xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đưa TP HCM thành trung tâm tài chính

THÁI PHƯƠNG - THANH NHÂN

TP HCM có nhiều lợi thế vượt trội so với các địa phương khác trong cả nước để vươn lên thành trung tâm tài chính quốc tế

Hôm nay, 18-10, Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm 2019 chủ đề "Phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" được tổ chức.

Thế mạnh thị trường

Trước khi diễn đàn khai mạc, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết từ đầu những năm 2000, định hướng phát triển kinh tế TP HCM đã xác định thế mạnh về thị trường tài chính, cũng từng đặt mục tiêu xây TP thành trung tâm tài chính của cả nước và khu vực. Trong 20 năm qua, TP HCM luôn chú trọng việc phát triển thị trường tài chính như là một trong những lĩnh vực ưu tiên của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Nhiều chuyên gia kinh tế khác cũng nhìn nhận trong 20 năm qua, TP luôn theo đuổi mục tiêu có một trung tâm tài chính quốc tế. Theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), đây là một đích ngắm rất trúng, không chỉ cho TP mà cho cả nước, vì muốn tăng trưởng đương nhiên phải có vốn và nếu có được một trung tâm tài chính quốc tế sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.

"Tiềm năng phát triển kinh tế của TP là rất mạnh cả về hàng hóa, dịch vụ và khu vực tài chính. Đặc biệt vừa qua, Chính phủ đã có đồng ý về một cơ chế đặc thù cho TP. Do đó, nếu có thể, nên lấy TP HCM làm một đặc khu kinh tế tự do để thử nghiệm các thể chế kinh tế tài chính" - ông Hòe đề xuất.

Đưa TP HCM thành trung tâm tài chính - Ảnh 1.

TP HCM được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chínhẢnh: TẤN THẠNH

Khi nghiên cứu đánh giá lợi thế để trở thành nơi có thể hình thành phát triển một trung tâm tài chính của Việt Nam với 19 tiêu chí cụ thể của 4 nhóm: Tiêu chí về thị trường; tiêu chí hạ tầng sẵn có, tiềm năng phát triển; tiêu chí về hành chính công; tiêu chí về an ninh. Nhóm nghiên cứu của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tính toán mức điểm xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp: TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh… Trong đó, TP HCM có nhiều ưu thế vượt trội so với các địa phương khác trong cả nước để trở thành một trung tâm tài chính quốc tế.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, phân tích thêm TP HCM hiện đóng góp 23% GDP cả nước và 27,2% thu ngân sách cả nước (năm 2018); là trung tâm tài chính của Việt Nam với sự hiện diện của nhiều định chế tài chính trong và ngoài nước; thị trường chứng khoán lớn nhất; năng suất lao động cao gấp 3 lần bình quân cả nước. TP HCM cũng đón lượng kiều hối về nhiều nhất nước với khoảng 5 tỉ USD trong năm ngoái; có nền tảng hạ tầng về sân bay quốc tế, viễn thông… Thị trường nội địa lớn, nhiều tiềm năng, trong đó ngành tài chính - ngân hàng còn nhiều dư địa để phát triển.

Biến ưu thế thành hiện thực

Làm thế nào để biến tiềm năng, lợi thế, khát vọng… thành hiện thực đang là bài toán lớn về phát triển, không chỉ đối với TP HCM mà là cả nước.

Theo TS Trần Du Lịch, chủ trương xây dựng đề án "Phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế" là việc làm không mới nhưng rất cần thiết. Từ chủ trương của Bộ Chính trị đến nhận thức của lãnh đạo TP qua các thời kỳ đều hướng đến mục tiêu: Làm thế nào để TP HCM thực sự là một trung tâm tài chính quốc gia và hướng tới trở thành một trung tâm tài chính của khu vực. Tuy nhiên, cho đến nay, mọi ý tưởng xây dựng TP HCM thành một trung tâm tài chính vẫn còn dang dở. Thậm chí, vai trò còn giảm dần, xét về quy mô thị trường tài chính đối với cả nước. Ví dụ: Tổng vốn huy động qua các định chế tài chính - tín dụng trên địa bàn TP HCM so với cả nước đã giảm từ khoảng 40% của những năm đầu những năm 2000 còn 24% năm 2018; xếp sau Hà Nội (34%).

