Khát vọng hòa bình là khát vọng chung của mỗi con người và của tất cả các quốc gia, dân tộc; bởi như Hồ Chí Minh từng viết trong "Nhật ký hành trình" (1946): "Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều thì dân nào cũng giống nhau. Ấy là dân nào cũng ưa sự lành và ghét sự dữ".
"KẺ THÙ BUỘC TA ÔM CÂY SÚNG"...
Một thực tế ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, là hòa bình gắn liền với độc lập, thống nhất, hòa hợp dân tộc. Nghĩa vụ của mỗi nhà nước là tạo ra hòa bình trong biên giới của mình, từ đó liên kết thành khu vực hòa bình để mở rộng thành thế giới hòa bình.
Chiến tranh - dù là chiến tranh chớp nhoáng hay kháng chiến trường kỳ, tổn thất sức người sức của là không tránh khỏi; dù thắng hay thua, bên nào cũng có mất mát về vật chất, tinh thần. Vì thế, giá của hòa bình không đong đếm được qua một cuộc chiến; trải qua nhiều cuộc chiến liên tiếp như ở Việt Nam càng khó định lượng được giá đắt của nó.
Chỉ tính thời hiện đại, Việt Nam ngay sau khi có tên trên bản đồ thế giới đã phải tiến hành liên tiếp các cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm.
Với niềm khát khao cháy bỏng về hòa bình, đất nước, dân tộc và nhân dân Việt Nam luôn thể hiện thiện chí muốn "làm một quốc gia tự do" trong khối Liên hiệp Pháp, muốn "hợp tác đầy đủ" với Mỹ vì hòa bình, tiến bộ và phát triển. Ngay trong năm đầu của nền dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Quốc hội Việt Nam đã sang tận nước Pháp tìm kiếm mọi cơ hội đàm phán với chính phủ Pháp, thuyết phục chính giới Pháp nhằm giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ cho Việt Nam bằng hòa bình.
Việt Nam buộc phải đứng lên kháng chiến chống ngoại xâm để tranh lấy hòa bình. Mở đầu cuộc kháng chiến lần thứ nhất lý do thiện chí "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!". Vì thế nhân dân Việt Nam "thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...". Bước vào cuộc kháng chiến lần thứ hai, nghị quyết để chuyển thế chiến lược là nghị quyết về hòa bình (Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15, năm 1959 "về tăng cường đoàn kết, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà").
Thống nhất nước nhà bằng biện pháp hòa bình sẽ bớt đổ nhiều xương máu. Nhưng kẻ thù quyết tâm lập lại chế độ thuộc địa, quyết tâm chia cắt đất nước, thực dân và đế quốc đem hàng triệu tấn bom, đạn, hàng triệu lít chất độc hóa học đến trút lên đất nước Việt Nam, giết hại nhân dân Việt Nam. Đất nước bị đẩy vào thế buộc phải cầm súng chiến đấu vì hòa bình, thống nhất, độc lập tự do.
Có lúc tưởng như hòa bình thật sự đã đến sau Hiệp định Paris với việc "Mỹ cút" thì "ngụy nhào". Nếu không tiếp tục con đường cách mạng bạo lực để tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thì không thể gạt bỏ được những cản trở cuối cùng trên con đường hòa bình, thống nhất Tổ quốc.
Thậm chí sau ngày 30-4-1975, đất nước phải tiến hành hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở hai đầu biên giới. Chỉ khi giúp nước bạn lật đổ chế độ diệt chủng dã man tàn bạo và đánh bại cuộc chiến cổ truyền "lấy thịt đè người", nền hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam mới được bảo đảm bền vững.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ ở TP HCM thu hút đông người dân đến vui chơi vào những ngày cuối tuần. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
HÒA BÌNH, HÒA HỢP
Nhạc sĩ Văn Cao gọi mùa xuân hòa bình sau ngày 30-4-1975 là "Mùa xuân đầu tiên" với "Mùa bình thường mùa vui nay đã về", "Người mẹ nhìn đàn con nay đã về". Hòa bình trở lại "mùa bình thường" ấy là vô giá, bởi đã được đổi bằng "lớp cha trước, lớp con sau; đã thành đồng chí chung câu quân hành" với hàng triệu người Việt Nam hy sinh cho hòa bình độc lập tự do.
