Thời gian gần đây, Báo Người Lao Động liên tục nhận được phản ánh của người dân ở Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) về việc có một đoàn xe chở đất nghi là chất thải nguy hại cung cấp cho một số dự án san lấp. Trong số những người phản ánh có anh Nguyễn Văn Tr. (ngụ TP Vũng Tàu, hành nghề tài xế).
Lo lắng và bức xúc
Theo anh Tr., đoàn xe trên chở "hàng" từ Công ty T. nằm trong khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh BR-VT) đến cung cấp cho dự án đang trong giai đoạn san lấp ở thị xã Phú Mỹ. Từ phản ánh của anh Tr., chúng tôi liền tìm đến khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên thì thấy có nhiều xe ben chở đất đi từ Công ty T. đến đổ tại dự án của Công ty L. Theo quan sát, đất từ những chiếc xe ben này đổ xuống dự án có màu đen xám, khác với đất bình thường. "Cơ quan chức năng nên tiến hành kiểm tra, đưa mẫu đất đi giám định để xác định chứ lỡ là chất thải nguy hại thì vô cùng nguy hiểm" - anh Tr. lo lắng.
Cơ quan chức năng bắt quả tang Công ty Kbec Vina xả bậy ra môi trường. Ảnh: HƯNG NGUYÊN
Những ngày này, nhiều người dân bày tỏ bức xúc trước việc Công ty TNHH Kbec Vina (gọi tắt là Công ty Kbec Vina) dù bị phạt hàng tỉ đồng về hành vi xả bậy ra môi trường nhưng vẫn tái phạm. Một cán bộ Công an tỉnh BR-VT cho hay Công ty Kbec Vina (100% vốn Hàn Quốc) là doanh nghiệp độc quyền về chôn lấp chất thải ở khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên. Chỉ trong thời gian ngắn, công ty này đã bị phạt hơn 2 tỉ đồng nhưng vẫn nhiều lần vi phạm quy định trong công tác bảo vệ môi trường. Mới đây nhất là sáng 10-5, Công an thị xã Phú Mỹ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đã mật phục và bắt quả tang nhân viên Công ty Kbec Vina lợi dụng trời mưa và đêm tối đã bơm chất thải chưa qua xử lý vào ống thải nước mưa để thải ra suối Giao Kèo. Khi thấy lực lượng chức năng, công ty lập tức chỉ đạo nhân viên tắt máy bơm.
Ở tỉnh Bình Dương, cứ nhắc đến vụ việc chôn lấp chất thải nguy hại quy mô lớn tại khu đất có diện tích 28.000 m2, xã Tân Long, huyện Phú Giáo là người dân lại bức xúc xen lẫn bất ngờ. Thời điểm bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an phát hiện, bãi chôn lấp rác này chứa đủ thứ rác thải, từ rác sinh hoạt như xỉ than, tro bay, bã cà phê, bao bì… đến cả rác nguy hại gồm số lượng lớn vỏ thùng phuy đựng hóa chất, bao bì nhiễm dầu, thủy tinh… Do lượng chất thải quá nhiều nên đã tràn xuống khu vực suối Cầu ngay bên cạnh và nguồn nước từ suối Cầu này chảy ra sông Bé.
"Mỗi ngày, có khoảng vài chiếc xe tải, bên ngoài ghi "xe chở rác thải công nghiệp", chở từng đống rác chạy vào khu vực đó, lâu lâu họ đốt thì khói bay lên mùi hôi nồng nặc. Vậy mà họ hoạt động một thời gian dài không ai biết" - chị Trần Thị T., nhà cách khu chôn lấp trái phép trên khoảng 200 m, bức xúc nói. Theo chị T., rác thải đã chôn xuống đất một thời gian dài thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước ở khu vực này. Chính vì vậy, vấn đề hiện nay là cần phải xử lý dứt điểm như thế nào để người dân an tâm sinh sống. "Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng lắng nghe tâm tư, mong mỏi này của người dân để xử lý môi trường trong khu chôn lấp một cách triệt để" - chị T. đề nghị.
Xe ben chở đất đi từ Công ty T. đến đổ tại dự án đang san lấp ở thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: HƯNG NGUYÊN
Trao đổi với phóng viên, đại diện lãnh đạo UBND xã Tân Long cho biết Công ty TNHH MTV Môi trường Trà Vinh (đơn vị chôn lấp trái phép chất thải nguy hại kể trên) mua khu đất từ năm 2019, ban đầu chỉ có khoảng hơn 14.000 m2, đến tháng 4-2022 mua thêm hơn 13.000 m2, tổng cộng khoảng 28.000 m2. Doanh nghiệp chỉ xin phép xử lý rác thải. Mặt khác, chức năng của UBND xã cũng không có quyền kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp. "Chỉ khi Bộ Công an vào làm việc và phát hiện doanh nghiệp chôn lấp rác thải nguy hại thì chúng tôi mới biết, vì khu vực này được xây dựng kín cổng cao tường, cửa lúc nào cũng đóng" - một lãnh đạo UBND xã Tân Long giãi bày.
Xử nghiêm, giám sát chặt
Trước hành vi vi phạm nghiêm trọng trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Hứa Đông (SN 1973, quê tỉnh Trà Vinh) và Cao Thọ Bình (SN 1982, quê tỉnh Bến Tre) để điều tra về tội "Gây ô nhiễm môi trường". Hứa Đông là Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Trà Vinh. Năm 2018, Đông đại diện công ty ký kết hợp đồng thu gom, xử lý chất thải với một số công ty trên địa bàn tỉnh Bình Dương và địa bàn lân cận. Chất thải thu gom gồm chất thải nguy hại, phế liệu tái chế, tro bay, xỉ than… Đến cuối năm 2020, Đông chỉ đạo Cao Thọ Bình (là quản lý và tài xế của công ty) cho công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường Trà Vinh chôn lấp chất thải là tro bay, xỉ than thu gom được xuống khu đất trống tại xã Tân Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Theo đại tá Lê Văn Tuân, Trưởng Phòng 3 - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, những chất thải trên theo quy định phải được đưa về nhà máy ở tỉnh Trà Vinh để xử lý nhưng các đối tượng đã chở về khu vực xã Tân Long chôn lấp trái phép. Mặc dù hiện trường nằm gần UBND xã Tân Long nhưng các đối tượng vẫn ngang nhiên hoạt động. Trước khi bị phát hiện, có khoảng 10 xe tải và xe đầu kéo loại lớn làm việc thường xuyên ở khu đất này.
Hiện trường vụ chôn lấp chất thải nguy hại quy mô lớn ở xã Tân Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Ảnh: THẢO NGUYỄN
Để ngăn chặn tình trạng trên tái diễn, ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Công an tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm các chỉ đạo về tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động kinh doanh phế liệu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường và phế liệu; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức rà soát, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất sai mục đích. Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động xây dựng kho bãi, nhà xưởng trên địa bàn tỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm.
Đối với các huyện, thị xã, thành phố, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh và hoạt động của các ngành nghề kinh doanh phế liệu và thu gom chất thải. "Đặc biệt, tỉnh Bình Dương sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu các địa phương để xảy ra vi phạm về sử dụng đất sai mục đích xây dựng kho, bãi, nhà xưởng trái phép và các vi phạm về chôn lấp chất thải" - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.
Liên quan hành vi vi phạm của Công ty Kbec Vina, ngày 21-3, UBND tỉnh BR-VT ban hành quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 1,2 tỉ đồng về hành vi vi phạm quy định về giấy phép môi trường; xả nước thải có chứa các thông số môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên trong trường hợp thải lượng nước thải từ 100 m3 đến dưới 200 m3/ngày (24 giờ). Ngoài ra, UBND tỉnh BR-VT còn đình chỉ hoạt động xả thải sau hệ thống xử lý nước thải của Công ty Kbec Vina ra môi trường (cánh đồng tưới) trong thời hạn 4 tháng rưỡi; yêu cầu công ty chuyển giao toàn bộ nước thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải cho đơn vị có chức năng xử lý.
Tuy nhiên, theo Công an thị xã Phú Mỹ, dù nhiều lần bị xử phạt nhưng Công ty Kbec Vina vẫn không chuyển biến, thậm chí, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng, tinh vi. "Chúng tôi đang nghiên cứu và sẽ áp dụng những biện pháp tăng nặng, cương quyết xử lý doanh nghiệp này, cũng nhằm răn đe những doanh nghiệp khác vi phạm tương tự" - Công an thị xã Phú Mỹ khẳng định.
Tiếp tục điều tra dấu hiệu vi phạm của Điện Quang
Ngày 22-5, thượng tá Huỳnh Yên Nam - Trưởng Công an TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - cho biết sau 1 năm khởi tố vụ án chôn lấp chất thải trái phép tại Xí nghiệp Đèn ống của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (nằm ở KCN Biên Hòa), hiện Cơ quan CSĐT Công an TP Biên Hòa vẫn tiếp tục điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật. "Công tác giám định chất thải nguy hại, chất phóng xạ tốn nhiều thời gian nên công tác điều tra kéo dài" - thượng tá Nam nói.
Tháng 4-2022, qua nhiều ngày kiểm tra ở Xí nghiệp Đèn ống của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn 8 tấn bóng đèn hư, hơn 81 tấn thủy tinh đã nghiền, 900 kg thủy tinh lẫn bùn thải, hơn 32 tấn nước phát sinh từ hoạt động tiêu hủy...
Bình luận (0)