đầy quyết tâm giữ rừng đặt ngay đường vào trung tâm huyện Tây Giang
Theo ông Lê Hoàng Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, sở dĩ địa phương còn lưu giữ được nhiều khu rừng quý là nhờ ý thức giữ gìn của cộng đồng cư dân, nhất là đồng bào Cơ Tu (chiếm trên 95% dân số huyện). Người Cơ Tu có một kho tàng văn hóa truyền thống đa dạng và phong phú, đậm tính nhân văn.
"Ngoài các lễ cúng, lễ hội, đồng bào Cơ Tu còn có phong tục độc đáo, mang đặc trưng rất riêng về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống của cộng đồng, trong đó có "văn hóa kiêng cữ, giữ rừng". Nhờ nét văn hóa đặc biệt này nên ngàn đời nay, đồng bào Cơ Tu dù sống và canh tác chủ yếu bằng nghề nương rẫy nhưng vẫn giữ được các khu rừng già, rừng đầu nguồn" - ông Linh cho biết.
Ông Pơloong Pơlênh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Phát triển du lịch Tây Giang - một người Cơ Tu, cho biết trong ý thức, bà con Cơ Tu không xem rừng là thứ tài nguyên để khai thác, mua bán. "Họ xem rừng như người thân yêu ruột thịt của mình. Với người Cơ Tu, rừng là của chung, bà con bảo vệ rừng vì cái chung cho cả cộng đồng. Họ luôn trân trọng rừng, tôn thờ thần rừng, nhất là rừng thiêng, rừng đầu nguồn, rừng có nghĩa địa và rừng có nhiều gỗ quý hiếm, nhiều cây thuốc chữa bệnh cho dân làng" - ông Pơloong Pơlênh đúc kết.
Già làng Cơlâu Nhấp (xã Lăng, huyện Tây Giang) cho biết trước đây khi chọn đất lập nghiệp, người Cơ Tu luôn quan niệm ở đâu có rừng, có dòng sông, khe suối thì buôn làng mới tồn tại và phát triển vững bền được. "Với người Cơ Tu, rừng không chỉ là môi trường sống, là cây cỏ, là động thực vật cho họ sự sống mà còn là cội nguồn văn hóa, là thần linh che chở và bảo vệ họ khỏi thú dữ, kẻ thù. Do vậy, rừng luôn được xem như vị thần linh, ân nhân vĩ đại, linh thiêng của dân làng" - già làng Cơlâu Nhấp lý giải.
Người Cơ Tu luôn truyền dạy cho con cháu những điều sâu sắc trong "văn hóa kiêng cữ", giữ rừng. Chẳng hạn, "Con chim trên trời cao cần rừng xanh bát ngát/Con cá dưới nguồn cần dòng nước trong veo/Con người Cơ Tu cần mẹ rừng che chở/Cho dân làng ta sinh sôi, nảy nở/Cho mùa màng ta luôn bội thu/Cho người Cơ Tu khắp muôn nơi mãi mãi trường tồn.../Mất rừng chim không còn tiếng hót/Mất suối sông cá không còn hơi thở/Mất mẹ rừng người Cơ Tu sẽ tàn vong...".
Nhiều cách làm hay
Để giữ được rừng, chính quyền huyện Tây Giang không chỉ dựa vào ý thức của người dân mà còn có nhiều cách làm hay. Điển hình như ở xã Tr’Hy - nơi có khu rừng pơmu di sản, việc vận động đồng bào giao nộp cưa cho già làng, trưởng thôn đã phát huy tác dụng.
Theo ông Zơrâm Hướp, Chủ tịch UBND xã Tr’Hy, từ vài năm trước, khi đường sá đi lại bắt đầu thuận lợi, nhiều người dưới xuôi và những địa phương khác tìm đến đây lăm le phá rừng. "Bị kẻ xấu lợi dụng, nhiều người dân địa phương sắm cưa lốc, lén lút vào rừng sâu tìm gỗ. Từ đó, những cây gỗ quý như giổi, táu, hương dần bị phá, rừng thưa thớt dần" - ông Hướp nhớ lại.
Trước tình trạng này, các già làng đã tổ chức một cuộc họp để cùng người dân tìm cách bảo vệ những cánh rừng thiêng. Rất nhiều sáng kiến được đưa ra, trong đó việc "tịch thu" hết cưa lốc của người dân trong xã được áp dụng.
"Ban đầu, người dân phản đối ghê lắm, bởi đó là tài sản của họ. Thế nhưng, sau khi nghe vận động, phân tích phải trái, họ dần chấp nhận. Đến nay, hàng trăm cưa lốc của người dân đã bị tịch thu hoặc tự nguyện giao nộp. Nhờ đó, những cánh rừng được bình yên, người dân cũng có ý thức hơn, không để kẻ xấu dụ dỗ đi phá rừng nữa" - ông Hướp cho biết.
Mới đây, khi "vương quốc pơmu" được công nhận Cây Di sản, chính quyền huyện Tây Giang đã có một quyết định táo bạo: Thành lập hẳn một làng mới giữa lõi rừng quý, đưa người dân vào sinh sống để giữ gìn. Huyện cho xây 10 căn nhà ở đây theo phong cách truyền thống của người Cơ Tu. Tổ công tác bảo vệ rừng di sản cũng được thành lập với 28 thành viên đều là dân địa phương. Các cặp vợ chồng mới cưới được đưa vào cư trú trong ngôi làng giữa rừng pơmu…
"Sống giữa rừng pơmu linh thiêng, chắc chắn bà con Cơ Tu - vốn xem rừng như người thân yêu ruột thịt của mình - sẽ bảo vệ vững chắc di sản" - một lãnh đạo huyện Tây Giang tin tưởng.
Phát triển du lịch bền vững
Theo ông Lê Hoàng Linh, Tây Giang còn có các căn cứ cách mạng, địa đạo, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ... Tây Giang đầy tiềm năng để phát triển du lịch theo hướng bền vững.
"UBND huyện Tây Giang đang xúc tiến dựng các điểm dừng chân, mở dịch vụ du lịch homestay cho các hộ dân sinh sống quanh vùng đệm rừng pơmu. Huyện cũng đang kiến nghị lãnh đạo các cấp có những chính sách ưu tiên, đặc biệt là kêu gọi đầu tư, để phát triển du lịch bền vững" - ông Linh cho biết.
Kỳ tới: Quản chặt rừng lim quý hiếm
Bình luận (0)