Từ ngày 25-2 tới đây, Nghị định 04/2019/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng ôtô sẽ chính thức có hiệu lực. Nghị định này quy định về tiêu chuẩn và định mức sử dụng, khoán kinh phí sử dụng, thuê dịch vụ và sắp xếp lại, xử lý ôtô. Nhận khoán kinh phí sử dụng xe công được đánh giá là điểm mới trong Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng ôtô do Chính phủ mới ban hành.
Hai phương án khoán
Tình trạng mua sắm xe công không đúng tiêu chuẩn chức danh, sử dụng lãng phí, tốn kém ngân sách khiến người dân băn khoăn trong nhiều năm qua. Dù Chính phủ, các bộ ngành liên quan đã có các phương án để siết chặt mua sắm, quản lý và sử dụng xe công nhưng vẫn chưa thể khiến người dân an tâm, tin tưởng.
Quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng ôtô đã từng được quy định tại Quyết định số 32 của Thủ tướng ban hành năm 2015. Tuy nhiên, đến năm 2017, khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công có hiệu lực, Chính phủ ban hành Nghị định 04 này để hướng dẫn thi hành luật. Tuy nhiên, trong thực tế, việc triển khai Quyết định số 32 đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập, trong đó xe chuyên dùng có xu hướng tăng. Theo một báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 khóa XIV, số ôtô công tăng do mua mới, tiếp nhận trên cả nước vào năm 2017 là 2.604 chiếc, với tổng nguyên giá 2.265 tỉ đồng. Trong đó, số xe mua mới là 1.081 chiếc, trị giá 1.030 tỉ đồng. Bình quân giá mỗi chiếc xe công sắm mới là gần 1 tỉ đồng.
Do đó, nghị định lần này ban hành được kỳ vọng sẽ siết chặt công tác mua sắm, quản lý và sử dụng xe công. Một điểm mới mà Chính phủ đưa ra sẽ tăng hiệu quả sử dụng xe công, chống lãng phí, lạm dụng xe công là tự nguyện áp dụng khoán xe công từ cấp chủ tịch tỉnh. Theo nghị định này, các chức danh từ thứ trưởng, chủ tịch UBND cấp tỉnh được tự nguyện nhận khoán kinh phí sử dụng ôtô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan trung ương, Ban Thường vụ tỉnh, UBND cấp tỉnh, hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế căn cứ tình hình thực tế, phương án nhận khoán và số lượng chức danh nhận khoán kinh phí để quyết định, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Nghị định vừa ban hành được kỳ vọng sẽ khắc phục các bất cập liên quan đến xe công
Chính phủ cũng đã đưa ra 2 phương án để các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện khoán chi phí sử dụng ôtô khi đi công tác. Theo phương án khoán gọn, sẽ căn cứ khoảng cách đưa, đón đối với chức danh; tần suất đi công tác của chức danh đủ điều kiện sử dụng ôtô và đơn giá dịch vụ vận chuyển trên thị trường địa phương để xác định mức khoán cụ thể cho từng chức danh. Phương án 2 là thanh toán theo km thực tế và đơn giá dịch vụ của phương tiện vận tải tương đương trên thị trường. Việc xác định đơn giá dịch vụ của phương tiện vận tải tương đương trên thị trường để thanh toán cho các chức danh do bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty và UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định.
Theo nghị định mới, chức danh được sử dụng thường xuyên một ôtô, kể cả khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá là: Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Thủ tướng; Chủ tịch Quốc hội. Cán bộ có chức danh là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng... được sử dụng thường xuyên một ôtô trong thời gian công tác; chủng loại, giá mua ôtô trang bị cho các chức danh này sẽ do lãnh đạo Chính phủ quyết định. Trưởng ban của Đảng ở trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy... được sử dụng thường xuyên một ôtô với giá mua tối đa 1,1 tỉ đồng trong thời gian công tác.
Phải tính được hiệu quả cụ thể
Trong thời gian qua, chính sách khoán xe công đã được nhân rộng và triển khai thí điểm tại một số bộ, ngành, địa phương, bước đầu có kết quả tại một số bộ, địa phương, như: Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lai Châu, Hải Dương, Lâm Đồng, Hà Nội, TP HCM...
