Các phiên thảo luận trong và bên lề Hội nghị quốc tế về an toàn giao thông (ATGT) khu vực Đông Á (EASTS) lần thứ 12 tiếp tục diễn ra tại TP HCM ngày 20-9. Với thực trạng về ùn tắc, tai nạn giao thông (TNGT) đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng để giải quyết hiệu quả, nhất thiết phải đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ.
Rời rạc hoặc dừng ở mức... thí điểm
Báo cáo tham luận tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM, cho biết theo thống kê, tình hình TNGT ở TP tính từ đầu năm 2017 tới nay đều giảm cả 3 mặt về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, qua phân tích và đánh giá, có đến 82% vụ TNGT liên quan đến xe máy - cao hơn nhiều so với các TP khác ở khu vực Đông Á.
Tai nạn giao thông luôn là nỗi ám ảnh của người dân TP HCM
Ông Nguyễn Ngọc Tường đánh giá thực trạng này là một "vấn nạn" của giao thông TP HCM và qua phân tích, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức của người tham gia giao thông. Trong đó, phổ biến nhất là tình trạng người tham gia giao thông sử dụng rượu bia; chạy quá tốc độ, không đúng phần đường quy định...
Theo ông Tường, giải pháp mà Ban ATGT TP HCM cùng nhiều cơ quan quản lý đã và đang thực hiện là tập trung vào các nội dung sát thực tế để điều chỉnh hạ tầng, cải thiện ý thức của người tham gia giao thông. Song song đó là nhiều hình thức tuyên truyền mang tính ngắn gọn, dễ hiểu... Các đơn vị cũng thực hiện nhiều chuyên đề xử phạt, nhất là hành vi trực tiếp gây TNGT, đồng thời nâng cao trách nhiệm người thi hành công vụ...
Tuy nhiên, ông Tường thừa nhận những giải pháp này dù đạt được một số hiệu quả nhưng vẫn chưa thể giải quyết được một cách căn cơ. Trong khi đó, giải pháp quan trọng là phát triển hệ thống giao thông thông minh nhưng hiện TP còn rất hạn chế.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM, nhìn nhận một số dự án giao thông thông minh đã triển khai dù có những hiệu quả trước mắt nhưng nhìn chung chỉ mang tính chất thí điểm, riêng lẻ và rời rạc. Dù đã có mục tiêu phát triển nhưng hiện vẫn chưa có nghiên cứu tổng thể nào về hiện trạng hay định hướng ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, nhất là việc phát triển giao thông thông minh ITS tại TP.
Theo ông Đường, quá trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giao thông, nhiều dự án thiếu đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và khai thác. Qua đánh giá, các hệ thống chủ yếu phục vụ nhu cầu riêng của từng ngành, không thống nhất cơ quan chủ trì đầu tư, khai thác và vận hành... Mặt khác, các ứng dụng cũng rời rạc, chưa hỗ trợ nhau giải quyết những vấn đề về trật tự ATGT. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của TP còn nhiều hạn chế; nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ, kiến thức trong việc quản lý, vận hành hệ thống giao thông thông minh cũng thiếu thốn, khiến quá trình triển khai hệ thống giao thông thông minh gặp nhiều khó khăn.
Nhất thiết phải thực hiện
Theo TS Chang Yi Luo, Trung tâm Kỹ thuật Toyota (Nhật Bản), thực tế nêu trên không chỉ xảy ra tại TP HCM mà còn ở nhiều TP lớn thuộc các quốc gia Đông Á. Với tình hình này, TS Chang Yi Luo cho rằng rất cần thiết phải áp dụng cũng như đẩy mạnh các giải pháp công nghệ.
Ông Chang Yi Luo dẫn chứng và đưa ra khái niệm về một giải pháp mới đang thực hiện tại Nhật Bản, mang lại nhiều hiệu quả, đó là "xe kết nối". Theo chuyên gia này, TP HCM nên có giải pháp để các phương tiện có sự kết nối với tổng đài kiểm soát giao thông, thậm chí kết nối với nhau qua hệ thống hộp đen. TS Chang Yi Luo cho rằng giải pháp này sẽ rất hiệu quả trong việc giám sát, điều hành giao thông, xử lý tai nạn cũng như nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện... Thậm chí, nếu phát triển đến một mức độ nhất định, giải pháp này còn giúp giao thông ít phụ thuộc vào ý thức của người điều khiển, khi có thể tự động ngắt hoạt động của phương tiện nếu vi phạm...
Ùn tắc giao thông đang ngày càng trở nên trầm trọng tại TP HCM
Theo Sở GTVT TP HCM, trước đó, TP đã có định hướng về giải pháp trên, đồng thời xác định việc đẩy mạnh các ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông là thực sự cần thiết. Vì vậy, TP đã xác định rõ lộ trình để phát triển cũng như đang xây dựng mô hình Trung tâm Điều hành giao thông thông minh.
Ông Ngô Hải Đường cho biết giai đoạn 2017-2020, TP sẽ cơ bản hoàn thành Trung tâm Giám sát và Điều khiển giao thông, trên cơ sở tận dụng hệ thống hạ tầng hiện hữu. Mục tiêu của trung tâm này là kiểm soát giao thông trên các tuyến đường chính, nút giao thông ở khu vực trung tâm với các chức năng như điều khiển đèn tín hiệu, giám sát, cung cấp thông tin giao thông và hỗ trợ xử lý vi phạm về trật tự ATGT.
Giai đoạn sau năm 2020, TP HCM sẽ tập trung hoàn thành trung tâm điều hành giao thông với quy mô toàn TP. Theo ông Đường, trung tâm này nếu hoàn chỉnh sẽ như trái tim của toàn bộ hệ thống giao thông thông minh của TP, giúp quản lý chung, kết nối với các thiết bị ngoại vi... Trung tâm này cũng được định hướng với nhiều chức năng như giám sát, điều khiển, cung cấp thông tin giao thông; đồng thời giúp xử lý vi phạm, giám sát và điều hành hệ thống giao thông công cộng, quản lý nhu cầu giao thông, tài sản kết cấu hạ tầng...
Với tình hình cấp bách hiện nay, trước mắt, ngành giao thông TP HCM sẽ thực hiện các mục tiêu trọng tâm, như: tiếp tục khai thác Cổng thông tin giao thông trực tuyến của TP dựa trên nền bản đồ số, xử lý xe quá tải qua hệ thống kiểm soát tải trọng xe tự động, phát triển giải pháp thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông đường bộ...
Nhiều gia đình tan nát vì TNGT
Theo thống kê, từ đầu năm 2017 tới nay, trên địa bàn TP HCM xảy ra 2.490 vụ TNGT đường bộ, làm chết 464 người và bị thương 1.957 người. Dù giảm so với cùng kỳ năm 2016 nhưng với con số thống kê như trên, tại TP mỗi ngày có trung bình 2 người chết, 8 người bị thương bởi TNGT. Gần như TNGT xảy ra mỗi ngày tại TP, khiến nhiều người ám ảnh, nhiều gia đình tan nát. Cũng theo thống kê, có đến 90% vụ TNGT là do ý thức của người tham gia giao thông.
Bình luận (0)