Tạng hiến ở miền Bắc nhưng người nhận lại ở tận trong Nam. Những cuộc chạy đua với thời gian lại bắt đầu để chuyển "món quà" cho bệnh nhân cần tạng đang mỏi mòn giành sự sống. Như một kỳ tích, những quả tim, quả thận, lá gan bằng sự nỗ lực tuyệt vời của ê kíp y - bác sĩ hai đầu cầu Bắc - Nam đã được hồi sinh trong cơ thể người mới.
Gay cấn trái tim, lá gan đi "xuyên Việt"
Ghép tạng "xuyên Việt" được đánh giá là kỳ tích y học của các thầy thuốc nước nhà. Gọi là kỳ tích bởi ngoài yếu tố kỹ thuật thì đây là thành công lớn về trình độ tổ chức, kỹ thuật lấy và ghép tạng, đặc biệt là sự tận tâm, nỗ lực hết mình để cứu sống bệnh nhân. Đằng sau những ca ghép tạng nghẹt thở ấy còn có sự chung tay của không ít những người tưởng chẳng liên quan: nhân viên hàng không, hải quan, cảnh sát giao thông…
Bệnh nhân ghép tim xuyên Việt đầu tiên tươi cười sau ca ghép thành công
Nhắc lại hành trình vận chuyển tạng của ca ghép "xuyên Việt" đầu tiên năm 2015, GS-TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Việt Đức, nói: "Chuyến bay vận chuyển tạng đầy ắp tình người, mang lại hy vọng sống cho những người đang dần tuyệt vọng. Sự lìa xa cõi đời của một người nhưng vẫn để lại một phần thân thể tiếp tục sống trong cơ thể đồng loại. Đó là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện một cuộc vận chuyển tạng dài gần 1.700 km mà bằng máy bay dân dụng". Hành trình 2 giờ trở về trên máy bay có lẽ dài hơn bất cứ chuyến bay nào mà GS Sơn đã trải qua bởi các thầy thuốc liên tục phải "chăm sóc" quả tim, lá gan của người hiến chết não để có thể "sống khỏe" khi về tới phòng mổ BV Việt Đức. "Cứ 15 phút, bác sĩ lại kiểm tra độ an toàn của 2 chiếc hộp đặt trên khoang lái. Lúc này với chúng tôi, thời gian còn quý hơn vàng vì thời gian chỉ có hạn, nếu có trục trặc thì công sức, tấm lòng của nhiều người sẽ đổ sông, đổ bể" - GS Sơn nhớ lại.
Ám ảnh tắc đường!
"Theo kế hoạch, tạng hiến của người chết não từ BV Chợ Rẫy phải ra sân bay lúc 16 giờ nhưng tắc đường nên 17 giờ mới đến nơi, trong khi ở ngoài Hà Nội, các bác sĩ BV Việt Đức đã bắt đầu phóng thích gan của người nhận gan"- PGS- TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức, nhắc lại hậu trường lo đến thót tim của ê kíp ghép tạng "xuyên Việt". Theo PGS Quyết, cũng do thời gian lấy và vận chuyển tạng từ TP HCM ra Hà Nội bị chậm thêm 1 giờ nên chất lượng tạng sau ghép cho bệnh nhân không được tốt. Ngày thứ 2 sau ca ghép, bệnh nhân bị các phản ứng: men gan cao, rối loạn đông máu, gan ghép không hoạt động, không tiết mật. Lúc đó, BV đã phải triệu tập các kíp gây mê hồi sức, bàn phương án điều trị, quyết tâm đưa gan ghép hoạt động trở lại bình thường.
Có lẽ chính vì nỗi sợ tắc đường mà đến ca vận chuyển tạng "xuyên Việt" thứ 3 từ Bắc vào Nam, chuyến bay chở theo quả tim vừa hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào đúng giờ cao điểm, lập tức đã được xe đặc chủng của lực lượng cảnh sát giao thông dẫn đường. BV Chợ Rẫy đã liên hệ hàng không rút gọn các thủ tục. Mọi thứ chóng vánh đến nỗi nguồn tạng ngay khi hạ cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất được đưa đến BV Chợ Rẫy trong 15 phút. GS-TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc BV Trung ương Quân đội 108, cho biết một trong những điều gay cấn, hồi hộp nhất trong ca ghép đa tạng lần này là khi điều phối trái tim và thận vào BV Chợ Rẫy, các bác sĩ chỉ có tối đa hơn 6 giờ sau khi phẫu thuật lấy tim và di chuyển hàng ngàn km. "Tính toán thời gian lấy tim sẽ hoàn thành trước vào lúc 13 giờ 30 phút, BV Chợ Rẫy đã cử người ra BV Trung ương Quân đội 108 nhận tim và lên chuyến bay lúc 14 giờ. Thận được vận chuyển trong chuyến bay kế tiếp vì nếu đi cùng chuyến sẽ chậm trễ thời gian ghép tim" - GS Bàng kể.
Theo các chuyên gia ghép tạng ở nước ngoài, việc vận chuyển tạng bằng máy bay trực thăng chuyên dụng, chỉ tối đa trong khoảng 500 dặm (hơn 800 km) và có sự hỗ trợ của cảnh sát dẫn đường. Còn ở Việt Nam, khoảng cách vận chuyển quá xa. "Vận chuyển bằng máy bay dân dụng vì không có máy bay chuyên dụng nên ê kíp ghép tạng không thể chủ động thời gian, thậm chí mua vé gấp gáp cũng rất khó khăn. Tim sau khi lấy khỏi lồng ngực chỉ bảo quản được 6 giờ, thận là 10 giờ; người bệnh đang nằm trên bàn mổ chờ ghép tính mạng như "ngàn cân treo sợi tóc" nên bất cứ trục trặc, tắc đường, muộn giờ bay thì nghĩa cử, nỗ lực thành vô nghĩa" - GS Trịnh Hồng Sơn chia sẻ. GS Sơn cho biết từ năm 2017, Việt Nam đã có thùng đựng tạng chuyên biệt do Bộ Công an tặng. Còn với 2 lần ghép tạng "xuyên Việt" trước đó, các bác sĩ Việt Nam đã tạo thêm "kỳ tích" khi đã biến tấu chiếc thùng đựng kem để bảo quản nguồn tạng hiến đưa từ Nam ra Bắc.
Chính sự nỗ lực chinh phục đỉnh cao y học và tâm huyết của các bác sĩ 2 miền, những "món quà" đặc biệt ấy đã mang sự sống tới cho nhiều bệnh nhân suy tạng để họ không phải sống với cơn đau hành hạ và nỗi lo sinh tử.
Kỳ cuối: Để cái chết không vô ích!
Gian nan việc ghép tim người lớn cho trẻ em
GS-TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Tim mạch - Lồng ngực BV Việt Đức, cho biết khi quyết định ghép tim của một người lớn cho một cậu bé 10 tuổi (ở Hà Nội) bị suy tim giai đoạn cuối, ê kíp đã xác định muôn vàn khó khăn. Trước hết là sự phù hợp về mặt kích thước tim giữa người cho (60 kg) và người nhận ( 20 kg), vênh gấp 3 lần. Y văn thế giới chưa từng ghi nhận ca ghép nào như vậy. "Đây là cơ hội vàng để ghép tim cho bệnh nhi vì lượng người hiến tạng rất ít. Cả nước một năm chỉ có 2, 3 trường hợp chết não hiến tạng. Đặc biệt, ghép tim cho trẻ em, cơ hội tìm được người hiến phù hợp gần như là không tưởng, trong khi tính mạng bệnh nhân được xác định "ngàn cân treo sợi tóc". Sau gần 14 giờ liền đứng bên bàn mổ, ca ghép tim đã thành công ngoài mong đợi. Và đây cũng là ca ghép tim cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất Việt Nam từ trước đến nay" - GS Ước chia sẻ.
Bình luận (0)