Thầy Trần Trung Hiếu - giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (tỉnh Nghệ An), thành viên Hội đồng góp ý và phản biện chương trình giáo dục phổ thông môn lịch sử của Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết sắp tới đây sẽ công bố việc đưa sự kiện Gạc Ma vào chương trình giảng dạy, sách giáo khoa (SGK) lịch sử lớp 12.
Đã đến lúc để lịch sử lên tiếng
Thầy Trần Trung Hiếu chia sẻ: "Đã tròn 30 năm chúng ta mất Gạc Ma và cũng ngần ấy thời gian Trung Quốc (TQ) đã chiếm đóng trái phép đảo Gạc Ma. Đó là một sự thật, một nỗi đau mà chúng ta không thể che đậy, giấu giếm vì bất cứ lý do gì". Theo thầy Hiếu, SGK lịch sử phổ thông hiện hành chỉ đề cập sơ sài đến vấn đề chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây - Nam, còn quá trình đấu tranh xác lập chủ quyền và bảo vệ chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma... không được nhắc đến. Với tư cách của một giáo viên giảng dạy môn lịch sử, thầy giáo Hiếu đã nhiều lần lên tiếng đề xuất đưa sự kiện này vào SGK mới.
Đông đảo học sinh tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma năm 1988 tại tượng đài chiến sĩ Gạc Ma ở huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa Ảnh: KỲ NAM
Đáng chú ý, theo thông tin mà giáo viên này có được, chương trình giáo dục môn lịch sử phổ thông mới dự kiến đưa sự kiện Gạc Ma cùng với sự kiện Hoàng Sa ngày 19-1-1974 vào chương trình giảng dạy môn lịch sử. Bên cạnh đó, bổ sung đầy đủ hơn sự kiện chiến tranh bảo vệ biên giới Tây - Nam (1975-1978), chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979-1989)... vào chương trình và SGK.
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương, nguyên giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng sự kiện Gạc Ma được đưa vào SGK lớp 12 mới là điều tốt, cần thiết và lẽ ra phải làm từ lâu. Việc SGK lịch sử viết về lịch sử Việt Nam sau 1975 mà bỏ qua sự kiện này là không hợp lý khi xét tương quan về tầm quan trọng của các sự kiện diễn ra trong giai đoạn này.
Cô Lê Thu, giáo viên lịch sử Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cũng khẳng định đây là một việc cần thiết và cần được tiến hành cẩn trọng khi đưa vào nội dung SGK mới. "Sự kiện Gạc Ma là một sự kiện đau thương nhưng vô cùng anh dũng của lực lượng hải quân Việt Nam. Đã đến lúc để lịch sử lên tiếng" - cô Thu nói.
"Đừng có thêm một "Gạc Ma" nào nữa"!
Thầy Trần Trung Hiếu cho rằng nhắc lại sự kiện Gạc Ma không phải chúng ta muốn khơi sâu nỗi đau, khơi dậy mối thù hằn. "Phương châm của tôi khi dạy môn lịch sử cho học trò là không phải dạy những gì mình có mà dạy những gì học trò muốn nghe, muốn biết và cần thiết. Không cần phải liệt kê sự kiện, nhồi nhét kiến thức. SGK chỉ cần viết đúng, viết đủ và tôn trọng sự thật khách quan của lịch sử. Đó là đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, một phần của lãnh thổ thiêng liêng, của chủ quyền quốc gia, dân tộc mà từ thời các chúa Nguyễn đã xác lập và khai thác, đã bị TQ chiếm đóng trái phép suốt 30 năm" - thầy Hiếu khẳng khái.
Cô Lê Thu chia sẻ thêm: Lịch sử không có nghĩa là khơi thù hằn hay đổ máu mà giá trị cốt lõi chính là những bài học lịch sử để lại cho đến hôm nay. Để tuổi trẻ có ý thức bảo vệ chủ quyền thì một trong những biện pháp quan trọng là giáo dục, tuyên truyền và đặc biệt các em phải được biết, phải hiểu đúng sự thật lịch sử. Dịch giả Nguyễn Quốc Vương cũng cho rằng sự kiện Gạc Ma 30 năm trước là lời nhắc nhở về bài học người dân cần phải được biết chính xác, toàn diện về những gì xảy ra với đất nước mình và có cơ hội để trình bày suy nghĩ, thể hiện hành động vì đất nước.
"Lớp trẻ sẽ có hứng thú với lịch sử dân tộc khi cảm hứng tìm hiểu sự thật, tiếp cận chân lý thông qua việc nghiên cứu, học tập được tôn trọng và phát triển. Nghĩa là cả sử học và giáo dục lịch sử phải được đổi mới thực sự và đi vào thực chất trong tinh thần tôn trọng tự do học thuật và trân trọng sự sáng tạo. Nếu chỉ duy trì nó bằng cảm xúc thuần túy, sử học và giáo dục lịch sử sẽ không thể đi vào chiều sâu, lớp trẻ sẽ dễ bị cuốn vào nhiều thứ khác của cuộc sống hiện đại" - nhà giáo Nguyễn Quốc Vương đúc kết.
Vào 2 chuyên đề giảng dạy
Theo dự kiến, cấu trúc nội dung chương trình môn lịch sử ở bậc THPT mới được trình bày theo các mạch chuyên đề và phần kiến thức về sự kiện Gạc Ma nằm trong chuyên đề "Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và chiến tranh giải phóng dân tộc trong lịch sử Việt Nam sau năm 1975" và chuyên đề "Biển Đông: Lịch sử và hiện đại" ở lớp 12.
Nội dung giáo dục cốt lõi của 2 chuyên đề này là từ việc xác định tầm quan trọng của biển Đông đối với Việt Nam, từ đó nêu rõ nhận thức Việt Nam là nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và quản lý liên tục đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong lịch sử. Đồng thời, giúp học sinh hiểu được quá trình TQ đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa, đảo Gạc Ma; nắm được thực trạng tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa; chủ trương của Việt Nam giải quyết các tranh chấp ở biển Đông bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế.
Bình luận (0)