Hòa bình đã mở đầu cho hòa hợp dân tộc - một truyền thống khoan dung, nghĩa tình của dân tộc từ xa xưa. Còn nhớ nhà Trần sau chiến thắng giặc Nguyên Mông, bắt được cả một hòm biểu xin hàng, nhưng Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc. Lại thấy Nguyễn Trãi dặn "Lấy khoan hồng để bụng hiếu sinh".
Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi lên đường sang thăm và đàm phán với nước Pháp đã viết thư "khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Năm ngón tay cũng có ngón vắn ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ". Người lãnh đạo cao nhất của Đảng ngay từ khi Hiệp định hòa bình được ký kết đã trăn trở về "Vấn đề lớn nhất sau chiến tranh cần phải làm là hòa hợp dân tộc".
20-30 năm chiến tranh liên miên với hậu quả nặng nề khó khắc phục; ngay cả mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử cũng không dễ xóa bỏ. Nhưng hòa bình và "mùa vui nay đã về" mở ra nền thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp, non sông nối liền một dải. Người ra đi cũng vẫn là "một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam"; cùng người ở lại "Lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh" làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước". Thời hiện đại hiếm có hậu chiến hòa bình, hòa hợp dân tộc ở đâu như Việt Nam sau năm 1975.
Từ đó, hòa bình đưa một đất nước từ đổ nát, chia cắt, kiệt quệ sau chiến tranh, nghèo nàn, lạc hậu, trì trệ trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa chống "giặc Bắc, giặc Nam" vừa chế ngự thiên nhiên vừa giữ đất biên cương vừa chuyển sang con đường đổi mới, tiến tới phát triển và hội nhập quốc tế.
Từ đó, hòa bình mở ra quá trình từ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc đến tự chủ lương thực và xuất khẩu gạo, trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất, nhì thế giới, kinh tế ổn định và phát triển, có sự bứt phá của các ngành: dầu khí, may mặc, giày da, thủy sản, nông sản...
Từ đó, hòa bình dẫn dắt một nước bao vây bị cấm vận, từng bước thực hiện khép lại quá khứ, hướng tới tương lai; Việt Nam bình thường hóa quan hệ với tất cả các nước từng gây ra chiến tranh với mình, gia nhập WTO, tham gia ngày càng sâu rộng vào các "sân chơi", các diễn đàn khu vực và quốc tế, trở thành thành viên tích cực của ASEAN và Liên Hiệp Quốc.
Trong bối cảnh đại dịch, Việt Nam vẫn hòa bình và ổn định, được coi là điểm sáng về thực hiện "mục tiêu kép" vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch Covid-19 vừa phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân.
Hòa bình là vô giá bởi giá trị của nó không phải chỉ là khó lượng hóa, mà còn là điển hình của cả dân tộc Việt Nam anh hùng trong chiến tranh, nay chuyển sang thời kỳ xây dựng phát triển để đất nước "có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế".
Giữ nước từ lúc chưa nguy
Hòa bình vẫn luôn bị đe dọa và nhiều thách thức, đòi hỏi phải cảnh giác, bảo vệ và gìn giữ hòa bình, phải "chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa".
May thay ở Việt Nam, bảo vệ Tổ quốc, "giữ nước từ lúc nước chưa nguy" đã trở thành truyền thống dân tộc, từ thời các vua Hùng "có công dựng nước" đến thời hiện đại quân dân vẫn "cùng nhau giữ lấy nước". Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Qua cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ nhưng rất anh dũng mới có độc lập, hòa bình, nên phải xây dựng và bảo vệ cho tốt".
Bình luận (0)