Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành kế hoạch thực hiện một số giải pháp để ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng. Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ rà soát, tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho xe buýt qua các nút, các tuyến phố không cho ôtô hoạt động; ưu tiên tổ chức giao thông cho phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn.
Bỏ chuyến vì tắc đường
Ngoài trục Nguyễn Trãi - Trần Phú, đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng (Hà Đông), dài 5 km, các tuyến đường dự kiến tách làn riêng cho xe buýt gồm: Pháp Vân - Giải Phóng - Đại Cồ Việt 4,7 km; Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự 5,9 km; Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Đàm 9,6 km. Hà Nội tiếp tục mở rộng mạng lưới xe buýt tới ngoại thành, trung tâm phát sinh nhu cầu (đô thị mới, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí...). Dự kiến, số tuyến buýt mở mới đến năm 2020 từ 46-51 tuyến; trong đó, năm 2019 mở mới 21 tuyến, năm 2020 mở từ 25-30 tuyến.
Đáng lưu ý, năm 2008, Hà Nội đã khai trương làn đường đầu tiên dành cho xe buýt trên tuyến Nguyễn Trãi - Trần Phú (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng). Sau đó, để phục vụ thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, làn đường dành riêng cho xe buýt này bị xóa bỏ. Cuối năm 2016, Hà Nội khai trương tuyến xe buýt nhanh (BRT) Kim Mã - Yên Nghĩa có chiều dài 14,7 km từ Kim Mã xuống Yên Nghĩa với làn đường ưu tiên. Tuy nhiên, tuyến này cũng có nhiều đoạn BRT đi chung với các phương tiện giao thông khác và hoạt động không hiệu quả. Tuyến BRT số 2 Kim Mã - Hòa Lạc được lên kế hoạch mở vào năm 2017 nhưng sau đó, được thay thế bằng xe buýt thường.
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, trong năm 2018, có đến 180.000 lượt xe buýt bỏ chuyến, quay đầu hoặc buộc phải điều chỉnh lộ trình do tắc đường, chiếm 3,5% khối lượng phục vụ. Trên thực tế, số lượng hành khách của xe buýt đã giảm liên tiếp trong các năm 2016, 2017; phải đến năm 2018 mới tăng dần trở lại.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị Hà Nội, cho biết muốn xe buýt nâng cao được chất lượng dịch vụ, bảo đảm rút ngắn thời gian hành trình thì cần có làn đường dành riêng cho xe buýt. Chủ trương của TP tập trung tạo điều kiện phát triển vận tải hành khách công cộng, trong đó có xe buýt là rất kịp thời và phải triển khai ngay.
Khi đi vào hoạt động, làn đường riêng sẽ là điều kiện chủ đạo để xe buýt lưu thông tốt hơn. Xe buýt đi nhanh hơn thì người dân sử dụng xe buýt thay cho xe cá nhân cũng sẽ ngày càng đông. Như vậy sẽ góp phần giảm số lượng phương tiện cá nhân trên đường, góp phần giảm ùn tắc giao thông và có ý nghĩa tích cực với kinh tế - xã hội, môi trường… Tuy nhiên, ông Hải cũng nhìn nhận việc tổ chức làn đường dành riêng cho xe buýt cần được khảo sát kỹ lưỡng, tính toán mọi yếu tố. Nhưng xu thế chung là phải tạo điều kiện tối đa cho vận tải hành khách công cộng phát triển, đặc biệt ưu tiên về không gian lưu thông.
Các phương tiện thường xuyên lấn làn, đi vào đường dành riêng cho xe buýt ở Hà Nội
Chưa đúng thời điểm
TS Nguyễn Xuân Thủy, người có hơn 40 năm nghiên cứu về giao thông đô thị, cho rằng năm 2020 chưa phải là thời điểm thích hợp để Hà Nội triển khai thêm các tuyến đường có làn dành riêng cho xe buýt. Các tuyến đường mà Hà Nội dự kiến mở làn thường xuyên ùn tắc, trong khi xe buýt chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Đa số người dân đang sử dụng phương tiện cá nhân, đường chật hẹp mà lại phân làn cho xe buýt là không hợp lý.
Ông Thủy cũng nhận định Hà Nội từng đặt chỉ tiêu tỉ lệ vận chuyển hành khách công cộng năm 2020 đạt 20%-25% nhưng đến nay khó đạt được, người dân chưa mặn mà với xe buýt vì đợi xe lâu, đi chậm. Tuyến BRT của Hà Nội đưa vào hoạt động không đạt hiệu quả như mong muốn, có hẳn một làn riêng nhưng các phương tiện ôtô, xe máy vẫn lấn làn, đi vào làn BRT khiến cho buýt nhanh nhiều khi cũng không nhanh hơn buýt thường. Vì vậy, Hà Nội cần nghiên cứu thận trọng, tránh việc làm xong không phù hợp phải phá dỡ gây lãng phí.
Còn theo ông Bùi Danh Liên, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, hạ tầng giao thông của Hà Nội hiện chưa đáp ứng được kế hoạch phân làn cho xe buýt. Nếu tách làn đường ưu tiên cho xe buýt dễ dẫn tới tình trạng ùn tắc nặng hơn. Kế hoạch tách làn này nên lùi lại để chuẩn bị tốt hơn các điều kiện hạ tầng.
Ông Vũ Anh Tuấn, giảng viên Trường ĐH Giao thông Vận tải, đồng tình với chủ trương trên của lãnh đạo TP Hà Nội nhưng lưu ý nếu tổ chức làn đường riêng cho xe buýt thì không thể để tuyến này hoạt động riêng lẻ, rời rạc mà phải kết nối thành mạng lưới liên thông với nhau. Cần thực hiện trên cơ sở kinh nghiệm rút ra từ dự án BRT, khi không đồng bộ nhà chờ, cửa ra với xe buýt thường nên làn đường xe buýt BRT chưa phát huy được hiệu quả về năng lực và kết nối.
"Một trong những tiêu chí quan trọng nhất là tính đúng giờ và tốc độ đáp ứng dịch vụ. Ngoài bố trí lưu thông làn đường ưu tiên, đường riêng, chúng ta cần xem xét tính kết nối, không gian kết nối mạng lưới xe buýt, loại hình phương tiện khác với nhau" - ông Tuấn nói.
Bình luận (0)