xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dự án đường cao tốc Bắc - Nam: Hợp sức để cùng làm

VĂN DUẨN

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải khẳng định do đấu thầu quốc tế nên doanh nghiệp trong nước có thể liên danh với nhau, hoặc liên kết với nước ngoài để thu xếp các nguồn vốn tham gia đấu thầu các dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam

Liên quan đến việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang tổ chức mời thầu 8 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, cùng với giới chuyên gia và một số doanh nghiệp (DN) xây dựng giao thông, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng đã lên tiếng đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, thận trọng xem xét việc lựa chọn nhà đầu tư (NĐT), trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong nước tham gia dự án lớn này.

"Nút thắt" tài chính

Còn nhớ, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT tại kỳ họp thứ 7 QH khóa XIV vào ngày 5-6, ĐB Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, cho rằng DN trong nước rất khó để tham gia các công trình, dự án lớn về giao thông, điển hình như dự án cao tốc Bắc - Nam sắp triển khai, do năng lực tài chính không đáp ứng được vốn dài hạn, trong lúc Ngân hàng Nhà nước không muốn mở rộng nguồn cho vay. Do vậy, các dự án lớn thường phải mời gọi, thu hút đầu tư từ nước ngoài. Theo ông Phương, phải tháo "nút thắt" về vốn cho DN trong nước.

Kể từ khi rộ lên thông tin nghi ngờ NĐT Trung Quốc được "dọn đường" để làm đường cao tốc Bắc - Nam, cử tri cả nước rất quan tâm đến vấn đề này. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho rằng đây là công trình tiêu biểu để lại cho con cháu hàng trăm năm sau nên phải hết sức cân nhắc, bảo đảm các yêu cầu về kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng. "Nếu có cách làm tốt, công khai, minh bạch, hợp lý thì sẽ huy động được nguồn vốn chủ yếu từ các DN Việt Nam và hàng chục triệu người dân qua phát hành trái phiếu các loại, qua đó giảm gánh nặng nợ công và nợ nước ngoài" - ông Nghĩa nói.

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cũng bày tỏ lo ngại trước thông tin "chỉ có NĐT Trung Quốc quan tâm đến dự án đường cao tốc Bắc - Nam". Theo ông, Bộ GTVT nên tổng kết các dự án công trình giao thông có sự tham gia của các nhà thầu Trung Quốc, sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc, về tỉ lệ đội vốn cũng như chất lượng công trình... bài học về dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn còn đó.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ĐB Phạm Văn Hòa, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, nói rằng nhân dân mong muốn đường cao tốc Bắc - Nam phải có chất lượng tốt. Tuy nhiên, quy định mời thầu hiện có nhiều rào cản với NĐT, nhà thầu trong nước. "Trong nước không thiếu DN mạnh và làm ăn tử tế. Bộ GTVT có thể tạo cơ chế liên danh, liên kết để DN hợp vốn nhằm bảo đảm quy định để tham gia thầu. Thực tế về năng lực, DN trong nước đã làm tổng thầu và thi công hàng loạt công trình lớn" - ông Hòa góp ý.

Dự án đường cao tốc Bắc - Nam: Hợp sức để cùng làm - Ảnh 1.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng NgãiẢnh: VEC cung cấp

Nên liên danh, liên kết đấu thầu

Hiện tại, Bộ GTVT đang xem xét, rà soát lại việc tổ chức mời thầu sau khi tiếp nhận văn bản của Văn phòng Chính phủ gửi kèm góp ý của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan qua bài viết "Dự án đường cao tốc Bắc - Nam: "Tôi không tin DN trong nước không làm được!" đăng trên Báo Người Lao Động ngày 13-5-2019.

Để giải quyết rào cản về tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng các DN trong nước có thể liên danh 3-4 đơn vị để bảo đảm nguồn tài chính đạt 20% theo đúng nghị quyết của QH hoặc thu xếp các nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn hay DN trong nước liên danh với DN nước ngoài. Ngoài ra, vì là đấu thầu quốc tế nên các DN trong và ngoài nước đều có thể liên danh, liên kết với nhau. "Với các dự án này, nếu DN nước ngoài, DN trong nước liên danh với nhau thì hoàn toàn có thể thực hiện được dự án. Hiện đã bán được 81 hồ sơ với 34 DN tham gia, trong đó có 10 DN nước ngoài và 24 DN trong nước. Tiến độ bán hồ sơ vẫn tiếp tục và chúng tôi sẽ cố gắng khoảng tháng 8 tới đây mở thầu để sơ tuyển, tháng 9 cung cấp cho QH các nội dung có liên quan đến việc đấu thầu. Chúng tôi nghĩ rằng DN trong nước hoàn toàn có cơ hội" - ông Thể khẳng định.