Liệu TP còn đóng vai trò đầu tàu trong việc phát triển thị trường tài chính của Việt Nam và khẳng định vị thế đối với khu vực trong dài hạn không? Làm thế nào để từ ý tưởng của chính quyền TP trở thành chủ trương mang tính quốc gia?

TS Trần Du Lịch cho rằng có 4 vấn đề đang đặt ra, cần lý giải, như thị trường tài chính trên địa bàn TP HCM đang đóng vai trò gì đối với thị trường tài chính còn non trẻ của Việt Nam. So với các trung tâm tài chính của một số quốc gia trong khu vực thì TP đang ở đâu? Hoàn thiện khung pháp lý đang điều chỉnh thị trường tài chính Việt Nam và những điều kiện để trở thành một trung tâm tài chính mang tính khu vực và giao dịch quốc tế?

Dưới góc nhìn khác, TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, Trường ĐH Fulbright - cho rằng thực tế tỉ lệ ngân sách được giữ lại ngày càng giảm đã làm giảm động lực phát triển của địa phương, trong đó có vai trò và vị thế của các đô thị lớn như TP HCM ngày càng giảm. TP HCM đang đối mặt với khó khăn từ chính sách vĩ mô và pháp luật, do đặc trưng của hệ thống tài chính Việt Nam là các ngân hàng đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước.

Các chính sách thuế và phí (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, phí giao dịch tài chính) đều ở tầm quốc gia. Chưa kể, nhiều chính sách liên quan đến môi trường kinh doanh ở tầm quốc gia chưa thực sự tạo điều kiện cho sự phát triển năng động của thị trường tài chính…

"Trung tâm tài chính TP HCM trước hết phục vụ khu vực phía Nam và cả nước. Còn nếu tiến ra khu vực và thế giới thì cần một cách tiếp cận khác, nương theo biến động và xu thế của khu vực, thế giới, không theo "lối mòn" truyền thống. Cần tìm một số "thị trường ngách" để tạo sự khác biệt và đột biến song song với việc phát triển trung tâm giao dịch hàng hóa. Trên tất cả là cần giải pháp tổng thể, kết hợp chính sách trung ương và nỗ lực địa phương" - TS Vũ Thành Tự Anh nói. 

Nhiều thách thức

Theo các chuyên gia, vấn đề thể chế về tiền tệ, tài chính ở tầm quốc gia và hạ tầng về tài chính vẫn sẽ là thách thức lớn nhất với việc hình thành và phát triển một trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực cho TP HCM. Trên thực tế, TS Trần Du Lịch nhìn nhận sự phát triển thị trường tài chính trên địa bàn TP HCM đã diễn ra không được như kỳ vọng. Việc vươn lên để trở thành một trong những trung tâm tài chính lớn của khu vực ASEAN còn khá xa.

Thách thức đối với Việt Nam và TP HCM trong mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính, theo TS Cấn Văn Lực, là quy mô thị trường tài chính Việt Nam còn nhỏ; số lượng định chế tài chính tại Việt Nam và TP HCM còn ít so với các nước trong khu vực. VNĐ là đồng tiền chưa được tự do chuyển đổi (nhất là ngoài lãnh thổ Việt Nam), việc mua ngoại tệ trong nước phải có mục đích; chưa có nền tảng dữ liệu, khung pháp lý để phục vụ các hoạt động tài chính ngân hàng số như cơ sở dữ liệu cư dân quốc gia, cơ chế chia sẻ thông tin...

TS TRẦN DU LỊCH, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ:

Phân kỳ 3 giai đoạn

Theo đó, giai đoạn 1 đến năm 2025 là TP HCM củng cố vai trò và hình thành cơ chế vận hành thông suốt của một trung tâm tài chính lớn nhất nước, cả hạ tầng "mềm" lẫn hạ tầng "cứng" (hạ tầng đô thị và viễn thông).

Giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2035 là hoàn thiện cả 3 yếu tố về thể chế, nhân lực và hạ tầng đô thị (Trung tâm Tài chính Thủ Thiêm xây dựng hoàn chỉnh). Giai đoạn 3 sau năm 2035: Hướng tới thị trường tài chính quốc tế. Đây là thời kỳ hội nhập toàn diện với thế giới về chính sách cơ chế vận hành của thị trường tài chính.

