Nói về nguyên nhân chưa "khai tử", giữ lại hoạt động của xe thô sơ 3-4 bánh theo Quyết định 08/2013 của UBND TP HCM, đại diện Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM cho rằng nhu cầu sử dụng xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3-4 bánh là có thật bởi tính cơ động cao, thuận tiện chở hàng hóa đi vào các hẻm nhỏ...
Tranh luận
"Ngoài ra, nếu hạn chế và tiến đến dần chấm dứt hoạt động của phương tiện này sẽ ảnh hưởng nhu cầu, thói quen người sử dụng, nhất là người thu nhập thấp. Chưa kể, sau đại dịch Covid-19, việc điều chỉnh hoạt động loại xe trên sẽ không nhận được sự ủng hộ của người đang dùng phương tiện này để mưu sinh" - Sở GTVT TP HCM lập luận.
Nói về đề xuất của Sở GTVT TP HCM, anh Nguyễn Văn Huy (quê Bến Tre; ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) chuyên nghề chạy xe 3 bánh cho rằng đó là đề xuất có lý, có tình! Theo anh Huy, năm 2013, anh mua chiếc xe 3 bánh tự đóng, sử dụng máy của Trung Quốc thay thế cho xe ba gác máy để mưu sinh. "Từ đó đến nay, tuy thu nhập không cao nhưng cũng đủ lo cho 2 đứa nhỏ ăn học. Đợt dịch thứ 4 này, nếu không có tiền tích lũy từ nghề chạy xe 3 bánh thì có lẽ cả gia đình tôi khó có thể cầm cự được cho đến hôm nay. Nói chung, đề xuất trên đã tạo thêm động lực để vợ chồng con cái tôi ở lại TP HCM mưu sinh" - anh Huy bày tỏ.
Xe 3 bánh hầu như xuất hiện ở khắp các nẻo đường của TP HCM và là “cần câu cơm” của nhiều gia đình
Cũng như anh Huy, chị Loan - chủ cơ sở kinh doanh nước đóng chai ở phường 15, quận Tân Bình, TP HCM - nói nhờ có xe 3 bánh mà việc giao hàng cho các công ty, hộ gia đình nằm trong các hẻm nhỏ thuận tiện hơn. "Không chỉ riêng tôi, mà hầu hết tiểu thương ở chợ Tân Trụ (phường 15, Tân Bình) khi hay tin chưa "khai tử" xe 3-4 bánh thô sơ ai cũng vui. Nhờ có xe 3 bánh vận chuyển hàng hóa với cước phí rẻ nên giá bán hàng cho khách cũng giảm" - chị Loan phân tích.
Tương tự, khi trao đổi với chúng tôi, đa phần các bạn sinh viên phải ở trọ tại TP HCM cho rằng khi muốn chuyển phòng trọ, nếu không có xe 3-4 bánh thì không biết kiếm xe nào chở, bởi xe máy không chở hết, taxi không chịu chở, còn thuê xe tải thì quá đắt.
Về lập luận trên của Sở GTVT TP HCM, TS Nguyễn Lê Ninh, chuyên gia về động cơ, bình luận: Tuy xe 3-4 bánh đáp ứng nhu cầu xã hội trong vận chuyển hàng hóa vào các hẻm nhỏ, là kế mưu sinh của người lao động nhưng phải thừa nhận phương tiện này không bảo đảm an toàn kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và đến lúc phải kiên quyết thay thế.
Không đồng ý giữ lại phương tiện này, PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng Khoa Kỹ thuật giao thông - Trường ĐH Bách khoa TP HCM, thẳng thắn cho biết loại xe 3 bánh tại TP HCM chỉ sử dụng ở vùng nông thôn của Trung Quốc. Tại TP HCM, phương tiện này đa số tự lắp ráp kiểu đầu và máy của môtô, gắn thêm thùng xe để thành xe 3 bánh, không an toàn. Vì vậy, phải sớm "khai tử".
Giải pháp
Trước những ý kiến gây mất mỹ quan đô thị, Sở GTVT TP HCM giải thích tuy chưa "khai tử" nhưng các xe thô sơ 3-4 bánh không được chạy vào khu trung tâm quận 1, 3 mà chỉ được chạy ở các tuyến vành đai và hoạt động trong những khung giờ nhất định. Ngoài ra, sở đề xuất tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm như các lỗi chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông...