Về vấn đề chất lượng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh cao tốc Bắc - Nam là một trong những công trình trọng điểm, vì vậy phải bảo đảm chất lượng hàng đầu. Do đó, từ công tác tư vấn giám sát cho đến tổ chức thi công sẽ giám sát chặt chẽ ngay từ đầu và nếu cần thiết sẽ kiến nghị Chính phủ bố trí một nguồn lực để thuê tư vấn nước ngoài giám sát.

"Chúng tôi nghĩ không quan ngại về các nhà thầu tham gia dự án đường cao tốc Bắc - Nam hay dự án khác. Quan trọng nhất là các ban quản lý dự án, tư vấn giám sát phải thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình để giám sát chặt chẽ từ khâu đầu tiên cho đến lúc cuối cùng, thì các dự án đều bảo đảm" - ông Thể nói.

Phải chọn nhà thầu có năng lực, trách nhiệm

Dành nhiều quan tâm đến dự án đường cao tốc Bắc - Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý Bộ GTVT phải khắc phục những hạn chế, yếu kém, tránh sự trì trệ như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. "Đối với các nhà thầu, NĐT nước ngoài thì phải có năng lực, trách nhiệm, uy tín và được kiểm chứng. Các khâu không để xảy ra trường hợp đáng tiếc tương tự dự án Cát Linh - Hà Đông" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp vẫn kêu khó

Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, nhìn nhận dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án trọng điểm của ngành giao thông trong thời gian tới và Tập đoàn Đèo Cả rất quan tâm đến dự án này. "Hiện chúng tôi đã mua hồ sơ mời sơ tuyển để nghiên cứu và chuẩn bị hồ sơ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy các tiêu chí trong hồ sơ mời sơ tuyển rất khó đáp ứng" - ông Thế nói.

Theo ông Thế, yêu cầu đưa ra ở bước dự sơ tuyển nhà đầu tư là phải có văn bản cam kết cung cấp tài chính của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng theo mẫu. Yêu cầu này khó có thể đáp ứng do trong bước sơ tuyển, các thông tin về dự án mà nhà đầu tư và ngân hàng tiếp cận được là rất hạn chế, không đủ cơ sở để đánh giá về tính khả thi và các yếu tố rủi ro của dự án. Chính vì vậy mà các ngân hàng sẽ khó chấp nhận cam kết như yêu cầu đưa ra. Trường hợp các ngân hàng chấp thuận chủ trương tài trợ vốn cũng sẽ phải kèm theo rất nhiều điều kiện khắt khe mà nhà đầu tư khó lòng đáp ứng. "Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng trong nước hiện rất khó khăn do quy mô của các ngân hàng tại Việt Nam còn hạn chế và thời gian qua đã thực hiện cho vay nhiều dự án BOT nên hạn mức cho vay đã gần chạm trần" - ông Thế nói thêm.

Đề cập đến nhiều NĐT nước ngoài, trong đó có NĐT Trung Quốc tham gia đấu thầu đầu tư vào các dự án BOT cao tốc Bắc - Nam, ông Thế cho rằng đấu thầu có sự tham gia của các NĐT nước ngoài sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh sòng phẳng, ai tốt sẽ được chọn, điều này tốt cho dự án. Tuy nhiên, hợp tác với NĐT nước ngoài có một số rủi ro có thể xảy ra như tranh chấp về mặt pháp lý vì thực tế Việt Nam vẫn còn có những khoảng trống về pháp lý trong hợp tác với đối tác nước ngoài. Ngoài ra, cũng nên cẩn trọng khi thực tế một số dự án có sự tham gia của NĐT đến từ Trung Quốc đã để lại nhiều bất cập. Ông Thế lưu ý từ bài học của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT, đơn vị chọn thầu phải hết sức cân nhắc về điều này.

"Việc hỗ trợ DN trong nước làm đường cao tốc Bắc - Nam không chỉ giúp phát huy nguồn lực trong nước, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước, không làm tăng nợ công mà còn là niềm tự hào khi người Việt Nam xây dựng đất nước Việt Nam. Do đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT cần có các chính sách để tạo điều kiện cho các DN trong nước thực hiện dự án này" - ông Thế kiến nghị.

H.Ánh

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo