Ở Đồng Tháp, một số nơi đã thu hoạch lúa hè thu, giá lúa tươi tại ruộng đối với giống IR50404 được thương lái thu mua 5.500 đồng/kg, lúa Đài thơm 5.800 đồng/kg, tăng từ 200-300 đồng/kg so với tháng trước. Nhiều nông dân tỏ ra tiếc nuối khi trước đó họ đã bán lúa đông xuân với giá thấp, bây giờ giá lúa tăng, họ không còn để bán do không trữ được.
Theo ông Nguyễn Công Lý, một thương lái ở Đồng Tháp, năng suất lúa hè thu không cao bằng vụ đông xuân, vào khoảng 6 tấn/ha. Tuy vậy, với giá lúa như trên thì nông dân lời khoảng 15 triệu đồng/ha.
Tại An Giang, lúa IR50404 cũng được mua tại ruộng 5.500 đồng/kg (tăng 100 đồng/kg), lúa OM5451 5.700 đồng/kg (tăng 100 đồng/kg). Tại Kiên Giang, lúa IR50404 có nơi mua vào 5.800 đồng/kg (tăng 300 đồng/kg), lúa OM4218 từ 6.600 - 6.800 đồng/kg (tăng 500 đồng/kg); lúa OM6976 từ 6.600 - 6.700 đồng/kg (tăng 300 đồng/kg)...
Giá lúa tăng do doanh nghiệp (DN) tăng thu mua để chế biến thành gạo xuất khẩu sau khi Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo bình thường trở lại vào đầu tháng 5. Trước đó, khi Chính phủ có chủ trương tạm dừng xuất khẩu gạo thì giá lúa giảm theo.
Từ việc giá lúa tăng giảm theo chính sách điều hành, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nông dân được lợi, nhất là việc chủ động tích trữ lúa, thay vì có bao nhiêu bán bấy nhiêu tại ruộng?
Một số nông dân cho rằng dù giá lúa xuống thấp họ vẫn phải bán vì phải thanh toán nợ vật tư, vốn vay ngân hàng. Thêm vào đó, nông dân lâu nay chỉ bảo quản lúa với sản lượng nhỏ và thường bán lúa cho thương lái sau thu hoạch nên gần như không có nhiều lúa dự trữ để bán khi giá cao.
Hơn thế nữa, phổ biến hiện nay là thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng rồi bán lại cho DN. Câu hỏi đặt ra là vì sao nông dân không gửi lúa vào kho trữ lương thực (silo) của DN để tạm trữ lúa từ 3-4 tháng? Một chuyên gia nông nghiệp cho rằng nếu làm được việc này sẽ rất có lợi cho nông dân trong việc chủ động tích trữ lúa. Vấn đề là họ không mặn mà với việc này. Điển hình là vài năm trước, tại An Giang có xây dụng 3 cụm kho với sức chứa hơn 9.000 tấn, nông dân muốn tồn trữ có thể gửi vào đây. Số lúa gửi vào kho làm tài sản thế chấp, nông dân có thể vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Thế nhưng, như đã nói, nông dân đã có thói quen bán lúa tươi tại ruộng nên 3 cụm kho chứa này không phát huy tác dụng.
Qua tính toán của các chuyên gia ngành nông nghiệp, để xây kho tồn trữ 1 triệu tấn lúa cần tới 2.000 tỉ đồng. Nhưng nếu đầu tư kho trữ thì mỗi kg lúa lãi thêm 300 đồng, 1 triệu tấn lúa sẽ lãi thêm 300 tỉ đồng mỗi vụ. Có điều hiện nay, dù là nước sản xuất lúa gạo nhưng chúng ta vẫn còn thiếu các silo để trữ mặt hàng này. Bên cạnh đó, thay vì tồn trữ lúa thì DN lại tồn trữ gạo vì gạo có thời gian bảo quản ngắn hơn lúa. Thiếu hệ thống kho, cùng với thiếu máy móc để thu hoạch, phơi sấy, xay xát, thiếu thông tin về thị trường... nên khi giá lúa tăng thì nông dân không được hưởng lợi; còn khi cung vượt cầu, giá lúa xuống thấp thì... lao đao.
Bình luận (0)