Sai phạm ở chung cư An Lạc (quận Bình Tân) là một ví dụ điển hình về việc các ban quản trị (BQT) chung cư ở TP HCM tự tung, tự tác "moi" tiền cư dân. Có lẽ vì "dễ xơi" nên không ít người tìm mọi cách để "chạy" vào vị trí thành viên BQT chung cư, gây ra nhiều chuyện bi hài.
Bị phế truất vẫn quyết quay lại
Thanh tra Sở Xây dựng TP HCM kết luận ông Phạm Công Dũng, Trưởng BQT chung cư An Lạc (giai đoạn 2011-2013 và 2014-2016) có dấu hiệu kê khai sai. Cụ thể, ông Dũng khai với lực lượng chức năng có nhận phí bảo trì 2% từ Công ty CP Địa ốc Sài Gòn (chủ đầu tư chung cư) số tiền 1,5 tỉ đồng. Song, qua xác minh, cơ quan chức năng phát hiện tổng số tiền ông Dũng ký nhận lên đến 1,9 tỉ đồng, tức "bốc hơi" 400 triệu đồng.
Ở giai đoạn 2011-2013, ông Dũng vừa làm Trưởng BQT vừa là kế toán nên đã tự chi số tiền gần 1,1 tỉ đồng không một hóa đơn chứng từ. Trong khi đó, việc kê khai có sự bất thường vì chỉ trong 7 tháng, ông Dũng đã kê sửa thang máy đến 8 lần với tổng số tiền gần 700 triệu đồng, sửa chữa hệ thống PCCC lên đến 157 triệu đồng…! Chưa kể, năm 2016, khi còn đương nhiệm chức Trưởng BQT, ông Dũng thu phí bảo vệ an ninh trật tự với tổng số tiền hơn 10 triệu đồng nhưng chỉ nộp tổ khu phố 5,4 triệu đồng.
Trước khi có kết luận trên của thanh tra cùng với việc nhiều lần cư dân đề nghị cung cấp thêm hóa đơn chứng từ trong suốt quá trình hoạt động, ông Dũng đã thôi chức Trưởng BQT chung cư An Lạc. Thế nhưng, tại hội nghị nhà chung cư tổ chức giữa tháng 12-2017, ông Dũng vẫn ghi tên vào danh sách ứng cử viên BQT và tìm mọi cách vận động để được quay lại.
Chung cư An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM đang xuống cấp nhưng phí bảo trì 2% đã bị ban quản trị sử dụng gần hết mà không hề có hóa đơn chứng từ
"Năm ngoái, ông ta tới tận nhà tôi vận động và mời đi nhà hàng để bỏ phiếu cho ông ta vào BQT. Làm BQT thực chất rất cực nhưng ông Dũng "sống chết" muốn quay trở lại thì có gì đó không ổn" - bà Võ Thị Cẩm Tưởi, chủ căn hộ B14.09 chung cư An Lạc, nghi ngờ.
Tình cảnh trên cũng xảy ra ở chung cư Bàu Cát (quận Tân Bình). Năm 2016, nhiều người đã có cuộc "chạy đua" để vào ghế BQT chung cư. Bà P.T.T, một cư dân, kể lại khi đó, cứ mỗi tối, hết người này tới người nọ đến vận động bà ký vào đơn tố cáo phế truất BQT, bỏ phiếu cho người khác. "Ngoài ra, những người vận động để được vào BQT còn hứa hẹn kiểu "cho bánh" người ủng hộ mình. Chưa kể, họ còn cho quà các hộ. Họ làm vậy chắc chắn là vì miếng lợi khá ngon ở BQT" - bà T. ngao ngán.
Tại chung cư Tân Tạo (quận Bình Tân), hết người này đến người kia cũng tố cáo lẫn nhau để giành "ghế" trong BQT. Lý do là từ khi chung cư đưa vào sử dụng, BQT đã cho thuê hàng loạt công trình thụ hưởng của dân cư như bãi xe, hồ bơi, sân tennis… nhưng không công bố tài chính. Cư dân bức xúc, bỏ phiếu bãi nhiệm BQT.
Ngay sau đó, khi có cuộc vận động mới, ông Lê Ngọc Hiển được bầu lên với những hứa hẹn bảo đảm quyền lợi cư dân. Vậy mà, ông lại tự đứng ra thuê đơn vị vận hành, chi các khoản tiền cao hơn giá thị trường khiến cư dân bức xúc và đòi phế truất…
10% chung cư có tranh chấp
Liên quan đến vụ lùm xùm ở BQT chung cư An Lạc, ông Từ Tiến Tân - Phó Chủ tịch UBND phường An Lạc, quận Bình Tân - cho rằng UBND phường chấp thuận để ông Dũng vào danh sách ứng cử bầu BQT tại hội nghị nhà chung cư dự kiến diễn ra ngày 17-12 tới là "đúng quy định" "Kết luận thanh tra hiện tại chỉ nêu những sai phạm và kiến nghị. Khi nào UBND TP HCM có chỉ đạo thì lúc đó chính quyền mới thực hiện" - ông Tân giải thích.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, hiện chung cư An Lạc chưa có BQT chính thức nên không thể áp dụng kết quả thanh tra để xử lý. Đợi chung cư bầu xong BQT, UBND quận sẽ có những bước tiếp theo để xem xét việc có hay không chuyển cho công an điều tra.
Nói về việc tranh giành "ghế" ở BQT chung cư cũng như các vấn đề phát sinh giữa chủ đầu tư và cư dân, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết toàn TP có hơn 900 chung cư cao tầng. Trong đó, hơn 10% chung cư xảy ra tranh chấp với nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, có đến 9 chung cư xảy ra mâu thuẫn gay gắt, khó giải quyết.
Theo ông Tuấn, các tranh chấp chủ yếu là do chủ đầu tư chậm tổ chức đại hội chung cư để bầu BQT; chưa bàn giao quỹ bảo trì chung cư; tranh chấp phần sở hữu chung trong chung cư, phí vận hành… "Không phải chúng tôi không giải quyết các mâu thuẫn. Thực tế, tháng nào sở cũng phối hợp với UBND quận - huyện họp giải quyết từng vụ cụ thể. Mỗi khi có đơn phản ánh của cư dân thì sở lập đoàn kiểm tra, thanh tra" - ông Tuấn cho biết.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, cho rằng Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh và nhiều thông tư khác đều có các quy định cấm nhưng thiếu những biện pháp chế tài nên ít nhiều gây khó khăn cho quá trình xử lý.
Mới bầu xong đã làm đơn xin bãi nhiệm BQT
Ngày 14-12, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều cư dân chung cư First Home (phường Thạnh Lộc, quận 12, TP HCM), cho hay đang làm đơn xin bãi nhiệm BQT do họ vừa bầu vào tháng 6-2017.
Nguyên nhân được các cư dân chung cư First Home đưa ra là BQT mới được bầu đã có những hành vi vi phạm nghiêm trọng về tài chính. Cụ thể, BQT mới chi nhiều khoản tiền lớn nhưng không lấy ý kiến cư dân, không thông báo bằng các văn bản theo quy định.
Bình luận (0)