xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lộc Ninh - thủ phủ Cách mạng Miền Nam

PGS-TS HỒ SƠN ĐÀI

Lộc Ninh là nơi tập trung nhiều cơ quan chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội của cách mạng miền Nam cho đến ngày 30-4-1975

Là huyện miền núi phía Tây - Bắc của tỉnh Bình Phước, Lộc Ninh nằm án ngữ trên Quốc lộ 13, cách TP HCM 100 km đường chim bay, có đường biên giới tiếp giáp huyện Snoul, tỉnh Kratíe và huyện Memot, tỉnh Kam-pong Cham (nay là tỉnh Tbong Khmum) của Vương quốc Campuchia.

Địa điểm hoạt động đối ngoại của Chính phủ

Để trấn giữ cửa ngõ xuyên biên giới quan trọng này, quân đội Sài Gòn xây dựng một cụm cứ điểm gồm 1 chi khu quân sự, căn cứ Chiến đoàn 8, trại biệt kích, trận địa hỏa lực, khu tiếp liệu và sân bay dã chiến. Ngoài ra, chúng còn bố trí căn cứ của Chiến đoàn 9, 1 tiểu đoàn biên phòng, 1 đại đội trinh sát, 1 đại đội công binh, 1 trung đoàn thiết giáp, 1 tiểu đoàn pháo binh, chưa kể lực lượng bảo an, cảnh sát và khối nhân viên hành chính quận. Năm 1972, trong chiến dịch Nguyễn Huệ, Sư đoàn bộ binh 5 chủ lực quân giải phóng miền Nam đã tổ chức tiến công tiêu diệt hoàn toàn cụm cứ điểm này.

Sau khi Lộc Ninh giải phóng (ngày 7-4-1972), Trung ương Cục miền Nam họp với Phân khu ủy Bình Phước quyết định chọn Lộc Ninh làm địa điểm hoạt động đối ngoại của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Từ đây, Lộc Ninh trở thành nơi tập trung nhiều cơ quan chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - xã hội của cách mạng miền Nam cho đến ngày 30-4-1975.

Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đặt hội trường làm việc tại một ngôi nhà nằm ở trung tâm thị trấn Lộc Ninh. Hội trường ở Lộc Ninh được xây dựng trên nền văn phòng làm việc của một công ty tư bản Pháp - Công ty Cao su Viễn Đông (Société de Caoutchoues d’Extrêne-Orient), do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát vẽ thiết kế. Ngôi nhà gồm 2 tầng, được xây dựng theo lối nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, nên dân trong vùng vẫn quen gọi là "nhà cao cẳng".

Đây là nơi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đón tiếp các phái đoàn ngoại giao trong và ngoài nước, địa điểm làm việc với các phái đoàn của Ủy ban Quốc tế về kiểm soát và giám sát đình chiến Việt Nam (ICCS, gồm: Ba Lan, Canada, Hungary, Indonesia); Ban Liên hiệp Quân sự trung ương bốn bên (Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng hòa); Ban Liên hiệp Quân sự trung ương hai bên (Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa). Hội trường vì vậy còn được gọi là "nhà giao tế".

Tại nhà giao tế, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đấu tranh đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn thực hiện các điều khoản của Hiệp định Paris như: việc trao trả người bị bắt và giam giữ, vấn đề mồ mả và người mất tích; đình chỉ các hoạt động lấn chiếm, ném bom phá hoại; rút hết quân Mỹ và đồng minh của Mỹ ra khỏi Việt Nam, trao trả hết tù binh đúng thời gian quy định.

Lộc Ninh - thủ phủ Cách mạng Miền Nam - Ảnh 1.

Hội trường Bộ Chỉ huy Miền nằm trong Khu Di tích quốc gia đặc biệt Bộ Chỉ huy Miền Tà Thiết (Bình Phước) luôn thu hút khách tham quan. Ảnh: DUYÊN ĐỖ

Nơi bàn chuyện đại sự

Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam (gọi tắt là Bộ Tư lệnh Miền) đặt sở chỉ huy tại xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh. Căn cứ Bộ Tư lệnh Miền cách thị trấn Lộc Ninh 13 km đường chim bay về phía Tây Nam, nằm trong khu rừng già giáp biên giới Việt Nam - Campuchia; người dân địa phương thường gọi là "rừng Chính phủ".

Khu căn cứ rộng 16 km2, thuộc địa phận sóc Tà Thiết nên còn được gọi là căn cứ Tà Thiết. Trong căn cứ, có hội trường, phòng họp của Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền, nhà ở và làm việc của Bí thư Trung ương Cục kiêm Chính ủy Phạm Hùng, Tư lệnh Trần Văn Trà, các Phó Tư lệnh Lê Đức Anh, Nguyễn Thị Định… với hệ thống công sự phòng thủ, hào giao thông nối liên hoàn với nhau.

