Sáng 16-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì diễn đàn quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam" cùng với sự tham gia của hơn 1.500 đại biểu từ các doanh nghiệp (DN) sử dụng nhiều nhân lực, các chuyên gia về giáo dục. Diễn đàn có chủ đề: "DN đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp".
Thiếu thầy, thiếu cả thợ
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung cho biết trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại sẽ thay đổi do tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của mình khi robot thay thế con người. Do đó, công việc của chúng ta là phải thay đổi, nhất là ngành nghề thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, cơ khí điện tử…
Theo Bộ LĐ-TB-XH, đến hết năm 2018, cả nước có 1.948 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Tuy nhiên, số lượng cơ sở GDNN thuộc DN còn ít, chỉ có 46/397 trường cao đẳng, 84/519 trường trung cấp và 181/1.032 trung tâm GDNN.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian qua, chất lượng giáo dục đại học, GDNN tăng đáng kể bởi 3 lý do: Tiếp nhận tầm nhìn, công nghệ quốc tế; đẩy mạnh tự chủ; gắn kết DN với nhà trường.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm tại diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” Ảnh: Quang Hiếu
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ở nước ta, tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nói chung còn thấp. Việt Nam có số lao động đứng thứ 3 ASEAN nhưng lực lượng lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo, mới đạt trên 22%, chỉ bằng 1/3 Hàn Quốc, Singapore. Cơ cấu lao động qua đào tạo, xu hướng chuyển dịch có sự bất hợp lý, vẫn còn phổ biến tình trạng "thiếu thầy, thiếu cả thợ" chứ không phải "thừa thầy, thiếu thợ". Vẫn còn tâm lý của cha mẹ là con mình không vào được đại học thì mới học nghề. Nhiều người làm trái ngành nghề.
Cần một "hiệp ước xã hội"
Theo Thủ tướng, Việt Nam có quy mô dân số đứng thứ 13, 14 trên thế giới và đặc biệt là có quy mô nền kinh tế đứng thứ 37, 38 nhưng chưa vào được Top 50 thế giới về đào tạo nghề nghiệp. Vì vậy, chúng ta mong giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam có khát vọng mãnh liệt hơn nữa để vươn lên sánh ngang bằng với các nước tiên tiến khu vực và thế giới. Chỉ có như thế mới đưa được nền kinh tế thăng tiến trong chuỗi giá trị cao hơn.
Thủ tướng cho rằng phải bảo đảm 3 nguyên tắc: Bám sát hơn nữa vào nhu cầu thực tiễn của thị trường, bảo đảm hài hòa cung cầu về lao động có kỹ năng nghề; phát triển đào tạo nghề với chuẩn mực chất lượng quốc tế để đáp ứng yêu cầu của DN; nâng cao tính dự báo, cần hiểu, nắm bắt nhanh nhạy và dự báo sớm được nhu cầu nhân lực kỹ năng cao của DN và nền kinh tế trong giai đoạn tới, để định hướng hợp tác doanh nghiệp, nhà trường.
"Đừng đào tạo thứ người ta không cần" - Thủ tướng nói và đề nghị Bộ LĐ-TB-XH suy nghĩ thiết kế và đề xuất một "hiệp ước xã hội", đó là cơ chế hợp tác giữa nhà trường, DN và Chính phủ trên các lĩnh vực ngành nghề trọng điểm để gắn kết nội dung, chất lượng đào tạo nhân lực kỹ năng cao với nhu cầu thị trường và nền kinh tế. Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho biết trong quá trình soạn thảo các văn kiện ĐH Đảng lần thứ XIII, chất lượng nguồn nhân lực là nội dung được Đảng quan tâm, không chỉ 5 năm mà 10 năm, có tầm nhìn đến năm 2045.
Dấu hiệu đáng mừng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam đã xác định được 130 nghề trọng tâm, đã có 40 trường nghề trọng điểm, chất lượng cao. Nhiều trường có chương trình tốt và đặc biệt là 3 năm gần đây thì tuyển sinh của các trường dạy nghề vượt chỉ tiêu. Đây là dấu hiệu đáng mừng. Việc gắn kết GDNN với DN có chuyển biến tích cực, trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài có nhiều DN có trường dạy nghề tốt có thể đào tạo đến vài trăm ngàn lao động.
Bình luận (0)