Đoàn công tác này sẽ làm rõ những vấn đề liên quan việc chặn dòng thi công gây thiệt hại cho người dân và làm rõ những vướng mắc của dự án (Báo Người Lao Động số ra ngày 22-8 đã phản ánh)
Liên quan đến việc hồ thủy lợi này chặn dòng thi công đập chính gây ngập, thiệt hại lúa và hoa màu của người dân các thôn 9, 10, 11, xã Cư San (huyện M’Đrắk) và thôn 16, xã Cư Bông (huyện Ea Kar), theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk (Ban A, chủ đầu tư hợp phần giải phóng mặt bằng), tại thời điểm ngày 21-8, diện tích bị nước ngập khoảng 15 ha. Phần diện tích đất nông nghiệp tại các thôn 9, 10 đã được kiểm đếm xong, đang hoàn thiện các phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân. Đối với phần diện tích tại thôn 16, Ban A đang phối hợp với địa phương khẩn trương rà soát để kiểm đếm xác định thiệt hại.
Theo kế hoạch của Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Đắk Lắk, tiến độ giải phóng mặt bằng phải hoàn thành trước 30-11-2020 để bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng và tài sản người dân vùng lòng hồ. Tuy nhiên, tại cuộc họp, các bên đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và không bên nào khẳng định sẽ hoàn thành được đúng tiến độ đề ra.
Theo đại diện Ban A, sau khi nhận chuyển giao chủ đầu tư từ Ban QLDA huyện Ea Kar vào tháng 3-2018, đơn vị nhận thấy dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng là dự án lớn nhưng chưa có khung chính sách phù hợp để hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng khi nhà nước thu hồi đất. Vì vậy, Ban A đã phối hợp với các đơn vị xây dựng khung chính sách cho dự án và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 5-2019.
Sau khi có khung chính sách, Ban A và trung tâm phát triển quỹ đất các huyện đã tập trung nhân lực tổ chức kiểm đếm đất đai, tài sản của các hộ dân tại khu vực lòng hồ nhưng đến cuối năm 2019 vẫn không thể lập phương án do phát sinh nhiều vướng mắc. Ban A đang khẩn trương lập phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng vẫn đang đối mặt với khó khăn do công tác chỉnh lý bản đồ địa chính và công tác xác nhận nguồn gốc đất rất chậm.Việc chậm tiến độ giải phóng mặt bằng sẽ đe dọa đến tài sản, tính mạng hàng trăm hộ dân vùng lòng hồ khi khu vực dự án đã bước vào mùa mưa.
Ban A cũng đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk và các bên liên quan chuẩn bị phương án phòng chống lũ, theo dõi sát diễn biến mưa lũ vùng lòng hồ, chuẩn bị nhân lực, thiết bị để sẵn sàng di chuyển dân khỏi lòng hồ khi cần thiết. Trong tình huống ngập lụt, chỉ có thể di dân khẩn cấp ra khỏi lòng hồ.
Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nêu rõ việc giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc như hiện nay thì đến cuối năm cũng chưa chắc đã xong. Do vậy, ông sẽ báo cáo lãnh đạo tỉnh để có phương án chỉ đạo rốt ráo vụ việc này.
Bình luận (0)