xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đưa Đông Nam Bộ thành vùng nguyên liệu của TP HCM

Bài và ảnh: Thảo Nguyễn

TP HCM cần nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm tiêu dùng phục vụ cho xuất khẩu cũng như tiêu thụ trên địa bàn

Chiều 17-3, tại Trường Chính trị tỉnh Bình Phước diễn ra hội nghị kết nối giao thương và xúc tiến đầu tư giữa TP HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ. Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có lãnh đạo 2 tỉnh Bình Phước và Tây Ninh, các doanh nghiệp, HTX trong vùng Đông Nam Bộ.

Tìm chỗ đứng cho sản phẩm OCOP

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trao đổi về thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư trong và ngoài nước của vùng Đông Nam Bộ. Hội nghị cũng lắng nghe những chia sẻ về khó khăn, vướng mắc cũng như tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tăng cường kết nối thị trường.

Đặc biệt, nhiều ý kiến xoay quanh tính hiệu quả của chương trình OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Theo đó, chương trình đã phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của từng địa phương. Bên cạnh đó, giúp hình thành phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ cũng như hình thành nhiều vùng nông sản sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm…

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là quy mô, năng lực quản trị các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Đưa Đông Nam Bộ thành vùng nguyên liệu của TP HCM - Ảnh 1.

Ông Võ Văn Hoan và bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, tham quan gian hàng OCOP

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thanh, Giám đốc Công ty Bánh kẹo sữa Long Thành (Đồng Nai), các doanh nghiệp vừa và nhỏ như hiện nay rất khó cạnh tranh vào các siêu thị lớn. Vấn đề không phải là chất lượng mà vì không có đầu mối kết nối, trong khi sản phẩm của công ty chưa được quảng bá trên thị trường, chưa được nhiều người biết đến.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Central Retail (siêu thị GO!) cho rằng những nhà làm OCOP đa phần là kinh doanh nhỏ lẻ, không đủ năng lực quảng bá thương hiệu. Nghịch lý là hàng OCOP tại địa phương nhưng khó bán ở siêu thị địa phương, muốn phát triển để đưa ra các vùng khác thì nhà cung cấp lại không giao hàng được. "Bản thân các siêu thị rất ủng hộ sản phẩm OCOP nhưng cần có sự hỗ trợ của địa phương trong việc tập hợp những sản phẩm OCOP đó, hướng dẫn cho họ quy cách, quy chuẩn vào siêu thị hoặc là hỗ trợ họ chính sách để họ làm chương trình kết nối" - bà Hiền nêu ý kiến.

Còn nhiều việc phải làm

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Hoan cho biết TP HCM là trung tâm công nghiệp, cho nên cần nguyên liệu rất nhiều để sản xuất các sản phẩm tiêu dùng để xuất khẩu. Thành phố cũng là thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, TP HCM mong muốn vùng Đông Nam Bộ hình thành vùng nguyên liệu, cung cấp nguyên liệu cho thành phố, có thể là vùng do địa phương xây dựng nhưng trên nền hướng dẫn của doanh nghiệp về quy trình sản xuất, chỉ dẫn địa lý... "Nếu làm được điều này sẽ có được những sản phẩm lương thực thực phẩm, chế biến độc đáo, bảo đảm an toàn thực phẩm" - ông Hoan nói.

Đặt nhiều câu hỏi như thời gian qua, các sở, ngành, địa phương đã hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp thế nào; các chính sách về chương trình đổi mới sáng tạo, hỗ trợ cho doanh nghiêp vừa và nhỏ, quảng bá xây dựng thương hiệu… có nhiều không hay để doanh nghiệp tự "bơi", Phó Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định cái quan trọng nhất trong xây dựng được thương hiệu của sản phẩm OCOP là phải tạo ra mạng lưới rộng rãi, giữa nhà phân phối và đơn vị sản xuất phải có mối quan hệ chặt chẽ. "Vậy tại sao chúng ta không có gian hàng, khu vực bán sản phẩm ngay tại địa phương? Nhà phân phối phải tính toán thường xuyên cung cấp và bán sản phẩm ngay tại địa phương. Không hình thành vùng thì không thể đi xa được" - ông Hoan đặt vấn đề và cho hay hiện nay các doanh nghiệp cũng bàn bạc với nhau để kết hợp với chính quyền địa phương làm tốt việc này.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM cũng cho rằng doanh nghiệp mới gặp rất nhiều khó khăn cho nên cần trung gian kết nối giữa "ông lớn" và "ông nhỏ". Chính quyền cũng phải tham gia vào những hoạt động bằng vốn, đào tạo quản trị cho các doanh nghiệp, HTX kiến thức về kinh tế thị trường, hỗ trợ các thương hiệu đứng vững… Đồng thời, phải có các khu vực chuyên bán sản phẩm mới, cần thiết có thể hình thành chợ. "Điều quan trọng nhất chính quyền không thể làm thay cho doanh nghiệp, do đó bản thân doanh nghiệp phải tự nỗ lực, đổi mới để đáp ứng được thị trường" - ông Hoan nhấn mạnh.

Về kết nối giao thông, ông Hoan cho rằng ngoài dự án của chính phủ là đường Vành đai 3 thì các dự án liên vùng, liên địa phương như đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đang được các địa phương đẩy mạnh. "Chúng tôi mong muốn những nút thắt giữa TP HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là các giao lộ giữa TP HCM với các tỉnh được kết nối liên thông, tạo ra mạch chảy để các tỉnh đi đến thành phố được thuận lợi. Rất nhiều việc để chúng ta làm trong thời gian tới" - ông Hoan nói.

Dịp này diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa 33 doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Bộ với các hệ thống phân phối lớn tại TP HCM. Các sản phẩm phân phối chủ yếu là trái cây như dưa lưới, bơ, sầu riêng, bưởi, mít, cà phê, hạt điều…

Liên kết chứ không nên cạnh tranh

Chiều 17-3 tại TP Đà Nẵng, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) tổ chức diễn đàn "Kinh tế - Tài chính 2023" với chủ đề: "Huy động các nguồn lực phát triển nhanh, bền vững vùng kinh tế trọng điểm miền Trung". Tại diễn đàn, nhiều đại biểu nêu quan điểm liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hiện chưa thực sự mang lại hiệu quả, thậm chí các địa phương còn có sự cạnh tranh nhau.

Ông Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - nhận xét các tỉnh, thành trong vùng mới chỉ phát huy nội lực của mình chứ không phát huy được việc liên kết. Để hiện thực hóa việc liên kết, theo ông Vũ Tiến Lộc, nhất thiết phải có ban quản lý dự án vùng, rồi cùng nhau lập dự án để có hợp đồng kinh tế.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng có 4 lĩnh vực có thể liên kết được ở miền Trung. Một là cơ sở hạ tầng, như đường cao tốc Bắc - Nam, nếu thông suốt ở tỉnh này thì tỉnh kia cũng thông suốt. Hai là du lịch, trước xu hướng của du khách là đi một lúc nhiều nơi thì các tỉnh cần ngồi để bàn về liên kết. Ba là về giáo dục, cần có trường đại học chất lượng cao ở một địa phương để thu hút người các tỉnh về. Bốn là y tế, không nhất thiết tỉnh nào cũng cần có bệnh viện hoành tráng mà chỉ bệnh viện đại diện cho cả khu vực. "Tư duy phải như thế chứ không phải suốt ngày cạnh tranh nhau" - ông Lực nói.

B.Vân

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo