Sáng 1-12, Đội CSGT Bình Triệu (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP HCM) đã tiến hành kiểm tra, xử lý các phương tiện xe 3 bánh và xe thô sơ 3-4 bánh lưu thông trên qua địa bàn. Chỉ tính riêng ở điểm kiểm tra ngay ngã tư Bình Phước (phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP HCM), trong khoảng 30 phút đã có 4 trường hợp bị tạm giữ phương tiện.
Đó là "cần câu cơm"
Cụ thể, lúc 10 giờ, phát hiện chiếc xe 3 bánh chở các cọc inox dài, lòi hai đầu trước sau so với thân xe ba gác, các đầu inox đều không được bao bọc, CSGT đội Bình Triệu ra hiệu dừng xe. Vừa bước xuống, ông Hùng (chủ xe) vội phân trần rằng ông biết chở như vậy là nguy hiểm nhưng giờ tiền học của con, tiền trọ chỉ trông chờ vào mấy đồng tiền chạy xe của ông bởi dịch bệnh khiến vợ ông không buôn bán được. "Tôi thì lớn tuổi, sức khỏe không cho phép đi phụ hồ. Mình lại sinh ra trong những năm khó khăn, không có điều kiện học hành thành ra bây giờ chỉ bám vào chiếc xe để sống thôi. Hôm nay, có anh ở ngay góc đường này kêu chở qua cho ảnh, tôi mới làm liều. Cuốc xe có 100.000 đồng mà giờ bị tạm giữ phương tiện thì vài ngày tới lấy đâu ra tiền trang trải cuộc sống" - ông Hùng thở dài lo lắng.
Ông Hùng cho biết ông cùng vợ và hai con (đang học đại học và lớp 12) rời quê Tiền Giang lên TP HCM sinh sống hơn 10 năm nay. Chừng đó thời gian, ông mưu sinh bằng nghề chạy xe ba gác máy. Ngày thường, ông Hùng hay đậu xe ở gần khu vực này để chở hàng cho khách ở chợ đầu mối.
Đội CSGT Bình Triệu (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP HCM) kiểm tra các xe 3 bánh và xe thô sơ 3-4 bánh sáng 1-12 Ảnh: Ý LINH
Cùng thời điểm này, lực lượng CSGT phát hiện anh Nam sử dụng một chiếc xe máy không biển số, không gương chiếu hậu kéo theo thùng xe chứa hơn 100 kg rau củ. Bị CSGT ra hiệu dừng xe, anh Nam không xuất trình được giấy tờ xe liên quan. Lúc này, người đàn ông mếu máo cho hay đang trên đường chở rau củ từ chợ đầu mối về nhà bán, nếu không về kịp rau củ sẽ hư hết. Anh Nam cho biết dù chiếc xe của mình cũ kỹ nhưng là phương tiện để kiếm sống của gia đình. Anh liên tục xin CSGT bỏ qua để chạy xe về nhưng CSGT đã tạm giữ phương tiện và yêu cầu anh Nam bổ sung giấy tờ, mang đến đội CSGT để được giải quyết.
Cũng tại địa điểm này, lực lượng chức năng phát hiện bà Búp (ngụ Bình Dương) chạy xe máy kéo theo thùng phía sau chất đầy ve chai, bìa các-tông và chiếc tivi cũ lưu thông qua khu vực. Chiếc xe hàng cồng kềnh gây nhiều ái ngại cho những người xung quanh. "Bình thường, tôi đi bằng xe đạp, khi nào nhiều hàng mới đi bằng xe máy. Giờ có cái xe để mưu sinh mà bị tịch thu rồi không biết làm sao" - bà Búp nói như khóc. Theo biên bản vi phạm, xe máy của bà Búp không có biển số, không có còi xe, không có gương chiếu hậu, không có đèn chiếu sáng gần - xa… Do đó, bà Búp bị CSGT tạm giữ phương tiện.