Theo ông Lê Trung Tính, nguyên Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT TP HCM, hầu hết phương tiện xe thô sơ 3-4 bánh không có giấy tờ, không an toàn kỹ thuật, nếu không "khai tử" mà vẫn cho hoạt động thì thành phố nên đặt ra lộ trình 5-10 năm để họ chuyển đổi phương tiện mới. Trong đó, chính quyền TP HCM cần yêu cầu một đơn vị nghiên cứu, đóng loại xe tương tự với giá thành hợp lý, sức chở ổn định và bán cho người dân, khi mua thì người dân được đăng ký xe, có biển số để an tâm ra đường. "Ngoài ra, thành phố cũng nên nghiên cứu chính sách hỗ trợ vốn hoặc giảm lãi vay cho những người nghèo, khó khăn khi chuyển đổi phương tiện. Không nên để người dân chạy xe không giấy tờ ra đường, CSGT thổi lại rồi "du di"..., tạo những hệ lụy xấu cho xã hội" - ông Tính đưa giải pháp.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Lê Ninh cũng nhấn mạnh nếu tiếp tục cho hoạt động thì thành phố cần đặt ra lộ trình cụ thể để thay đổi phương tiện mới, hợp quy, hợp pháp. Qua đó, vừa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa vừa bảo đảm sinh kế cho người dân. "Hiện nay có loại phương tiện xe 3-4 bánh chạy bằng điện, tôi nghĩ thành phố nên khuyến khích đơn vị sản xuất xe nghiên cứu mẫu xe sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường, phù hợp xu hướng phát triển chung của TP HCM" - TS Ninh hiến kế. Theo ông, nếu xe 3-4 bánh hợp chuẩn, hợp quy, nhất là sử dụng nhiên liệu sạch thì chúng hoàn toàn có thể tồn tại lâu dài giữa một đô thị văn minh.
Tương tự, PGS-TS Phạm Xuân Mai nhấn mạnh đã đến lúc chính quyền TP HCM kiên quyết không duy trì loại phương tiện không rõ nguồn gốc mà phải thay thế. "Hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước chế tạo ôtô 4 bánh cỡ nhỏ sức chở 500-700 kg, giá thành không đắt, bảo đảm an toàn kỹ thuật, môi trường. Thành phố nên khuyến khích, yêu cầu người dân chuyển đổi phương tiện bằng các chính sách hỗ trợ vốn hoặc lãi vay. Như vậy mới thay đổi bộ mặt đô thị, văn minh cho thành phố" - PGS-TS Phạm Xuân Mai gợi mở.
Canh cánh nỗi lo bị phạt
Cũng như anh Nguyễn Văn Huy, anh Nguyễn Xuân Hòa (chạy xe 3 bánh ở huyện Hóc Môn, TP HCM) cho rằng những năm qua, người chạy xe 3 bánh tự đóng như anh đã luôn sống trong tâm trạng hồi hộp mỗi khi chở hàng ra đường bởi đa phần xe này không có giấy tờ hợp lệ, rất dễ bị xử phạt. "Nay cùng với đề xuất chưa "khai tử", Sở GTVT còn đề nghị Công an TP HCM và chính quyền các địa phương tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm của loại xe này thì nỗi lo bị phạt càng thêm lớn" - anh Hòa nói và mong muốn thành phố tạo điều kiện để những loại xe 3-4 bánh tự đóng được làm giấy tờ hợp lệ.
Mong muốn của anh Huy cũng là của nhiều bác tài chạy xe 3 bánh trên đường Song hành Quốc lộ 22 (quận 12), KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh)... Ghi nhận cho thấy hầu hết các phương tiện xe 3 bánh tự đóng được người dân mua từ các cơ sở tự sản xuất, không có giấy tờ, không theo quy chuẩn nào.
Anh Nguyễn Xuân Hòa bên chiếc xe 3 bánh của mình
Điển hình, tại một cơ sở đóng xe gần KCN Vĩnh Lộc, khi chúng tôi hỏi thì đại diện cơ sở cho biết nhận đóng xe theo yêu cầu, ví dụ chủ xe chở hàng gì thì đóng thùng xe theo loại hàng đó như chở xà bần, rau củ hay giàn giáo... Giá xe dao động từ 35-40 triệu đồng/chiếc. Máy xe cũng nâng cấp từ 150 phân khối lên 175 phân khối để chở hàng nặng. Riêng giấy tờ xe thì chủ cơ sở cho biết chỉ là giấy "mẹ bồng con", không có giá trị pháp lý.
Theo tìm hiểu, sau năm 2009, khi TP HCM cấm xe thô sơ, xe 3 bánh tự chế hoạt động thì Bộ GTVT cho thí điểm nhập khẩu xe 3 bánh từ Trung Quốc về bán cho người dân với giá khoảng 100 triệu đồng/chiếc. Nhưng không lâu thì dừng nhập khẩu. Lúc này, nhiều người dân có nhu cầu sử dụng phương tiện này đã liên hệ các cơ sở đóng phương tiện đặt hàng. Các chủ cơ sở đã sử dụng môtô nhập từ Trung Quốc, "chẻ" phần đầu và máy ghép với phần thùng xe tự đóng. Loại xe này sử dụng giấy tờ của môtô, không hợp quy và ngày càng nhiều.
Bình luận (0)