64 người con ưu tú của Hải quân Việt Nam nằm lại ở bãi đá Gạc Ma trong niềm thương tiếc và tự hào của người thân và cả dân tộc.
Nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng - người đã dành cả tâm huyết của mình đến lúc về hưu để xây dựng cụm tượng đài chiến sĩ Gạc Ma ở Khánh Hòa làm nơi tri ân các chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma - kể: Hôm 9-3 vừa qua, ông về thăm tượng đài. Đấy là một ngày như bao ngày bình thường khác, không kỷ niệm hay lễ, Tết nhưng lại có rất đông người của rất nhiều quốc tịch đến đó viếng các anh. Ông bảo đúng là những người hy sinh bảo vệ Tổ quốc luôn luôn sống mãi trong lòng dân tộc.
Còn trong một lần trò chuyện với Báo Người Lao Động, đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân - người trực tiếp chỉ huy Cụm 2 Trường Sa (trong đó có các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao), có mặt ở Gạc Ma vào trưa 14-3-1988, tham gia tìm thi thể 64 chiến sĩ vừa hy sinh - kể rằng trong 30 năm qua, thỉnh thoảng ông vẫn nằm mơ thấy những "đứa em" của mình. Ông chẳng thể nào quên những giờ phút ấy. Sự hy sinh cho Tổ quốc bao giờ cũng vinh quang. Nếu có sự chọn lựa, ông nghĩ những "người em" đó cũng sẽ chọn lựa như vậy.
Sao có thể quên khi anh linh các anh giờ đã hòa trong từng giọt nước biển quê hương! Sao có thể quên khi vẫn còn đấy những người mẹ như bà Lê Thị Niệm (mẹ liệt sĩ Phan Tấn Dư , quê Phú Yên), mỗi khi ngang qua bàn thờ lại ôm di ảnh con vào lòng và gọi: "Sao con đi mãi không về?"! Sao có thể quên hàng ngàn đôi mắt đã đỏ hoe khi chứng kiến cảnh người mẹ Hà Tĩnh Hà Thị Liên áp đôi má nhăn nheo lên di ảnh của con Đào Kim Cương tại lễ khánh thành cụm tượng đài chiến sĩ Gạc Ma!
Nhắc, không quên về sự kiện Gạc Ma, không phải để khắc sâu lòng hận thù, bởi lòng bao dung của người Việt Nam rộng lớn lắm. Chẳng phải người dân Mỹ Lai, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đã sẵn lòng tha thứ khi cựu trung úy quân đội Mỹ William Calley cúi đầu xin lỗi vì đã gây ra cái chết của 22 dân thường trong vụ thảm sát Sơn Mỹ năm 1968? Chẳng phải người dân Hòa Hiệp (tỉnh Phú Yên) đã tha thứ cho những cựu binh trong đoàn lính đánh thuê Đại Hàn khi cúi đầu hối lỗi vì đã gây ra vụ thảm sát nơi đây? Người Việt Nam sẵn lòng tha thứ khi kẻ gây nên tội lỗi biết hối lỗi, dù đó là tội giết người.
Nhắc, không quên để thắp lửa cho lòng yêu nước trong các thế hệ người dân Việt Nam. Để thêm một lần nữa khẳng định chủ quyền: Trường Sa là của Việt Nam, Gạc Ma là của Việt Nam. Để mỗi người dân Việt Nam thấy rõ trách nhiệm phải đòi lại những gì bị chiếm đoạt.
Vậy thì nên lắm chứ sự kiện Gạc Ma được đưa vào sách giáo khoa để hun đúc lòng yêu quê hương biển đảo và trách nhiệm của thế hệ trẻ.
Gạc Ma, không thể lãng quên!
Bình luận (0)