Có mặt tại chốt xử lý vi phạm, trung tá Nguyễn Đoàn Phúc, Phó Đội trưởng Đội CSGT Bình Triệu, cho biết do địa bàn đội đảm trách có khu vực chợ đầu mối nên các loại xe 3 bánh, xe thô sơ tự chế 3-4 bánh lưu thông qua đây rất nhiều. Hầu hết những trường hợp bị CSGT yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra vi phạm các lỗi: Đi ngược chiều, lưu thông vào tuyến đường cấm, chở hàng cồng kềnh…
Sẵn sàng chuyển đổi nếu được tạo điều kiện
Trở lại câu chuyện của anh Nguyễn Văn Huy (nhân vật trong bài "Gia hạn tồn tại xe thô sơ 3-4 bánh: Nặng về cảm tính!", đăng ngày 1-12), chiều 1-12, anh điện thoại cho chúng tôi nói cả ngày, anh không dám nhận hàng với lý do sợ bị tịch thu xe, bởi anh hay tin CSGT bắt đầu tăng cường kiểm tra xe 3 bánh theo đề nghị của Sở Giao thông Vận tải TP HCM. "Không ai muốn phải sống trong cảnh lo sợ bị mất "cần câu cơm" bất cứ lúc nào. Thế nhưng, xe nhập từ Trung Quốc về không còn nên để duy trì, sau khi bán chiếc xe 3 gác máy tự chế, tôi và nhiều người khác phải nhờ đến các cơ sở cơ khí để tự đóng xe giống xe nhập theo kiểu "giấy mẹ bông con" chứ có xe hợp lệ giá tầm 70-80 triệu thì cũng ráng mua ngay để mưu sinh" - anh Huy bày tỏ.
Theo anh Huy, để tạo sinh kế cho người lao động nhập cư như anh và nhiều người khác theo tinh thần chưa "khai tử" xe thô sơ 3-4 bánh của Sở Giao thông Vận tải TP HCM sau năm 2025 như đã từng dự kiến, TP HCM cần nghiên cứu cho "xe lỡ đóng" như xe anh được trở nên hợp pháp, để yên tâm hành nghề. "Tôi cũng không dám yêu cầu quá đà, chỉ cần khi thành phố ra đời xe hợp chuẩn để chúng tôi chuyển đổi phương tiện là chúng tôi lập tức chuyển đổi. Lúc này, chiếc xe 3 bánh tự đóng của tôi coi như không còn hợp pháp" - anh Huy nói.
Tương tự, anh Trần Văn Tưởng (ngụ TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho hay sáng 1-12, khi vừa thấy CSGT lập điểm kiểm tra xe thô sơ 3-4 bánh ngay ngã tư Bình Phước (TP Thủ Đức) là từ xa, anh lập tức quay đầu xe về nhà. "Cả nhà tôi 3 người, những ngày này lệ thuộc hoàn toàn vào những cuốc xe chở thuê. Giờ CSGT kiểm tra gắt kiểu này thì tới đây không biết mưu sinh cách nào" - anh Tưởng buồn rầu.
Theo anh Tưởng, tuy cư ngụ ở Bình Dương nhưng thực tế anh mưu sinh chính là ở TP Thủ Đức, TP HCM suốt 7 năm qua. Cũng như anh Huy, do không thể mua xe 3 bánh hợp lệ, anh Tưởng phải đặt cơ sở cơ khí đóng xe cho giống xe hợp lệ để chạy. Anh cũng mong muốn chính quyền TP HCM hoặc Bình Dương tạo điều kiện cho anh được hợp pháp hóa xe, hoặc sớm sản xuất được xe 3-4 bánh hợp chuẩn, hợp quy với giá vừa phải bán cho người dân. "Sống trong lo sợ kiểu này cũng tổn hại sức khỏe lắm. Giờ có mẫu xe hợp chuẩn, hợp quy, hợp pháp là giá nào tôi cũng chuyển đổi" - anh Tưởng nói.
Không ai nhận chở ngoài xe 3 bánh!
Theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi bị tạm giữ phương tiện, ông Hùng đã điện thoại liên hệ đủ nơi nhưng cuối cùng vẫn phải nhờ một xe 3 bánh khác đến chở hàng đến nơi cần chở.
"Hàng này, không ai nhận chở ngoài xe 3 bánh đâu" - anh Thanh, một người dân ở khu vực ngã tư Bình Phước nói. Theo anh Thanh, nếu xe tải mà nhận chở số cọc trên thì phải từ 500.000 đến 700.000 đồng chứ không phải là 100.000 đồng như cuốc xe ông Hùng nhận. Như vậy, giá cả sẽ leo thang theo phí vận chuyển.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-12
Bình luận (0)