xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giành lại sự sống cho nhiều người: Để cái chết không vô ích!

Ngọc Dung - Nguyễn Thạnh

Rào cản lớn nhất khiến nguồn tạng hiến khó được khơi thông chính là nhận thức việc hiến tặng mô tạng. Nếu cải thiện vấn đề này, mỗi năm, hàng ngàn bệnh nhân đang chờ ghép tạng sẽ có cơ hội được cứu sống

Hiện có hàng chục ngàn bệnh nhân cần ghép tạng để duy trì sự sống. Tuy nhiên, cũng có một số lượng không nhỏ nguồn mô, tạng theo người có ý nguyện hiến tặng ra đi mãi mãi do những rào cản về định kiến xã hội, cơ chế chính sách… trong việc hiến tạng.

Lãng phí nguồn tạng vì rào cản

Đã 26 năm trôi qua kể từ ca ghép tạng đầu tiên ở Việt Nam nhưng đến nay, việc truyền thông về hiến mô, tạng còn hạn chế nên chưa khuyến khích người hiến. PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức, kể lại có trường hợp gia đình đồng ý hiến tạng và BV đã lấy tạng rồi nhưng vẫn phải đặt ống truyền dịch, đưa về nhà mới rút ra để họ hàng yên tâm, láng giềng không bàn tán. Có gia đình 2 lần hiến tạng của 2 người thân để cứu người nhưng vẫn yêu cầu giữ bí mật. Vì thế, việc vinh danh những người hiến không thể thực hiện để tri ân và nhân rộng nghĩa cử cao thượng này.

Giành lại sự sống cho nhiều người: Để cái chết không vô ích! - Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận nguồn tạng từ Hà Nội cho ca ghép xuyên Việt vào cuối tháng 2-2018 Ảnh: NGUYỄN THẠNH

"Nhiều người quan niệm chết phải "toàn thây" nên không muốn hiến tạng, trong khi các tôn giáo, cả đạo Thiên Chúa lẫn đạo Phật, đều không có điều nào quy định người chết phải nguyên vẹn. Hơn nữa, quan niệm về hiến tạng ở Việt Nam cũng khác nhiều nước. Ở Nhật Bản, những người hiến tạng được tôn vinh và kính trọng, bất kể họ là ai, bởi tinh thần vì cộng đồng. Ở Đài Loan, hình ảnh người hiến tạng được dán công khai trên tường và gia đình họ được vinh danh. Những người hiến tạng ở nước ta lại không muốn xuất hiện vì sợ bị dị nghị" - PGS Quyết chia sẻ.

Hiện nay, chi phí xét nghiệm hiến tạng do chính người hiến chi trả chứ chưa được Quỹ BHYT thanh toán. Trong khi để một người tình nguyện hiến mô, tạng thực hiện hành động cao đẹp phải qua một loạt xét nghiệm y học (chi phí 20-25 triệu đồng). Đây chính là một rào cản đối với hoạt động tình nguyện hiến mô, tạng cứu người khi còn sống.

Cần chính sách thỏa đáng cho người hiến

Theo GS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt Đức, để khuyến khích số người hiến tạng, cần sớm sửa Luật Hiến ghép, lấy mô bộ phận cơ thể người và Luật BHYT, đồng thời có quy định tôn vinh xứng đáng nghĩa cử của người hiến mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết não. Đối với người hiến tặng mô, tạng khi còn sống, dù là người thân cùng huyết thống hoặc người hiến vô danh cũng cần được nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí: khám sàng lọc, tư vấn, xét nghiệm, mổ lấy tạng, chăm sóc hồi phục sức khỏe... Đồng thời, được cấp thẻ BHYT miễn phí suốt đời kể từ ngày hiến tạng và được thanh toán chi phí khám chữa bệnh ở mức cao nhất (100%).

