Khu rừng săng lẻ nguyên sinh tại xã Tam Đình, huyện Tương Dương, phía Tây Nghệ An được xem là "báu vật giữa đại ngàn" của địa phương. Khu rừng này rộng hơn 70 ha, với hàng trăm ngàn cây săng lẻ thẳng tắp cao 30-40 m.
"Thần" hộ vệ rừng
Ở Nghệ An, rừng khắp nơi bị đốn trụi. Nhiều khu rừng nguyên sinh nằm cách khu dân cư cả hàng trăm cây số cũng bị lâm tặc chặt phá tan hoang. Thế nhưng, như một kỳ tích, ngay trên Quốc lộ 7 - nơi nhiều hộ dân định cư, hàng ngàn người qua lại hằng ngày - một cánh rừng nguyên sinh với những cổ thụ hàng trăm năm tuổi vẫn tồn tại.
Khu rừng săng lẻ nguyên sinh nằm ven Quốc lộ 7 ở Nghệ An Ảnh: ĐỨC NGỌC
Đến bản Quang Thịnh, xã Tam Đình, chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện thú vị về rừng săng lẻ gắn với ông Vi Chính Nghĩa - nguyên Bí thư Huyện ủy Tương Dương, Phó Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An. Dân bản thường gọi người dành mấy chục năm chăm sóc, bảo vệ cánh rừng quý này với cái tên thân thương: "Thần" hộ vệ rừng.
Theo người dân địa phương, vào năm 1964, Lâm trường Tương Dương kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An cho khai thác săng lẻ ở Tam Đình. Lúc đó, Bí thư Huyện ủy Vi Chính Nghĩa nhận thấy khu rừng đặc biệt giá trị nên quyết xin giữ lại 100 ha ở bản Quang Thịnh. Năm 1992, sau khi về hưu, để săng lẻ khỏi bị lâm tặc và người dân chặt phá, ông Nghĩa xin một đám đất ở Quang Thịnh, dựng lán nhỏ rồi tình nguyện lao vào "cuộc chiến" bảo vệ, chăm sóc khu rừng quý.
Cựu binh Trần Đức Minh trong khu rừng tự nhiên ở núi Nhàn Ảnh: TỬ TRỰC
Hình ảnh một ông già thường xuyên cuốc bộ kiểm tra khu rừng đã dần tác động đến cư dân và nhiều người đã noi theo. Ông Vi Trường Vĩnh, ngụ tại bản Quang Thịnh, bày tỏ: "Mình cũng tham gia bảo vệ rừng nhưng để có cánh rừng săng lẻ như ngày nay, người có công lớn nhất chính là ông Nghĩa. Nếu không có "ông thần" hộ vệ rừng này canh giữ mấy chục năm nay thì chắc người ta đã chặt phá hết lâu rồi".
Năm 2008, khi tuổi cao sức yếu, ông Nghĩa giao việc giữ rừng săng lẻ cho anh Vi Văn Tuấn, một người dân bản Quang Thịnh. "Năm 2015, cụ Nghĩa mất nhưng di sản cụ để lại là khu rừng săng lẻ quý giá vẫn còn nguyên vẹn. Hiện nay, khu rừng này được giao kiểm lâm quản lý nhưng thực chất, việc bảo vệ vẫn do cộng đồng thôn bản đảm nhận" - ông Vi Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Tam Đình, khẳng định.
Theo ông Thắng, từ năm 2015, bản Quang Thịnh lập hẳn một tổ bảo vệ gồm 11 người, hằng ngày thay nhau đi tuần tra, canh giữ rừng săng lẻ. Dân bản còn cùng nhau lập ra hương ước bảo vệ rừng săng lẻ, trong đó quy định rõ sẽ nghiêm trị người trong bản tham gia phá rừng.
Ông Nguyễn Hữu Hiến, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương, đánh giá: "Rừng săng lẻ nguyên sinh Tam Đình là khu rừng đặc dụng đặc biệt quý hiếm. Đây có lẽ là khu rừng săng lẻ duy nhất ở Việt Nam còn giữ được nguyên vẹn. Để giữ được khu rừng như thế, dân bản Quang Thịnh có công rất lớn".
