Vừa qua, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ đã duyệt, giao cho ngành giáo dục 65.000 chỉ tiêu giáo viên, tuyển dần trong từ nay đến năm 2026.
Chưa có chính sách đột phá thu hút giáo viên
Phóng viên: Tình trạng thiếu giáo viên từ mầm non đến phổ thông vẫn diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Dưới góc nhìn của một chuyên gia giáo dục, ông lý giải nguyên nhân của tình trạng này như thế nào?
- TS HOÀNG NGỌC VINH: Tình trạng thiếu giáo viên là một thách thức nhiều năm qua của ngành giáo dục.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ GD-ĐT
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, trong đó có thể kể đến là việc tăng dân số tự nhiên. Năm học 2022 - 2023, số trẻ đến trường tăng thêm 132.245 - tương đương cần tăng thêm khoảng 5.500 giáo viên. Ở cấp tiểu học, tỉ lệ lớp học 2 buổi/ngày năm học 2022 - 2023 tăng 4,6% so với năm học trước - cần tăng thêm khoảng 3.000 giáo viên. Cấp THPT tăng 669 lớp so với năm học trước - cần tăng thêm khoảng 1.500 giáo viên.
Trong khi đó, tại các địa phương, chỉ tiêu phân bổ giáo viên đa số không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy ở nhiều cơ sở giáo dục. Việc thực hiện yêu cầu của Chính phủ về tinh giản biên chế 10% cũng làm tình trạng thiếu giáo viên càng chậm được khắc phục. Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng, chưa có chính sách đột phá thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn; thiếu nguồn tuyển hoặc có nguồn đã được đào tạo nhưng không dự tuyển vì chọn các nghề khác...
Giải pháp nào có thể khắc phục tình trạng này, thưa ông?
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 102/2020/NQ-CP về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Trong đó, cho phép các cơ sở giáo dục được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao, theo định mức quy định để kịp thời thay cho số thầy cô nghỉ thai sản, nghỉ hưu theo chế độ và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày).
Tôi được biết Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế cho viên chức ngành giáo dục; hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Bộ GD-ĐT còn yêu cầu các cơ sở đào tạo giáo viên mở mã ngành đào tạo các môn học mới và các ngành đào tạo giáo viên dạy liên môn. Ngoài ra, tăng cường liên hệ, kết nối với cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục ở địa phương nhằm xác định nhu cầu sử dụng giáo viên cụ thể theo từng trình độ, môn học, cấp học để có kế hoạch tuyển sinh và đào tạo, bồi dưỡng một cách phù hợp, bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu từng môn học, cấp học.
Tình trạng thiếu giáo viên là một thách thức trong nhiều năm qua của ngành giáo dục. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Một giải pháp quan trọng nữa là các địa phương cần tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, bảo đảm số lượng và chất lượng. Trong đó, ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu. Sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương để bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa - thiếu cục bộ.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD-ĐT và các địa phương tiếp tục rà soát, xác định số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu đến năm 2026. Đồng thời, báo cáo Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế cần bổ sung đến năm 2026...
Bảo đảm thu nhập
Theo ông, làm thế nào để cải thiện chế độ lương và phụ cấp đối với giáo viên?
- Chúng tôi đã từng đặt vấn đề: Tại sao nhiều giáo viên chọn nghỉ việc hoặc bỏ việc? Câu trả lời là lương thấp, áp lực công việc ngày càng tăng - ngoài dạy học còn rất nhiều việc khác nữa dẫn đến quá tải và một số giáo viên bị vắt kiệt sức.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất thiếu; giáo viên đối diện nhiều áp lực từ phụ huynh, học sinh; thiếu sự quan tâm, bồi dưỡng; căng thẳng về cảm xúc và tinh thần cũng như vô vàn lý do khác như thay đổi nguyện vọng nghề nghiệp, vấn đề cá nhân... Cả các chính sách về nâng bậc lương chưa hợp lý theo quy định phân loại tiêu chuẩn nghề nghiệp cũng tác động đến nhiều người. Giáo viên cần có tiền để trang trải cuộc sống gia đình và bản thân nhưng việc dạy thêm không được phép đã ảnh hưởng đến thu nhập của một bộ phận thầy cô.