GS Sơn cho biết ông từng nhận được nhiều cuộc gọi hỏi về việc "hiến tạng được bao nhiêu tiền?" và ông khẳng định không có chuyện mua bán tạng. "Để tránh nạn "cò mồi", mua bán tạng, nhà nước nên công khai chi trả một khoản tiền "tri ân" cho những người hiến tạng. Với những người hiến sống, sau này họ có nhu cầu sẽ được ưu tiên ghép tạng" - GS Sơn đề xuất.

Vấn đề cần thiết nhất bây giờ - theo ông Sơn - là phải xây dựng "Danh sách chờ ghép quốc gia" và "Danh sách đăng ký hiến tạng quốc gia". Các cơ sở y tế có trách nhiệm cung cấp thông tin, cập nhật 2 danh sách trên để bảo đảm hoạt động điều phối hiến, ghép tạng trên phần mềm hệ thống quản lý và điều phối ghép tạng quốc gia, công bằng, minh bạch và tự động theo luật định. Ngành BHYT cần tham gia một cách hiệu quả đúng theo luật hiến tạng và góp phần hỗ trợ tích cực hơn quá trình hiến ghép mô tạng.

GS-TS Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam, cho biết đến nay, cản trở lớn nhất của ngành ghép tạng Việt Nam là thiếu nguồn tạng hiến, đặc biệt là người hiến chết não. Để có thêm nhiều người hiến tạng, công tác truyền thông cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài. "Chúng ta phản đối thương mại hóa trong ghép tạng nhưng cũng phải có chế độ, chính sách phù hợp, thỏa đáng cho người hiến tạng. Nếu cải thiện được các vấn đề này, mỗi năm khoảng 1.000 bệnh nhân suy tạng có cơ hội được cứu sống" - GS Khánh nhấn mạnh.

Theo GS-TS-BS Trần Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Tiết niệu - Thận học TP HCM, một cuộc khảo sát do ông và các cộng sự thực hiện cho thấy nhận thức ở cộng đồng về hiến tạng bước đầu đã có sự thay đổi. Trong số hơn 1.000 người thuộc mọi tầng lớp, tôn giáo được khảo sát có tới 95,5% đồng ý với quan điểm hiến tạng là một nghĩa cử nhân đạo; tỉ lệ đồng ý hiến tạng sau khi chết là 77%; đồng ý hiến tạng người thân sau chết là 63,8%.

TS-BS Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, BV Chợ Rẫy - cho hay kể từ ngày phát hành thẻ đầu tiên (năm 2014), đến nay có hơn 5.000 thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng tự nguyện sau khi qua đời đã được gửi đi khắp mọi miền đất nước.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng có 3 vấn đề đang thách thức ngành ghép tạng là nguồn tạng; trang thiết bị, bảo quản, vận chuyển; tài chính. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan, ban, ngành cùng chung tay với ngành y tế vận động cộng đồng tham gia hiến tạng cứu người. Bộ trưởng cũng yêu cầu cần nghiên cứu, đánh giá những rủi ro trong quá trình ghép và sau ghép để khắc phục những nhược điểm. 

Lập quỹ ghép tạng hỗ trợ bệnh nhân nghèo

Theo Trung tướng, GS-TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc BV Trung ương Quân đội 108, BV Trung ương Quân đội 108 đang vận động các nhà hảo tâm, kể cả những người được ghép tạng, hỗ trợ kinh phí xây dựng quỹ ghép tạng cho người nghèo. Trong những năm tới, BV tiếp tục thực hiện chương trình, kế hoạch trong đề án khoa học ghép mô, bộ phận cơ thể người. Tiếp đó, BV sẽ nghiên cứu ứng dụng và phát triển hoàn thiện các kỹ thuật ghép tim, khối tim phổi, tụy - thận, ruột, tử cung, chi thể… Mục tiêu đến năm 2025, BV sẽ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển đồng bộ các kỹ thuật ghép mô, bộ phận cơ thể người.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 4-4

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo