Không chỉ TP HCM, nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng chỉ thị về rà soát cây xanh trong trường học, các trường cũng khẩn trương có biện pháp phòng ngừa cây xanh ngã đổ trong mùa mưa bão. Đó là việc cần thiết, nên làm, song nó phản ánh tình trạng khá phổ biến ở nước ta lâu nay là ngày thường thì không chú ý, đến khi có chuyện lại cùng nhau xúm vào làm theo kiểu phong trào rầm rộ. Mặt khác, sau bất cập thì có nơi lại làm thái quá, như đốn cành mé nhánh một cách quá tay khiến cây xanh trong nhiều trường trụi trơ, chỉ còn gốc và cành.
Trường THCS Trần Phú căng dây "cách ly" cây phượng cổ thụ
Có trường hợp, như Trường THCS Trần Phú, tỉnh Gia Lai thì không đốn nhưng lại phòng ngừa bằng cách chăng dây làm vòng rào bao quanh cây phượng, để mọi người chỉ đứng ở bên ngoài ngắm và lỡ cây có ngã cũng không gây hại cho học sinh. Có trường gác cây ván chằng chéo tạo thế chân vạc để làm trụ đỡ cho cây hoặc làm cụm giá đỡ bằng thép 4 chân chắc chắn, ở giữa có vòng ôm thân cây…
Yêu cầu tổng rà soát cây xanh trường học là rất thỏa đáng, kịp thời. Tuy nhiên, cũng vì kỹ lưỡng quá mức hoặc lo ngại trách nhiệm nên tình trạng quá tay đã xảy ra, khiến cả ngôi trường mất dần bóng mát, cảnh quan cũng bị ảnh hưởng. Ai cũng biết giá trị của cây xanh trong đời sống là tạo bóng mát, cân bằng hệ sinh thái, điều hòa không khí, giảm ô nhiễm môi trường…Riêng với học đường, cây xanh còn gắn với rất nhiều hình ảnh, kỷ niệm đẹp của tuổi học trò.
Theo các chuyên gia, không nên vì một cây ngã đổ mà đi đốn toàn bộ hoặc tỉa quá đến mức chỉ còn cành trơ trụi. Do đó, cần phải chọn lọc để giữ lại hay trồng mới cây xanh. Ví dụ, tuổi đời của cây phượng thường không quá 50 năm. Khi cây tới tuổi 30 trở đi thì thân cây dễ mục, rỗng và dễ bị sâu bệnh tấn công. Do đó, cây phượng trồng từ 25-30 năm thì nên đốn hạ để trồng cây mới. Còn cây mới hơn chục năm tuổi thì chỉ nên mé nhánh, tỉa cành, không nên phá bỏ luôn. Để rút kinh nghiệm sau tai nạn vừa qua, các trường cũng nên đề nghị đơn vị chức năng giám định "sức khỏe" toàn bộ cây xanh. Không tráng kín sân trường bằng bê-tông mà chừa chỗ đất cho cây xanh, không bao quanh gốc cây bằng bê-tông, không còn chỗ cho cây xanh "thở", ảnh hưởng sự phát triển của rễ cây.
Trong bối cảnh TP HCM đang ngày càng thiếu mảng xanh thì tìm giải pháp vừa bảo đảm an toàn trong trường học, vừa bảo đảm mảng xanh là nhiệm vụ quan trọng mà các trường và các ngành chức năng cần xem xét, thực hiện. Với những cây cổ thụ được đánh số quản lý thì không nên giao về cho các trường. Định kỳ vài tháng một lần các phòng quản lý đô thị, Công ty Công viên cây xanh TP HCM nên bảo dưỡng cho tất cả cây xanh trong trường học. Nên giao hẳn việc quản lý cây xanh trong trường học cho ngành chức năng có chuyên môn để rạch ròi trách nhiệm và quản lý tốt hơn.
Hãy giữ cho mái trường luôn có cây xanh, để tuổi học trò mãi đẹp với những kỷ niệm hoa niên dưới hàng cây tỏa bóng.
Bình luận (0)