Tại đây, Bộ Tư lệnh Miền chỉ đạo các lực lượng vũ trang chiến đấu trừng trị quân đội Sài Gòn vi phạm Hiệp định; đề ra kế hoạch quân sự mùa khô 1973-1974 và toàn năm 1974, chỉ đạo các lực lượng vũ trang đánh địch bình định lấn chiếm, mở rộng hành lang tiếp nhận chi viện từ miền Bắc vào và hành lang thông nối đến các chiến trường; tiến công giải phóng đường 14 và tỉnh Phước Long, đóng góp ý kiến hoàn chỉnh kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam; chỉ đạo các lực lượng vũ trang phối hợp tiến công và nổi dậy, thực hành đòn chia cắt chiến lược ở Xuân Lộc và Tân An, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, giải phóng đồng bằng sông Cửu Long và các đảo, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Để phục vụ hoạt động đối ngoại của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, chúng ta xây dựng một sân bay tại thị trấn Lộc Ninh, trên cơ sở cải tạo lại sân bay dã chiến của Mỹ và quân lực Việt Nam Cộng hòa trên một khu đồi bằng phẳng rộng trên 5.000 m2.

Sân bay Lộc Ninh là nơi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thường xuyên đón các đoàn khách trong và ngoài nước, các nhà báo đến thăm vùng giải phóng; nơi hạ cất cánh của các chuyến bay chở các phái đoàn thuộc Ban Liên hợp Quân sự trung ương bốn bên và hai bên, các phái viên của Ủy ban Quốc tế về kiểm soát và giám sát đình chiến Việt Nam; nơi đồng bào Lộc Ninh tiễn phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Trung tướng Trần Văn Trà dẫn đầu về Sài Gòn dự phiên họp đầu tiên của Ban Liên hiệp Quân sự bốn bên tại trại Davis; và là nơi Chính phủ Cách mạng trao trả tù binh cho địch, đón nhận những chiến sĩ cách mạng từ các nhà tù của Mỹ và Việt Nam Cộng hòa trở về.

Ngoài ra, tại Lộc Ninh còn có căn cứ của các cơ quan chính trị như báo chí, đoàn văn công; căn cứ các tổ chức kinh tế như đoàn hậu cần khu vực, cơ sở sản xuất, bệnh viện, kho tàng. Lộc Ninh còn là nơi tập kết nguồn chi viện hậu cần - kỹ thuật của hậu phương miền Bắc cho chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ, trong đó có đường ống dẫn xăng dầu Bắc - Nam (khởi từ Bến Thủy - Nghệ An qua quãng đường hơn 1.400 km với 115 trạm bơm đẩy đến Bù Gia Mập, từ đây vận chuyển về Lộc Ninh, tại tổng kho VK 98 xã Lộc Quang (7 bồn) và tổng kho VK 99 xã Lộc Hòa (10 bồn), mỗi bồn cao 3,5 m, đường kính 10 m với sức chứa 250.000 lít.

Đánh giá vai trò của thủ phủ Lộc Ninh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong cuốn "Lộc Ninh - lịch sử và truyền thống" do Ban Thường vụ Huyện ủy Lộc Ninh ấn hành, Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, viết: "Nơi đây trở thành trung tâm chính trị quan trọng, nơi đặt cơ quan lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Bộ Chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, Sở Chỉ huy cơ bản Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đoạn cuối của con đường Hồ Chí Minh nối liền hậu phương lớn với tiền tuyến lớn".

Trước năm 1973, thủ phủ của cách mạng miền Nam đặt tại căn cứ Chàng Riệc - Tây Ninh, một khu vực nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia, cách thị xã Tây Ninh khoảng 60 km về phía Bắc. Từ sau cuộc tổng tiến công chiến lược năm 1972, trong đó có chiến dịch Nguyễn Huệ, tại miền Đông Nam Bộ, vùng giải phóng được mở rộng tạo thành một khu vực rộng lớn do cách mạng kiểm soát giáp với biên giới Việt Nam - Campuchia trong thế chiến lược Đông Dương là một chiến trường và kết nối trực tiếp với đường vận tải chiến lược 559 từ hậu phương lớn miền Bắc.

Tiếp đó, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Vị trí căn cứ Chàng Riệc - Tây Ninh quá xa, không còn đáp ứng được nhu cầu nắm bắt và chỉ đạo kịp thời các hoạt động kháng chiến toàn miền. Trong bối cảnh đó, Lộc Ninh được chọn làm thủ phủ của cách mạng miền Nam.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo