Ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá
Ngày 25-8, ông Đào Hồng Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá, Tổng cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã trao đổi với Báo Người Lao Động xoay quanh việc Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã dọa sẽ kiện cơ quan đăng kiểm tàu cá của Bộ NN-PTNT và cả các chủ tàu là các ngư dân ở Bình Định, nếu bị buộc phải thay lại vỏ tàu đối với những con tàu vỏ thép do công ty này đóng.
Trước đó, ông Lê Văn Thục, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, cho rằng khi công ty này nhập thép về, đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra và kết luận thép đạt chuẩn mác A nên đã cho làm vật liệu đóng tàu. Giờ lại bảo thép đó không đạt chuẩn mác A thì không thể chấp nhận được. Ông Thục cũng yêu cầu Trung tâm Đăng kiểm tàu cá trả lời một cách cụ thể có phải thép dùng để đóng các tàu cá này có phải là thép mác A hay không? Trung tâm Đăng kiểm tàu cá khẳng định không phải thép mác A thì phải thay nhưng đồng thời công ty cũng sẽ khởi kiện Bộ NN-PTNT ra tòa án vì chính cơ quan này kiểm định mẫu thép rồi cho công ty đóng.
Bình luận về phát ngôn này, ông Đào Hồng Đức cho rằng Trung tâm Đăng kiểm tàu cá là kiểm tra an toàn kỹ thuật theo quy trình và các bước của đơn vị. Khi đăng kiểm viên xuống kiểm tra thì thép nhập về phải có đầy đủ chứng chỉ xuất xứ, chứng chỉ chất lượng. Những chứng chỉ này là nhà máy sản xuất thép cung cấp chứ không phải là đăng kiểm viên đi lấy mẫu thép để đi thử.
"Có lẽ ở chỗ này (đăng kiểm viên lấy mẫu thép đi thử-PV) là anh Lê Văn Thục hiểu không đúng nên mới nói như thế. Còn đăng kiểm viên khi kiểm tra là kiểm tra CO, CQ và những cái này thì nhà máy sản xuất thép họ phải có các bước của họ để kiểm tra theo tiêu chuẩn chất lượng của họ, đăng kiểm viên không làm thay nhà máy được. Có lẽ lãnh đạo Công ty TNHH Đại Nguyên Dương không hiểu nên mới có phát ngôn như thế"- ông Đào Hồng Đức khẳng định.
Ông Đức cho biết cũng đã có trao đổi với ông Thục về vấn đề này và "Đúng là phía công ty họ không hiểu nên mới có phát ngôn như thế".
Trước băn khoăn về việc ông Thục có thừa nhận là đã phát ngôn không đúng hay quá lời đối với phía Trung tâm Đăng kiểm tàu cá không, ông Đức cho biết hai bên chưa trao đổi kỹ về vấn đề này. Trung tâm trao đổi để phía doanh nghiệp biết và hiểu bản chất của vấn đề, chứ trước mắt, ông Thục cũng chưa thừa nhận hay phản bác về phát ngôn về vụ việc như vậy.
Về chất lượng thép mà Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã dùng để đóng tàu cho ngư dân và quan điểm của trung tâm như thế nào về việc sẽ cho sửa chữa hay thay vỏ tàu mới đối với những con tàu kém chất lượng, ông Đức cho biết tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Bình Định vào chiều 22-8, phía Trung tâm Đăng kiểm tàu cá đã bày tỏ quan điểm và nói rất rõ về vấn đề này. Theo đó, qua thẩm định của Công ty giám định Vinacontrol thì có kết quả về cơ tính, lý tính của thép trong 4 tàu trên đạt thép mác A; về hóa học thì có 4/5 thành phần đạt thép mác A, trong đó Cacbon là quan trọng nhất cũng đạt, chỉ có thành phần Mangan là không đạt.
Về thành phần Mangan không đạt, trong quá trình kiểm tra nó có nhiều yếu tố như do hàn, cắt ở nhiệt độ cao hoặc những vấn đề khác. Rồi sau 1 năm hoạt động (chứ không phải kiểm tra nguyên bản ban đầu) không chỉ thép Trung Quốc, một số mẫu thép Hàn Quốc cũng bị thiếu Mangan.
