Đó là Nghị định 115, quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay, 20-10. Mọi công đoạn liên quan đến việc sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm hay tất cả những thứ gì phục vụ cho nhu cầu ăn uống mỗi ngày đều được quy định rõ trong nghị định mới, kèm theo đó là lượng hình mức phạt. So với nghị định cũ ban hành cách đây 5 năm, nghị định mới còn gia tăng mạnh mức phạt đối với các hành vi sai phạm, từ một đến 2 lần.
Việc kiểm tra, xử phạt cùng những lực lượng tham gia cuộc chiến chống thực phẩm bẩn, mang bữa ăn bảo đảm an toàn cho mọi người dân được quy định một cách rõ ràng, rành mạch. Việc phát hiện các hành vi gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm cũng chẳng phải là quá khó khăn. Cứ nhìn vào những quán hàng rong, cơm "bụi" là có thể thấy ít nơi nào đáp ứng các yêu cầu như không che đậy, có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập... Hoặc như việc sử dụng tay trần tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay rất phổ biến, có mức phạt cụ thể từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Rõ ràng, rành mạch và cụ thể tới vậy, sao còn phải lo tính khả thi trong thực tiễn?
Lo chẳng phải do những điều khoản ghi trong nghị định mà lo về việc thực hiện. Cơ quan, cá nhân nào có quyền xử phạt các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm được xác định rất rõ nhưng vấn đề là có phạt hay không khi phát hiện chủ quán cơm "bụi" không dùng găng tay bốc đồ ăn, chứ chưa nói tới chuyện cống rãnh, rửa chén bát trong bếp của quán?
Điều gây băn khoăn và lo ngại là việc xử phạt những hành vi mất an toàn vệ sinh thực phẩm kiểu vi phạm của chủ quán cơm bụi có thể đi vào "vết xe đổ" của nhiều quy định đang có hiệu lực trong những lĩnh vực khác song có liên quan mật thiết tới cuộc sống hằng ngày. Tính khả thi vốn đã được cảnh báo rất nhiều khi quy định xử phạt hành vi hút thuốc nơi công cộng, rọ mõm chó ra đường, xả rác nơi công cộng, tiểu bậy… ra đời đã lâu nhưng chẳng thấy thực thi, hành vi sai phạm thì nhan nhản.
Việc có những quy định pháp luật chỉ tồn tại trên giấy không phải do chế tài xử phạt mà bởi chính lực lượng thực thi.
Quy định pháp luật không đi vào cuộc sống, bên cạnh tính khả thi còn phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm thi hành phận sự của giới chức có trách nhiệm. Bởi thế, cùng với việc ghi rõ chế tài xử phạt hành vi vi phạm cũng cần phải có những chế tài rõ không kém với giới chức trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm trong địa bàn mình phụ trách. Chắc phải thế mới không để những chế tài xử phạt nằm trên giấy mà đi được vào thực tiễn cuộc sống.
Bình luận (0)