Hôm chúng tôi đến làng Grông, xã Kriêng, già làng Puih Bưa ở nhà tiếp khách chứ không đi rẫy như mọi ngày. Già làng đã ngoài 70 tuổi này cho biết khi xưa, Kriêng bạt ngàn rừng nguyên sinh. Trải qua bom đạn chiến tranh, rừng ở đây vẫn còn rất nhiều.
Suýt bị xóa sổ
Thế nhưng, những năm 1990, rừng ở Kriêng bắt đầu bị chặt phá, gỗ quý lần lượt bị lấy đi. Phong trào chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su cũng khiến rừng ở đây lâm nguy.
Một góc rừng hương ở xã Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia LaiẢnh: Hoàng Thanh
Cây lim ngàn tuổi ở Vườn Quốc gia Bến En, tỉnh Thanh HóaẢnh: Thanh Tuấn
"Năm ấy, khi công nhân đang dọn rừng để trồng cao su thì dân làng phát hiện một khu vực có nhiều cây hương sắp bị san ủi nằm giữa làng Grông và làng Gà. Tiếc khu rừng quý, dân làng cấp báo lên chính quyền và rừng hương được giữ cho đến nay. Ông Rơ Mah Le - khi đó là Chủ tịch UBND xã Kriêng, người luôn xem rừng như nhà của mình - rất quyết liệt trong việc giữ lại khoảnh rừng này" - già làng Puih Bưa kể.
Từng đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều cánh rừng bị cạo trọc nên khi bước chân vào khu rừng hương ở xã Kriêng, tận mắt chiêm ngưỡng hàng ngàn cây gỗ quý 2-3 người ôm không xuể, chúng tôi hết sức vui mừng. Khi biết được dân làng và chính quyền địa phương khó nhọc ra sao để chặn bước lâm tặc đặt chân đến khu rừng quý này, chúng tôi lại càng cảm kích.
Theo già làng Puih Bưa, từ khi rừng hương được giữ lại, người dân làng Grông và làng Gà thay nhau cắt cử người trông coi để những cây gỗ quý khỏi bị lâm tặc lăm le chặt phá. Đến năm 2011, xã Kriêng khoán hẳn cho ông Nguyễn Hữu Mạnh và ông Rơ Mah Kem, đều trú tại xã Kriêng, trông coi khu rừng này. Huyện Đức Cơ còn xuất ngân sách làm một căn nhà nhỏ để 2 ông có nơi ăn chốn ở khi giữ rừng.
Dẫn chúng tôi tham quan khu rừng, ông Mạnh khoe: "Ở đây có trên 2.000 cây hương, mỗi cây đều đánh số để dễ theo dõi, quản lý. Nhiều năm trông coi khu rừng này, tôi thuộc nằm lòng từng gốc cây, vị trí". Ông Mạnh quê ở Quảng Bình. Vốn mê rừng nên khi vào Đức Cơ sinh sống, thấy cánh rừng hương ở xã Kriêng, ông "sướng quá" nên tình nguyện xin ở lại giữ gìn.
Những ngày đầu chưa có nhà, ông Mạnh dựng lều giữa rừng để canh giữ, mặc kệ rắn rết, côn trùng. Đến khi được huyện làm cho căn nhà, ông không còn lo lắng gì nữa. "Khu rừng này thường bị lâm tặc nhòm ngó, thậm chí nhắn tin cho tôi để "xin gỗ". Khi bị tôi từ chối, chúng còn trở mặt đe dọa" - ông Mạnh nhớ lại.
Trong khi đó, là dân địa phương, ông Rơ Mah Kem đã tình nguyện cùng ông Mạnh canh giữ rừng hương. Ban ngày, 2 ông đi phát quang chống cháy, ban đêm cùng nhau rảo khắp rừng kiểm tra. Hai ông còn vạch lá tìm nhặt từng quả hương già rồi nhân giống, hy vọng càng nhiều cây thì diện tích rừng quý càng được mở rộng.