Tại Hà Nội, việc khoán kinh phí sử dụng ôtô phục vụ công tác chung được triển khai từ tháng 2-2017 tại các sở như: tài chính, kế hoạch và đầu tư, giao thông vận tải… Đến nay, theo tính toán ban đầu, tổng chi phí tiết kiệm so với chi phí thực tế sử dụng cùng kỳ là hơn 1,7 tỉ đồng, trung bình tiết kiệm 6,7 triệu đồng/xe/tháng. Năm đơn vị của TP HCM gồm: văn phòng ủy ban, ban quản lý an toàn thực phẩm, sở tài chính, UBND quận Bình Thạnh, UBND huyện Bình Chánh thực hiện thí điểm, khoán xe công giúp tiết kiệm ngân sách khoảng 1,2 tỉ đồng/năm.
Trao đổi với phóng viên, luật sư (LS) Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng các cơ quan, địa phương khi triển khai việc khoán cần tính toán, công bố công khai việc khoán sẽ tiết kiệm được kinh phí, giảm được bao nhiêu xe. "Không phải đăng ký chung chung, làm theo phong trào mà hiệu quả thực chất về tiết kiệm, chống lãng phí không có. Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì cần có những tổng kết, đánh giá tính hiệu quả của việc khoán xe công sau thời gian thực hiện để các cơ quan khác lấy đó làm thước đo" - LS Tuấn kiến nghị. Theo vị LS này, việc mua sắm xe công thời gian tới cũng cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn để hạn chế tình trạng tiêu chuẩn cho phép sử dụng xe 920 triệu đồng nhưng lại mua xe lên đến vài tỉ đồng.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc nhà nước bỏ chi phí cho tài xế, bảo dưỡng, sửa chữa, xăng… để "nuôi" xe công hằng năm là rất lớn. Đơn giá khoán phù hợp với giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện vận tải tương đương trên thị trường sẽ là yếu tố khuyến khích tự nguyện nhận khoán khi đi công tác.
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính):
Kiểm soát chưa chặt chẽ
Bên cạnh những nỗ lực chấn chỉnh, khắc phục của các bộ, ban ngành, địa phương; việc mua sắm, quản lý, sử dụng xe công trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Việc kiểm soát tiêu chuẩn, định mức trong đầu tư, mua sắm, tài sản công và xe công chưa được chặt chẽ, thường xuyên. Đáng chú ý có một số trường hợp trang bị, bố trí sử dụng không đúng định mức, mục đích của cơ quan, đơn vị. Trong khi đó, một số quy định không đáp ứng được yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Bên cạnh đó, việc quy định tiêu chuẩn, định mức chưa thể hiện được đặc thù của từng chức danh, từng đơn vị tương ứng với chức năng nhiệm vụ. Do đó, Nghị định 04 được ban hành sẽ khắc phục những bất cập nêu trên, tăng hiệu quả sử dụng tài sản công ở các cấp, địa phương.
PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng:
Chờ "tự nguyện" là rất khó
Nghị định của Chính phủ ban hành nêu nhiều chức danh được tự nguyện nhận khoán kinh phí sử dụng xe công. Tuy nhiên, tôi băn khoăn ở hình thức tự nguyện, liệu có nhiều cán bộ thực hiện hay không? Chính sách khoán này đã có từ khá lâu nhưng ít cán bộ tự nguyện hưởng ứng, cho đến tháng 10-2016, khi Bộ Tài chính tiên phong thì một số bộ và địa phương khác mới thí điểm. Cần có quy định cụ thể, mang tính bắt buộc đối với từng chức danh về khoán kinh phí sử dụng xe công thì mới phát huy được hiệu quả thực chất. Còn quy định mới vừa ban hành vẫn chờ đợi vào sự tự nguyện thì sẽ rất khó do khi ngồi trên chiếc xe biển xanh thì ít nhiều cũng có những quyền lợi riêng, ít có cán bộ từ bỏ. Bên cạnh đó, công tác mua sắm xe công cũng cần được thực hiện nghiêm túc theo nghị định, có sự giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng cán bộ đi xe hạng sang.
Bình luận (0)