Trong quá trình này, TP HCM cần xây dựng hạ tầng đô thị, trong đó có khu đô thị mới Thủ Thiêm, trung tâm tài chính trong khu đô thị mới này thuận lợi để thu hút các tập đoàn đầu tư tài chính. Chính quyền TP phải thể hiện vai trò "bà đỡ" cho các nhà đầu tư; xây dựng hệ sinh thái mà trung tâm tài chính có thể vận hành tốt. Lộ trình xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế của TP HCM phải qua nhiều giai đoạn và tùy thuộc một phần vào chất lượng sống của đô thị, khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

PGS-TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO, Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM:

Đa dạng sản phẩm

TP HCM đã sớm hình thành và đang trong quá trình phát triển trung tâm tài chính bằng việc đa dạng hóa các định chế tài chính cả trong nước và quốc tế, đa dạng hóa phương thức giao dịch gồm truyền thống và tài chính công nghệ (fintech) và đa dạng hóa các sản phẩm tài chính, nhất là sản phẩm tài chính phái sinh. Điều này rất quan trọng, bởi để bảo đảm cho sự phát triển và quốc tế hóa trung tâm tài chính quốc tế TP HCM, điều kiện cần thiết của "khu chợ" là phải giao dịch hàng hóa mà những khu chợ nổi tiếng khác trên thế giới cũng đang giao dịch.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam. Các quy định để triển khai, đưa vào vận hành thị trường chứng khoán phái sinh với sản phẩm ban đầu là hợp đồng giao sau chỉ số và hợp đồng giao sau trái phiếu Chính phủ cũng đã có. Hiện hợp đồng giao sau chỉ số VN30 và hợp đồng giao sau trái phiếu Chính phủ đã chính thức được giao dịch. Nhưng để thị trường sản phẩm phái sinh thực sự phát triển và trở thành một bộ phận quan trọng của trung tâm tài chính, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư cả trong, ngoài nước... cần nhiều giải pháp, quyết tâm lớn của cơ quan quản lý.

Làm sao để thị trường chứng khoán phái sinh (sản phẩm phái sinh) phát huy được lợi ích to lớn, hạn chế tối đa các rủi ro tiềm ẩn là thách thức không nhỏ. Đòi hỏi người tổ chức sân chơi và người chơi phải thật sự hiểu rõ bản chất của sản phẩm này, xác định động cơ tham gia thị trường để có cách tiếp cận và ứng xử phù hợp. Và, muốn đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa trung tâm tài chính TP HCM, việc phát triển thị trường sản phẩm phái sinh là tất yếu.

PGS-TS HOÀNG CÔNG GIA KHÁNH, Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Trường ĐH Kinh tế - Luật:

Phát triển thành trung tâm tài chính công nghệ

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, fintech - tài chính công nghệ - đang định hình lại sự phát triển và tương lai của ngành dịch vụ tài chính; tạo ra sự dịch chuyển công việc từ dịch vụ tài chính truyền thống sang lĩnh vực kỹ thuật số nhanh chóng và trở thành một nền tảng hỗ trợ cho những doanh nghiệp lâu năm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Đây sẽ là thách thức cho các trung tâm tài chính hiện hữu, đồng thời là cơ hội cho các trung tâm non trẻ ra đời. Vì vậy, vấn đề đặt ra là TP HCM nên phát triển thành một trung tâm tài chính truyền thống hay trở thành một trung tâm fintech (fintech hub) của khu vực?

Các phân tích cho thấy Việt Nam và TP HCM nói riêng có một số điểm mạnh để có khả năng trở thành một trung tâm fintech khu vực như cộng đồng khởi nghiệp khá sôi động; TP HCM được đánh giá là một trong 25 trung tâm fintech mới nổi. Một số ngân hàng đã có những thay đổi thích nghi với công nghệ mới và phát triển các sản phẩm số hợp tác với các fintech... Đây là những yếu tố góp phần thành công chính để xây dựng các trung tâm fintech quốc tế.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo