Bức thư trên được viết 2 ngày sau khi tỉnh Phú Yên phải đóng cửa các điểm tham quan du lịch do dịch Covid-19 đang lan rộng. Nhiều tỉnh, thành phố đã đóng cửa du lịch nhưng có lẽ Phú Yên là một trong những địa phương hiếm hoi quan tâm đến du khách. Là một tỉnh có nhiều ưu thế nhưng xuất phát muộn hơn nên ngành du lịch của Phú Yên chỉ phát triển mạnh vài năm qua. Lãnh đạo tỉnh này cũng không giấu tham vọng đưa Phú Yên thành điểm đến đủ sức cạnh tranh với các địa phương khác và phát triển du lịch thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Giữa lúc căng thẳng về dịch bệnh, lãnh đạo tỉnh vẫn không quên những mục tiêu quan trọng khác trong điều hành xã hội. Một bức thư ngắn nhưng đủ cho thấy sự tự tin quản trị của những người lãnh đạo.
Không ít người xem đây là chuyện hoa hòe, nhưng đừng quên kinh tế chậm nhịp sẽ tác động rất tiêu cực đến cả công tác chống dịch, không đủ lực để duy trì cuộc chiến lâu dài với Covid-19. Ngay khi dịch bùng phát, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần họp với lãnh đạo các địa phương và nhấn mạnh chống dịch phải đi đôi với phát triển kinh tế. Ông đốc thúc từng địa phương, thị sát từng chương trình để duy trì sự phát triển về kinh tế, ổn định đời sống người dân. Ngay khi đợt dịch lần đầu tạm lắng, đầu tháng 6-2020, Bộ Chính trị cũng ra kết luận về chủ trương khắc phục hậu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế. Kết luận này nêu cụ thể mục tiêu phát triển kinh tế từng ngành, điều chỉnh các chính sách vĩ mô, lập kế hoạch dài hạn trong tình hình cả thế giới cùng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Ngay trong những ngày căng thẳng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa điều hành chống dịch nhưng vẫn đến từng địa phương chỉ đạo củng cố, phát triển kinh tế. Ngày 31-7, Thủ tướng kiểm tra cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để bảo đảm tiến độ thông tuyến vào cuối năm 2020. Chỉ ngày hôm sau, 1-8, Thủ tướng đến TP Cần Thơ chủ trì hội nghị với lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất - kinh doanh, giải ngân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho vùng để cùng với các vùng kinh tế trọng điểm khác phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong bối cảnh này, chúng ta cũng không khó thấy nhiều địa phương tuy không ở trong tâm dịch nhưng hầu như co cứng, bị động chạy theo diễn tiến của dịch bệnh. Những công tác khác gần như đình trệ, đời sống người dân khó khăn, trông chờ vào sự hỗ trợ từ trung ương. Đây là sự lảng tránh trách nhiệm và phần nào cho thấy sự hạn chế năng lực lãnh đạo.
Chống dịch là cuộc chiến tổng lực và có kế hoạch lâu dài chứ không phiến diện là chỉ ngăn ngừa lây lan. Từng vị trí lãnh đạo công việc phải bản lĩnh, chủ động đối diện với thực tế, bởi sự khốc liệt vẫn đang ở phía trước.
Bình luận (0)