ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) trong một lần phát biểu tại nghị trường - Ảnh: quochoi.vn
Sáng nay 23-5, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Mở đầu bài phát biểu của mình, đại biểu (ĐB) QH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) bày tỏ thống nhất về sự cần thiết phải ban hành luật tại kỳ họp này: "Tôi nghĩ mình không cần phải dẫn chứng cụ thể từng vụ việc thương tâm, từng câu chuyện nhức nhối từ tai nạn giao thông, bạo lực gia đình hay xâm hại tình dục do tác hại rượu, bia đã gây ra. Bởi lẽ, từ trẻ em ở độ tuổi bắt đầu có sự nhận thức cho đến người cao tuổi, đều hiểu rất rõ một điều đó là: Chỉ có thể giảm tác hại của rượu, bia thông qua việc giảm sử dụng nó".
Theo vị ĐB đồng thời là phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên, nếu đặt mình vào từng gia cảnh, từng thân phận con người đang đối mặt với những mất mát đau thương, kể cả những người vì rượu, bia mà vướng vào vòng lao lý, chúng ta sẽ hiểu được nỗi đau hay bản án lương tâm mà họ đang phải trải qua mỗi ngày.
"Điều này cũng góp phần làm sâu sắc nhận định: Nếu dùng rượu, bia mà không thể kiểm soát những tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí là trở thành tội phạm. Xin được nhắc lại trong chừng mực như vậy để chúng ta cùng thống nhất quan điểm với mục tiêu cuối cùng của dự án luật là phòng chống tác hại của rượu, bia"- bà Hiền nói.
Băn khoăn về các nhóm giải pháp có tính ngăn ngừa trong dự thảo luật mới nhất, ĐB Hiền đặt câu hỏi liệu đã đủ tạo nên rào cản vững chắc để giải quyết vấn đề ưu tiên thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, thanh niên như đã nêu trong Điều 3 hay chưa?
Đối với quy định về quảng cáo, ĐB Phạm Thị Minh Hiền cho rằng nếu xác định kiểm soát quảng cáo để có tác động bảo vệ nhóm thanh thiếu niên thì cần chú trọng 2 vấn đề: Hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu, bia và nước uống có cồn; kiểm soát nội dung quảng cáo, nghĩa là làm sao cho các em không bị lầm tưởng rằng rượu bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng.
Mặt khác, ĐB Hiền đánh giá với lý do "đồ uống có cồn" đã không được đưa vào dự luật chỉ vì đây là "cụm từ chưa được sử dụng phổ biến trong xã hội" như báo cáo giải trình, là căn cứ khá yếu về mặt pháp lý.
"Tôi rất ngạc nhiên về tính dự báo của dự luật lần này, so với xu thế chung đã gần như đi ngược với khoa học quản lý chất gây nghiện đối với đời sống con người, vô tình xem nhẹ sức khỏe người tiêu dùng nhưng có vẻ chủ ý bắt nhịp kịp thời với sự phát triển nhanh, mạnh của nền công nghiệp rượu, bia"- ĐB Hiền nêu quan điểm.
Trên thực tế, các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước hiện nay đa số có độ cồn từ 4,2 đến 5%. Tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới đã nêu rõ, bia đang là đồ uống phổ biến ở Việt Nam và trong tình hình các nhà sản xuất quảng cáo, tiếp thị bia rộng rãi như hiện nay, thì bia là lựa chọn chính khi giới trẻ bắt đầu làm quen với đồ uống có cồn.
Vì vậy, đề nghị quy định độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5% và khung giờ quảng cáo cần phải điều chỉnh lại từ 18 giờ - 21 giờ ở điều 12 thay cho những quy định theo chủ đích hiện tại của dự luật.
"Ai cũng biết 19-20 giờ là thời gian chương trình thời sự và hầu như không có quảng cáo, đó chỉ là khung giờ vàng theo quan niệm người lớn nhưng nó không có ý nghĩa ưu tiên giảm lượng trẻ tiếp xúc với quảng cáo rượu, bia và đồ uống có cồn. Tôi cảm thấy rằng, dự thảo mới nhất này không phục vụ cho mục tiêu phòng chống tác hại của rượu, bia"- ĐB Hiền phân tích.
Vị ĐB này cũng đề nghị cần bổ sung cấm bán cả rượu, bia trên internet.
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền nhấn mạnh: Luật phải có sự minh định rõ ràng, tính đến yếu tố khả thi khi áp dụng chứ không thể thiếu sự mạch lạc, ít nhất là với các điều khoản có tác động, ảnh hưởng đến đối tượng trẻ em, vị thành niên. Chúng ta không thể "hồn nhiên" loại bỏ yếu tố quan trọng nhưng lại "hăm hở" đưa vào các điều "cấm" mà thực tế lại không diễn ra.
"Tôi không nghĩ dự thảo luật mới nhất lại sơ suất bỏ sót yếu tố kỹ thuật, "chân nọ xọ chân kia" tựa như một dáng đi xiêu vẹo, không còn vững vàng về khung pháp lý được xem như "xương sống", và "trục lái" của một bộ luật đã gần như mất đi sự tỉnh táo, cứng rắn so với dự thảo cũ"- ĐB Hiền nói.
ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền khẩn thiết: "Xin hãy đề cao trách nhiệm mà không vô cảm bỏ quên trẻ em, thanh thiếu niên, những nạn nhân yếu thế bởi hậu quả của tác hại rượu, bia khi bấm nút thông qua. Chẳng có sự đánh đổi nào cay đắng hơn sự đánh đổi giá trị sức khỏe, mạng sống, tương lai của con người, trong đó có phụ nữ và trẻ em".
Bình luận (0)