Dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2 tại Venezuela (dự án Junin 2) của Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thực hiện đến nay đã "đốt" hàng trăm triệu USD ở nước ngoài. Quá trình thực hiện đầu tư dự án này cũng "lộ" nhiều điểm bất thường.
Theo tài liệu của Báo Người Lao Động, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) trong giai đoạn 2008-2010 đã liên tục đưa ra các cảnh báo, thậm chí là các kiến nghị phải trình Quốc hội quyết định theo thẩm quyền về chủ trương đầu tư dự án nhưng đều bị "bỏ ngoài tai".
Với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1,2 tỉ USD, cộng thêm khoản "phí tham gia đầu tư dự án" 584 triệu USD, Bộ KH-ĐT đã họp các bộ, ngành và thống nhất ý kiến ghi tổng mức đầu tư đầy đủ (bao gồm khoản phí tham gia đầu tư) là hơn 1,82 tỉ USD. Do đó, theo mức đầu tư này thì dự án thuộc quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội theo Nghị quyết 66/2006/QH.
Một dự án của PVN đầu tư tại Peru - Ảnh: Petrotimes
Với mức vốn đầu tư lớn, Bộ KH-ĐT đã có văn bản 353 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án này là của Quốc hội. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã có văn bản yêu cầu Chính phủ có tờ trình chính thức gửi UBTVQH về dự án này, trong đó làm rõ phần vốn nhà nước góp vào dự án, trong trường hợp sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên thì Chính phủ phải giải trình để Quốc hội xem xét cho chủ trương đầu tư.
Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, Chính phủ đã có văn bản gửi UBTVQH vào tháng 5-2009 về dự án Junin 2, trong đó đề cập đến nội dung dự án này không thuộc dự án phải báo cáo Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư. Tại báo cáo này, cơ cấu đầu tư của dự án đã có thay đổi, phần vốn góp từ vốn chủ sở hữu của PVN giảm từ 956 triệu USD xuống còn 547 triệu USD, tức chỉ còn chiếm 29,9% tổng chi phí góp vốn của phía Việt Nam (mức trên 30% mới phải báo cáo Quốc hội).
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một vị nguyên lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho biết sau khi cơ quan này có ý kiến về việc phải trình Quốc hội xem xét vì dự án sử dụng trên 30% vốn nhà nước, thì bằng "thủ thuật nào đó", mức góp vốn đã được hạ xuống dưới 30% để "né" trình Quốc hội. Vị lãnh đạo này cho rằng đã có sự thay đổi cơ cấu tổng vốn đầu tư nhằm tránh việc phải trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo vị nguyên lãnh đạo Bộ KH-ĐT, bộ này đã nhiều lần đề cập đến việc phải trình Quốc hội xem xét, quyết định nhưng đã bị "phớt lờ". Bản thân ông thời điểm đó đã ký nhiều văn bản cảnh báo, nêu rõ việc phải trình Quốc hội xem xét, cũng như cảnh báo những rủi ro của dự án.
Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện dự án Junin 2 vào tháng 8-2008, Bộ KH-ĐT đã kiến nghị phương án: "Thủ tướng Chính phủ có báo cáo Bộ Chính trị xin chủ trương trình Quốc hội có cơ chế đặc cách xem xét, thông qua chủ trương đầu tư đối với dự án Junin 2 của PVN tại Venezuela ngay trong kỳ họp tháng 10-2010" (kỳ họp của Quốc hội khóa XII - PV).
Dự án Junin 2 do PVEP làm chủ đầu tư, thực hiện từ năm 2010 trên cơ sở thành lập Công ty Liên doanh Petromacareo giữa PVEP và Công ty Dầu khí Venezuela (đơn vị thành viên của Công ty Dầu khí quốc gia Venezuela).
PVEP đại diện cho PVN góp 40% tại liên doanh này, tương đương giá trị hợp đồng khoảng hơn 1,2 tỉ USD. Nếu tính cả "phí tham gia hợp đồng" 584 triệu USD, tổng vốn của PVEP bỏ ra là hơn 1,8 tỉ USD. Dự án phát triển mỏ Junin 2 tại Venezuela thời điểm đó được các bên đánh giá là dự án phát triển khai thác dầu khí khổng lồ với trữ lượng dầu khí rất lớn. Theo thỏa thuận, dự án được khai thác trong vòng 25 năm và có thể gia hạn.
Đến thời điểm dừng triển khai dự án vào năm 2013, tổng số tiền PVEP đã "rót" vào dự án là 442 triệu USD "phí tham gia hợp đồng" và chi phí đầu tư khác.
Bình luận (0)