Cơ quan BHXH TP HCM vừa chuyển hồ sơ vụ việc Công ty TNHH Nam Phương (KCN Tây Bắc, huyện Củ Chi) trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của người lao động (NLĐ) sang cơ quan công an, đề nghị điều tra, xử lý hình sự. Đây là chủ doanh nghiệp (DN) đầu tiên tại TP HCM bị đề nghị xử lý hình sự theo quy định mới của Bộ Luật Hình sự sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018).
Công nhân khốn đốn
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực tế, Công ty TNHH Nam Phương đã nợ BHXH, BHYT, BHTN từ năm 2012. Từ năm 2012-2016, BHXH huyện Củ Chi đã 3 lần khởi kiện DN này ra tòa và thắng kiện. Theo bản án số 10/2016, TAND huyện Củ Chi đã buộc công ty có nghĩa vụ đóng hơn 12,8 tỉ đồng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ. Tuy nhiên, DN này chỉ khắc phục một phần và số nợ vẫn tiếp tục tăng lên.
Đến tháng 8-2016, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM đã tiến hành thanh tra và trình UBND TP ban hành Quyết định 4936 phạt Công ty TNHH Nam Phương 150 triệu đồng; buộc nộp số tiền BHXH, BHYT chưa đóng và lãi chậm nộp hơn 4,3 tỉ đồng. Tuy nhiên, DN này vẫn tiếp tục chây ì.
Ngày 27-11-2017, BHXH TP HCM tiếp tục thanh tra đột xuất việc đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với Công ty TNHH Nam Phương. Theo kết luận thanh tra, từ tháng 9-2015 đến hết tháng 11-2017, công ty đã nợ quỹ BHXH, BHYT, BHTN với tổng số tiền hơn 28 tỉ đồng.
Sau khi các cơ quan chức năng khuyến cáo, đến tháng 12-2017, Công ty TNHH Nam Phương chỉ khắc phục được hơn 2,9 tỉ đồng nợ bảo hiểm. Đầu tháng 1-2018, ông Nam Sung Ho, giám đốc công ty, đột ngột "biến mất", để lại khoản nợ BHXH, BHYT, BHTN hơn 27 tỉ đồng.
Trước những sai phạm của Công ty TNHH Nam Phương và để bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ, BHXH TP HCM đã chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan công an đề nghị xem xét, điều tra, xử lý hình sự theo đúng quy định pháp luật.
Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) các KCX-KCN TP HCM, xác minh tại cơ quan công an và hải quan cho thấy ông Nam Sung Ho hiện vẫn chưa rời khỏi Việt Nam. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ, CĐ các KCX-CN TP HCM đã phối hợp cùng Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP hướng dẫn công nhân làm thủ tục ủy quyền cho CĐ khởi kiện Công ty TNHH Nam Phương ra tòa. LĐLĐ TP HCM cũng đã có công văn đề nghị UBND TP, Công an huyện Củ Chi có các biện pháp ngăn chặn tình trạng DN tẩu tán tài sản để bảo đảm quyền lợi của NLĐ.
Trước đây, việc xử lý các đơn vị nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN chỉ dừng lại ở chuyện xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, từ năm 2018 trở đi, nếu đơn vị nào đã bị xử phạt về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị xử lý hình sự.
Cụ thể, theo điều 216 Bộ Luật Hình sự sửa đổi, cá nhân đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nợ bảo hiểm mà còn vi phạm (trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đến dưới 300 triệu đồng, trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 đến dưới 50 NLĐ) thì bị phạt tiền 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Pháp nhân thương mại vi phạm sẽ bị phạt tiền 200-500 triệu đồng.
Điều 216 còn quy định người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù 2-7 năm. Các hành vi phạm, phạm tội được nêu làm căn cứ áp dụng chế tài này gồm: trốn đóng bảo hiểm 1 tỉ đồng trở lên, trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên...
"Đây là quy định mới, có tác dụng răn đe đối với DN sai phạm về Luật BHXH, Luật BHYT. Đây cũng có thể nói là biện pháp cao nhất và quyết liệt nhất từ trước đến nay, góp phần hạn chế tối đa tình trạng chây ì, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN như hiện nay" - bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, nhận xét.
Công nhân Công ty TNHH Nam Phương khốn đốn do doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài. Ảnh: MAI CHI
Quyết liệt vì người lao động
Năm 2017, ngành BHXH đã thực hiện trên 4.000 cuộc thanh tra tại các DN, đơn vị nợ bảo hiểm kéo dài. Thế nhưng, điều đáng nói là sau khi ra quyết định xử phạt, chỉ hơn 40% DN đồng ý khắc phục. Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 8.000 DN "mất tích", nợ BHXH khoảng 2.000 tỉ đồng.
BHXH Việt Nam nhìn nhận số nợ này rất khó, thậm chí không có khả năng thu hồi. Việc xử lý nợ BHXH tại DN có chủ bỏ trốn hoặc DN giải thể, phá sản, DN chấm dứt hoạt động nhưng sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH gặp rất nhiều khó khăn. Đến nay, quy định giải quyết quyền lợi về BHXH cho NLĐ trong các đơn vị, DN này vẫn chưa có. Trong khi đó, việc khởi kiện DN nợ BHXH của tổ chức CĐ lại gặp bế tắc.
