Công ty CP quản lý Đường bộ và xây dựng công trình tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày 30-4, cho biết đang tiến hành sửa chữa những vị trí mặt đường bị hư hỏng thuốc Tỉnh lộ 7 (đường Dạ Lê) đi qua phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đây là đơn vị thi công đồng thời quản lý tuyến đường trên.
Đoạn km 1 thi công vào tháng 2, mặt đường có rải cấp phối dày 10 cm. Ảnh chụp ngày14-2
Đường tỉnh 7 là tuyến huyết mạch nối Quốc lộ 1 với nhiều địa phương vùng miền núi, gò đồi thị xã Hương Thủy.
Đầu năm 2020, công trình nâng cấp mặt đường Tỉnh lộ 7 dài 2 km, phân thành 2 đoạn, trong đó đoạn thứ nhất từ km 0 đến km 1, đoạn thứ 2 từ km 2 đến km 3. Dự án có kinh phí 5 tỉ đồng, trên cơ sở nền đường cũ rải đá cấp phối 10cm và thảm nhựa 5cm, bổ sung thêm trụ tiêu, biển báo sơn đường đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, công trình mới hoàn thiện nghiệm thu đưa vào sử dụng chưa lâu thì xuất hiện hàng chục điểm nứt nẻ, vỡ vụn mặt đường.
Đoạn km 1 sau khi hoàn thành thi công và nay đã xuất hiện nhiều điểm hư hỏng mặt đường.
Theo khảo sát của chúng tôi, đoạn đầu Tỉnh lộ 7 nối Quốc lộ 1A đi vào chỉ vài trăm mét đã xuất hiện khoảng 10 điểm mặt đường có dấu hiệu nứt, vụn vỡ. Đơn vị thi công đã đánh dấu sơn vạch đỏ và đang chuẩn bị tiến hành cắt, bóc những đoạn này với kích cơ từ 1-3m2.
Đây là đoạn đường được thi công vào tháng 2, nằm sát khu dân cư. Trong khi đó, đoạn km 3 được thi công sớm hơn chừng một tháng ghi nhận cho thấy mặt đường không chỉ vỡ vụn, nứt bề mặt mà nhiều điểm bong tróc với quy mô lớn, diện tích từ 4 – 5 m2 và khá dày đặc.
Hàng loạt vị trí mặt đường bị nứt ở km 3 và đang được đánh dấu để cào bóc, vá lại
Ở đoạn trước các nhà máy sản xuất bê tông tương, mặt đường bị lún, bong ra lớp nhựa rơi vãi trên đường và đơn vị thi công đã đo đạc tiến hành cắt, cào bóc lớp nhựa bề mặt để đổ lớp bê tông mới.
Đặc biệt, những điểm hư hỏng chỉ xuất hiện ở mặt đường mới thảm nhựa, còn mặt đường cũ ở đoạn không thi công (km thứ 2) thì hầu như không bị.
Đơn vị thi công nói rằng đường nhanh chóng hư hỏng là do "gánh" xe quá tải
Ông Trần Quang Ánh, Trưởng phòng Quản lý giao thông, Công ty CP Quản lý Đường bộ và Xây dựng công trình tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết tổng diện tích mặt đường bị hư hỏng hơn 50 m2 sẽ được cắt, cào bóc, xử lý gia cố bằng xi măng, đầm lại và thảm nhựa lên.
Ông này nói rằng nguyên nhân mặt đường nhanh chóng hư hỏng là do hằng ngày phải "gánh" một lượng lớn xe ben chở vật liệu xây dựng, san lấp và dự báo thời gian tới chắc chắn sẽ xuất hiện thêm nhiều điểm hư hỏng nếu tình trạng xe quá tải không được xử lý triệt để.
Công nhần đánh dấu những vị trí mặt đường bị hư hỏng đắt cắt, bóc
"Tuyến đường này không hạn chế tải trọng nhưng đường này chỉ thiết kế cấp IV đồng bằng, chỉ chịu được tải trọng tối đa 10 tấn/trục. Dự án chúng tôi triển khai chỉ phủ lên nền cũ lớp nhựa đường nhằm gia cố bề mặt chứ không can thiệp vào nền móng cũ" – ông Ánh lý giải.
Vì sao chỉ một số vị trí bị hư hỏng? Ông Ánh lý giải rằng tùy thuộc vào nền móng cũ của đường, những nơi bị yếu mặt đường sẽ hư trước.
Sẽ lắp camera giám sát
Trước đó, vào giữa tháng 3, Báo Người Lao Động đã có loạt bài Xe quá tải ung dung vượt chốt trong đó ghi nhận tình trạng xe tải tự đỗ (xe ben) cơi nới, chở vật liệu đất san lấp vượt chiều cao kích thước thành thùng hàng, dấu hiệu chở quá tải xuất hiện dày đặc trên tuyến đường Tỉnh lộ 7.
Sau khi báo phản ánh, lực lượng CSGT Công an thị xã Hương Thủy đã ra quân xử lý hàng loạt xe ben. Đồng thời phối hợp với thanh tra giao thông đặt trạm cân để tiến hành kiểm tra tải trọng xe, qua đó phát hiện và xử phạt rất nhiều xe quá tải. Mới đây, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã đồng ý đề nghị của Sở Giao thông vận tải tỉnh Thừa Thiên – Huế tiến hành lắp đặt hàng loạt camera để xử phát các lỗi như đi vào giờ cấm, chở hàng rơi vãi.
Bình luận (0)