Theo Quy chuẩn VN 21:2010/BGTVT thì thép đóng tàu có chỉ số Mangan lớn hơn hoặc bằng 2,5 Cacbon, thì Vinacontrol cho kết quả là thép của các tàu này không đạt, nhưng cũng theo quy chuẩn này thì có công thức Mangan+Cacbon chia 6 phải có kết quả dưới 0,4 thì thép này đạt.
"Trên cơ sở đó, chúng tôi đã có báo cáo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, lãnh đạo tỉnh Bình Định, khẳng định đây là thép mác A. Tuy nhiên tới đây sẽ có nhóm chuyên gia tiếp tục kiểm tra, xem xét, đánh giá tiếp nữa. Nếu thép đạt thì đề xuất cho sửa chữa. Còn nếu không đạt thì phải có phân tích cụ thể để có hướng xử lý"- ông Đức nói.
Trước đó như Báo Người Lao Động đã thông tin, sáng 24-8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Định xác nhận chính quyền địa phương, cơ sở đóng tàu và các ngư dân vẫn chưa thống nhất phương án sửa chữa, khắc phục 4 tàu vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương đóng đang bị sự cố hư hỏng, gỉ sét nặng.
Trước đó, khoảng cuối tháng 7, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định tổ chức lấy 10 mẫu thép ở phần mạn và đáy của 5 tàu vỏ thép hư hỏng do Công ty Đại Nguyên Dương đóng, để kiểm tra. Kết quả, 7 mẫu của 4 chiếc tàu do cơ sở đóng tàu này đóng không đạt chuẩn mác A.
Qua nhiều buổi làm việc với doanh nghiệp đóng tàu và ngư dân, mới đây Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã trình UBND tỉnh Bình Định 2 phương án khắc phục, sửa chữa các con tàu trên. Cụ thể, đối với tàu cá BĐ 99018 TS của ông Võ Tuân (ngụ xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ) có 2 mẫu đều đạt chuẩn mác A thì sẽ sửa chữa và sơn lại vỏ thép, công ty trả lại tiền chênh lệch giữa thép Hàn Quốc và Trung Quốc cho chủ tàu.
Đối với 4 tàu còn lại có mẫu thép không đạt chuẩn mác A, Sở NN-PTNT Bình Định đề nghị 2 phương án. Thứ nhất, thay thế các tấm thép trên vỏ thép không đạt chuẩn mác A hoặc thay thế toàn bộ vỏ thép bằng thép Hàn Quốc đạt chuẩn mác A theo hợp đồng. Thứ hai, sửa chữa, sơn lại tàu theo đúng quy trình và công ty trả lại tiền chênh lệch về vỏ tàu cho chủ tàu.
Tuy nhiên, cả 2 phương án trên đều đã bị UBND tỉnh Bình Định bác bỏ. Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết nếu làm theo phương án thứ nhất thì biết tấm nào của vỏ tàu không đạt chuẩn mác A mà tháo ra để thay thế? Còn với phương án thứ 2 thì để nguyên thép không đạt chuẩn thì con tàu đó đi biển được mấy lần? "Không thể làm ăn giả dối như thế được. Doanh nghiệp đóng tàu phải trả lại chiếc tàu theo đúng như hợp đồng cho ngư dân", ông Châu nói.
Trong khi đó, ông Lê Văn Thục, Chủ tịch HĐTV Công ty Đại Nguyên Dương, cho rằng khi công ty ông nhập thép về, đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT) đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra và kết luận thép đạt chuẩn mác A nên đã cho làm vật liệu đóng tàu. Giờ lại bảo thép đó không đạt chuẩn mác A thì không thể chấp nhận được.
"Tôi yêu cầu Trung tâm Đăng kiểm tàu cá trả lời một cách cụ thể có phải thép dùng để đóng 5 tàu cá này có phải là thép mác A hay không? Nếu đơn vị này khẳng định không phải thép mác A thì phải thay nhưng đồng thời chúng tôi cũng sẽ khởi kiện Bộ NN-PTNT ra tòa án vì chính cơ quan này kiểm định mẫu thép rồi cho chúng tôi đóng. Còn đối với các chủ tàu, hồ sơ hoàn công đóng mỗi còn tàu chỉ 14,2 tỉ đồng, giờ bắt sửa con tàu lên đến số tiền 15,8 tỉ đồng thì tôi không thể chấp nhận được. Nếu ép quá thì tôi sẽ làm hồ sơ kiện ra TAND TP Hà Nội thôi", ông Thục nói.
Bình luận (0)