Liên quan đến việc giải quyết quyền lợi của NLĐ ở các DN nợ BHXH, Bộ LĐ-TB-XH vừa đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, thẩm định dự thảo Nghị định quy định quản lý thu nợ BHXH, BHYT, BHTN.
"Hiện đã có quy định cho phép DN đang còn hoạt động nợ BHXH có thể giải quyết quyền lợi cho NLĐ có điều kiện hưởng BHXH hoặc thôi việc chuyển đơn vị, DN khác; quy định về ưu tiên giải quyết các khoản nợ BHXH, BHYT, BHTN khi DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động. Tuy nhiên, đối với trường hợp chủ bỏ trốn hoặc DN giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động mà sau khi thanh lý tài sản không còn đủ tiền trả nợ BHXH thì chưa có quy định giải quyết quyền lợi về BHXH cho NLĐ" - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Doãn Mậu Diệp cho biết.
Dự thảo nghị định nêu trên do Bộ LĐ-TB-XH chủ trì xây dựng, gồm 4 chương và 16 điều. Một trong những quy định đáng chú ý của dự thảo là điều 14 - về nguồn kinh phí xử lý nợ và bảo đảm quyền lợi về BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ.
Cụ thể, đối với đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật thì nguồn kinh phí bảo đảm khoản tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN được lấy từ số tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp do vi phạm quy định về trốn đóng, chậm đóng BHXH (quy định tại khoản 3, điều 122 Luật BHXH).
Dự thảo cũng phân loại các hình thức nợ BHXH, BHYT, BHTN gồm: Nợ chậm đóng (dưới 1 tháng), nợ đọng (từ 1 đến dưới 3 tháng), nợ kéo dài (từ 3 tháng trở lên), nợ khó thu (DN mất tích; DN đang trong thời gian làm thủ tục giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động; DN không hoạt động, không người quản lý, điều hành; DN có chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam; DN đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật...).
Quyết liệt hơn, mới đây, trong dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất phạt với mức 12%-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau: Trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN; chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN; chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHTN.
Ông NGUYỄN VĂN KHẢI - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM:
Nên á́p dụng biện pháp cưỡng chế
Tình trạng DN bỏ trốn, nợ đọng, chậm đóng BHXH kéo dài với số tiền lớn đã gây thiệt thòi quyền lợi cho NLĐ. Trong khi chờ tháo gỡ một số vướng mắc trong quá trình khởi kiện, LĐLĐ TP HCM kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định về quản lý nợ và các giải pháp xử lý nợ BHXH, BHYT, BHTN để cơ quan BHXH có căn cứ giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho NLĐ.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB-XH nên sớm nghiên cứu, ban hành các biện pháp cưỡng chế phù hợp để thanh tra lao động tiến hành cưỡng chế số tiền phạt, số tiền buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả khi DN không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đồng thời cưỡng chế mạnh tay đối với những trường hợp không chấp hành các quyết định, kết luận của cơ quan thanh tra để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.
Ông WANG CHEN YI - Tổng Giám đốc Công ty Ever Win, KCN Bình Chiểu, TP HCM:
Xử nặng để răn đe
Trích nộp đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN là nghĩa vụ mà DN phải thực hiện nên chậm đóng, trốn đóng đồng nghĩa với việc chưa làm tròn trách nhiệm với NLĐ. Thực tế, khi DN trốn đóng, nợ đọng BHXH kéo dài, quyền thụ hưởng của NLĐ bị xâm phạm nghiêm trọng và đây là điều không thể chấp nhận. Tôi ủng hộ mạnh mẽ biện pháp khởi tố hình sự DN nợ BHXH bởi đây là biện pháp răn đe mạnh mẽ nhất để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của NLĐ.
Các bộ, ngành và địa phương cũng cần nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế quản lý hoạt động DN. Nếu phát hiện DN có biểu hiện làm ăn thua lỗ và bỏ trốn nhằm "xù"̀ quyền lợi NLĐ, cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời, niêm phong toàn bộ tài sản để làm cơ sở giải quyết quyền lợi cho NLĐ.
Chị NGUYỄN THỊ THU THỦY - Công nhân KCX Tân Thuận, TP HCM:
Không để kéo dài
Việc trừ lương NLĐ hằng tháng nhưng không trích nộp, chây ì hoặc chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là hành vi trốn tránh trách nhiệm của DN. Do vậy, tôi ủng hộ việc cơ quan BHXH chuyển hồ sơ DN nợ BHXH sang cơ quan công an để đề nghị khởi tố hình sự nhằm bảo đảm quyền lợi của NLĐ.
Về lâu dài, cơ quan BHXH cần có giải pháp quản lý chặt chẽ vấn đề thu nợ BHXH. Chẳng hạn, nếu phát hiện DN nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng là phải lập tức khuyến cáo, buộc DN khắc phục ngay chứ không để kéo dài.
Bình luận (0)