Theo ông Rơ Mah Le, Phó Bí thư Đảng ủy xã Kriêng, từ khi có ông Mạnh và ông Kem canh giữ, khu rừng hương không còn bóng dáng lâm tặc, ngày càng phát triển tươi tốt. "Có hai ông canh giữ, khu rừng không mất một cây nào nữa. Lâm tặc cũng nản lòng, tự giác rút lui". Ông Trịnh Xuân Hữu, kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Kriêng, cho rằng cả Gia Lai không tìm đâu ra khu rừng hương như thế. "Rừng hương Kriêng giờ được dân làng xem như khu rừng thiêng, một nhánh củi khô cũng không ai bẻ" - ông khẳng định.
Đổ máu giữ cây lim ngàn tuổi
Ở Thanh Hóa, nhắc đến Vườn Quốc gia (VQG) Bến En nằm tại 2 huyện Như Thanh và Như Xuân, nhiều người vẫn còn nhớ vùng đất một thời được xem là xứ sở của lim xanh. Những năm 1980-1990, loài cây quý này có mặt khắp nơi. Thế nhưng, khi bước chân lâm tặc không bị chặn đứng, rừng lim bị xóa sổ gần hết, chỉ còn… 1 cây.
Từ Trạm Kiểm lâm Xuân Lý thuộc VQG Bến En, chúng tôi đã nhìn thấy cây lim ngàn tuổi sừng sững này. Nó cao vút, tán phủ rộng một vùng. Ông Lê Xuân Thái, cán bộ pháp chế VQG Bến En, cho biết: "Cây lim này được xem là báu vật còn lại của VQG Bến En. Để bảo vệ cây lim quý trước nạn phá rừng tàn khốc, nhiều cán bộ kiểm lâm và người dân địa phương đã phải đổ máu".
Theo ông Thái, lim cổ thụ này cao hơn 30 m, đường kính trung bình gần 2 m, gốc cây 5 người vòng tay mới ôm hết. Gốc cây sần sùi, mốc meo và có 2 vết cắt khá sâu do lâm tặc để lại khi nhiều lần tìm cách đốn hạ. Những năm 1991-1992, khi rừng bị tàn phá nặng nề, để bảo vệ một số cánh rừng còn sót lại, VQG Bến En được thành lập. Tuy nhiên, nhiều khu rừng vẫn bị chặt phá không thương tiếc.
"Lâm tặc rất thèm thuồng cây lim ngàn tuổi này. Vì vậy, VQG Bến En đã lập một trạm kiểm lâm gần đó để bảo vệ. Thế nhưng, lợi dụng lúc các kiểm lâm viên đang ăn cơm chiều, một nhóm lâm tặc đã mang cưa, rìu vào đốn cây. 20 kiểm lâm viên được huy động đến ngăn chặn nhưng nhóm lâm tặc hung hãn chống trả. Khi lực lượng công an tới hỗ trợ, nhóm lâm tặc đành rút đi, cây lim mới được cứu" - ông Đặng Hữu Nghị, Giám đốc VQG Bến En, nhớ lại.
Theo ông Nghị, VQG Bến En vẫn còn nhiều gỗ quý nhưng không cây nào qua được lim cổ thụ này. Gần 10 năm trước, VQG Bến En bắt đầu tìm cách khôi phục những cánh rừng lim bị xóa sổ trước kia. Một đề án phát triển, bảo tồn loài cây này đã được UBND tỉnh Thanh Hóa thông qua.
Ông Lê Đình Phương, Phó Giám đốc VQG Bến En, cho biết: "Thực hiện đề án này, chúng tôi đang khoanh vùng khoảng 1.000 ha lim xanh tự nhiên và trồng mới khoảng 5 ha - được lấy hạt chủ yếu từ cây lim ngàn tuổi. Nhiều cánh rừng lim xanh ở VQG đang phát triển tốt, góp phần tạo nên sự đa dạng sinh học tại đây".
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-10
Kỳ tới: Tiếp sức rừng thiêng
Bình luận (0)