40 năm kiên trì
Ở Quảng Ngãi, núi Nhàn được xem như biểu tượng của người dân khu Tây huyện Sơn Tịnh. Ở đó, có khu rừng tự nhiên diện tích 36 ha được giữ gần như nguyên vẹn nhờ công đầu của ông Trần Đức Minh.
Nhà ông Minh vốn chỉ cách đỉnh núi Nhàn chưa đến 1 km. Từ nhỏ, ông đã gắn bó với từng ngách đá, gốc cây ở khu rừng nguyên sinh núi Nhàn. Lớn lên, như nhiều thanh niên khác, ông cũng cầm súng lao vào cuộc chiến giành tự do, độc lập.
"Những năm 1970, tôi và đồng đội chọn núi Nhàn làm căn cứ du kích địa phương. Cuộc chiến ở đây vô cùng khốc liệt, rất nhiều chiến sĩ đã ngã xuống. Địch thường xuyên tổ chức càn quét, quyết xóa sổ căn cứ núi Nhàn nhưng đều thất bại bởi địa hình hiểm trở, rừng cây um tùm che chở chúng tôi" - ông Minh nhớ lại.
Hòa bình lập lại, ông Minh xuất ngũ rồi làm Xã đội trưởng xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh. Ông kể: "Lúc đó, người dân còn rất khó khăn, thường lên rừng đốn cây lớn về bán gỗ, dựng nhà. Chẳng bao lâu, cả vạc rừng bị phá rụi. Thấy cảnh tượng đó, tôi trăn trở mãi, nhiều đêm không ngủ được. Lẽ nào trong chiến tranh, mưa bom lửa đạn không hại nổi rừng, giờ hòa bình rồi mà rừng lại bị tàn phá?".
Thế là từ đó, ông Minh quyết tâm lao vào "cuộc chiến" mới - cuộc chiến bảo vệ rừng nguyên sinh núi Nhàn. "Cứ mỗi lần nghe tiếng cưa, rìu chặt cây là tôi tức tốc chạy lên. Lâm tặc lúc đó hầu hết là dân địa phương, khi bị tôi ngăn cản, họ chống đối rồi đuổi đánh. Không nản lòng, tôi đi hết nhà này đến nhà khác động viên bà con không phá rừng. Nhiều lần, tôi còn đem lương thực lên núi Nhàn ở suốt ngày đêm để canh giữ, không cho người ta chặt cây. Kiên trì mấy năm như thế, người dân hiểu được cái tâm của tôi nên bảo nhau không phá rừng nữa" - ông Minh cho biết.
Trong khi dân địa phương bắt đầu đồng cảm với ông Minh thì lâm tặc các nơi vẫn luôn xem khu rừng nguyên sinh núi Nhàn là "mồi ngon". Những năm ấy, người ta phá rừng khắp nơi. Chỗ nào còn rừng là họ tràn vào, bất chấp chính quyền địa phương. Nhiều lâm tặc sẵn sàng chống trả khi bị ngăn chặn. Ông Minh kể: "Thấy tôi đơn thương độc mã nên hai người dân địa phương là ông Lê Cao Hùng và anh Nguyễn Văn Cảnh đã cùng tham gia bảo vệ rừng. Bà con cũng sát cánh hỗ trợ, cứ thấy người lạ lên núi Nhàn là lập tức báo cho chúng tôi"…
Theo anh Lê Cao Hoàng, con ông Lê Cao Hùng - người thay cha tiếp tục tham gia đội bảo vệ rừng núi Nhàn, nhờ cựu binh Trần Đức Minh mà khu rừng tự nhiên này mới giữ được như ngày nay. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Tịnh Sơn, cảm kích: "Ở những nơi khác, người dân phá rừng trồng keo ồ ạt nhưng riêng núi Nhàn, một tấc rừng tự nhiên cũng không bị xâm hại. Tất cả là nhờ công sức của ông Minh và đội bảo vệ rừng suốt 40 năm qua".
Kỳ tới: Chặn bước lâm tặc
Bình luận (0)