Ngày 22-11, liên quan đến vụ vỡ quỹ tín dụng tại Đồng Nai, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, đã cung cấp thêm một số thông tin. Vào năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đã tổ chức thanh tra tại Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình và phát hiện nhiều sai phạm. Sau đó, quỹ này đã bị xử phạt hành chính, lãnh đạo bị nhắc nhở; yêu cầu phải khắc phục, chấn chỉnh việc huy động vốn.
Tuy nhiên, ông Vũ Công Liêm, Giám đốc Quỹ tín dụng Thái Bình, vẫn tiếp tục sử dụng uy tín cá nhân và quỹ tín dụng để huy động, sử dụng tiền gửi trái với quy định.
Ông Hoàng Văn Lục gửi hơn 8 tỉ đồng vào quỹ, hiện lao đao vì không đòi lại được
Ngoài ra, ông Liêm còn thao túng quỹ, cố ý làm trái để tư lợi, chỉ đạo nhân viên làm sai, làm giả hồ sơ để rút tiền dùng vào mục đích cá nhân.
Trước việc Quỹ tín dụng Thái Bình mất khả năng chi trả 50 tỉ đồng cho 80 khách hàng, ngân hàng đã đề nghị tịch thu tài sản của ông Liêm để xử lý. Hiện các bên vẫn đang tiếp tục bàn thảo, tìm hướng giải quyết.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, Quỹ tín dụng Thái Bình được thành lập vào năm 1994, hoạt động theo mô hình hợp tác xã.
Như Báo Người Lao động đã thông tin, ngày 20-11, gần cả trăm người dân đã tập trung trước phòng giao dịch Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình (phường Tân Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để đòi tiền. Lực lượng công an sau đó phải đến để vãn hồi an ninh trật tự.
Hiện đã xác định có khoảng 80 nạn nhân gửi khoảng 50 tỉ đồng vào Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình nhưng chưa đòi lại được. Ông giám đốc quỹ đã biến mất.
Bình luận (0)