Theo tôi, chế độ lương và phụ cấp là một nguyên nhân quan trọng. Chế độ lương của giáo viên hiện hành được thực hiện theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP như viên chức các ngành, lĩnh vực khác. Ngoài ra, giáo viên còn được hưởng chế độ ưu đãi nghề và phụ cấp thâm niên đặc biệt. Tuy nhiên, với chế độ lương và phụ cấp như hiện nay chưa tạo được động lực để giáo viên yêu nghề, cống hiến cho sự nghiệp đổi mới.
Theo tôi biết, Bộ GD-ĐT đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất Chính phủ tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học để bảo đảm thu nhập cho họ cho đến khi chính sách tiền lương mới được ban hành.
Để bảo đảm chất lượng dạy và học, cần có giải pháp gì chuẩn bị giáo viên dạy môn học mới?
- Trước mắt, để thực hiện dạy môn khoa học tự nhiên, lịch sử - địa lý, công nghệ - tin học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần phải bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp hơn, chứ không bồi dưỡng kiểu "chuồn chuồn đạp nước" như thời gian qua để thầy cô có thêm năng lực và không chịu áp lực quá lớn khi dạy tích hợp. Không thể thay thế giáo viên các môn lý, hóa, sinh, sử, địa.
Về lâu dài, Bộ GD-ĐT cần giao cho các cơ sở liên quan mở mã ngành đào tạo giáo viên các môn tin học và công nghệ (cấp tiểu học), khoa học tự nhiên, sử và địa (cấp THCS). Như tôi biết, nhiều cơ sở đào tạo giáo viên đã mở mã ngành và đang đào tạo để phát triển, thay thế cho số thầy cô nghỉ hưu và bổ sung nguồn tuyển dụng cho các địa phương.
Tiền lương, phụ cấp rất thấp
Năm học qua, cả nước có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc, gồm 10.094 người nghỉ hưu và 9.295 người nghỉ việc.
Theo nhiều thầy cô, việc xác định định mức giáo viên chưa phù hợp; chế độ tiền lương, phụ cấp, nhất là cho người dạy mầm non, tiểu học và giáo viên mới, rất thấp, không tương xứng với cường độ, áp lực công việc và trình độ đào tạo, chưa tạo động lực cho nhiều người yêu nghề và cống hiến cho sự nghiệp đổi mới. Một phần còn do tác động của Luật Giáo dục sửa đổi, đòi hỏi trình độ người dạy mầm non và phổ thông phải đạt chuẩn mà không tính đến điều kiện thực tế của địa phương, gây ra khó khăn nhất định trong tuyển chọn thầy cô và giữ chân các giáo viên khác.
Hơn 6.200 ý kiến của giáo viên gửi tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT
Ngày 15-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn sẽ có buổi gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục (trực tuyến trên cả nước). Sự kiện này là dịp để nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục nói lên tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình công tác.
Bộ GD-ĐT cho biết thông qua Công đoàn Giáo dục Việt Nam từ trung ương đến địa phương, bộ đã tiếp nhận hơn 6.200 ý kiến. Trong đó, khoảng 6.000 ý kiến từ các cấp học mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt và hơn 200 ý kiến từ các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.
Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề lớn, như: Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 (dạy học các môn tích hợp, bố trí giáo viên, tổ chức các cuộc thi trong nhà trường...); chế độ, chính sách cho nhà giáo (tiền lương, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non...).
Đối với giáo dục đại học, các ý kiến tập trung vào các nhóm vấn đề: Tự chủ đại học và vai trò đội ngũ giảng viên trong việc thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; chuyển đổi số trong giáo dục và thích ứng của các trường đại học với chuyển đổi số; cơ sở vật chất, quy hoạch mạng lưới...
Bình luận (0)