Mới đây, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cho biết đã khởi tố 6 doanh nghiệp nhà nước vì để mất rừng với số lượng lớn.
Mất trắng hàng chục ngàn ha
Theo thống kê của tỉnh Đắk Nông, hơn 10 năm qua, tỉnh này đã mất hơn 15.000 ha rừng khi giao cho các doanh nghiệp quản lý. Đơn cử, giao 14.000 ha rừng và đất lâm nghiệp cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Đức quản lý thì để mất gần 5.110 ha rừng tự nhiên. Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Gia Nghĩa sau 10 năm được giao quản lý hơn 24.000 ha rừng thì để mất hơn 8.700 ha. Còn Công ty TNHH Lâm nghiệp Đức Hòa ngoài chuyện để mất 2.700 ha rừng thì có đến 13 cán bộ, công nhân viên công ty này tham gia mua bán đất rừng trái phép.
Rừng giao cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bị tàn phá nghiêm trọng Ảnh: CAO NGUYÊN
Tại Đắk Lắk, tình trạng phá rừng tại các dự án cũng diễn ra nghiêm trọng. Mới đây, Công an huyện Ea Súp đã khởi tố và bắt tạm giam ông Đinh Huỳnh Vĩnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TM DV Vĩnh Tiến, để làm rõ hành vi hủy hoại rừng. Trước đó, Công ty Vĩnh Tiến được giao quản lý hơn 500 ha rừng. Ông Vĩnh đã chỉ đạo cấp dưới phá hơn 49 ha rừng, gây thiệt hơn 6,2 tỉ đồng.
Tại tỉnh Gia Lai, từ năm 2000, UBND tỉnh này đã cho 9 doanh nghiệp thuê đất để thực hiện các dự án trồng rừng và kết hợp chăn nuôi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp để rừng chết, đất dự án bị dân xâm chiếm. Năm 2010, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Trường Thịnh được giao hơn 697 ha đất tại huyện Chư Pứh để trồng rừng kết hợp chăn nuôi nhưng mới đây, qua kiểm tra đã có 422 ha rừng chết cháy. Năm 2006, Công ty CP Xuất nhập khẩu Lê Khanh được UBND tỉnh Gia Lai tạm giao hơn 2.093 ha rừng. Do nhiều lần vi phạm nên tỉnh thu hồi hơn 1.680 ha, diện tích còn lại trồng keo lai và xoan sau đó cũng bị chết.
Cần thu hồi
Ông Lê Diễn, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông, cho biết tỉnh này vừa qua đã xử lý hàng chục cán bộ vi phạm về công tác bảo vệ rừng; khởi tố 6 doanh nghiệp nhà nước để mất rừng. Sắp tới, số cán bộ vi phạm bị xử lý tăng lên rất nhiều.
Theo ông Nguyễn Hồng Lâm, Trưởng Phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, đất giao cho doanh nghiệp thuê, khi để mất rừng thì trách nhiệm chính là của doanh nghiệp. Theo ông Lâm, có 6/9 dự án thuê đất trồng rừng triển khai chưa đạt hiệu quả.
Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện các dự án thuê đất trồng rừng. Theo đó, sở này kiến nghị hướng xử lý cụ thể của từng dự án như chỉ đạo trồng lại rừng ở một số diện tích đã chết, cháy; phối hợp với chính quyền vận động dân trả lại đất để trồng rừng... Riêng dự án của Công ty CP Xuất nhập khẩu Lê Khanh, sở cho rằng doanh nghiệp thực hiện dự án không hiệu quả nên đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xem xét thu hồi.
Không "giao trứng cho ác"
Theo TS Trương Hồng, quyền Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, để dự án bảo vệ, phát triển rừng có hiệu quả, trước khi phê duyệt, lãnh đạo các địa phương nên nghiên cứu kỹ chủ đầu tư dự án là ai. Phương án triển khai dự án như thế nào. Chủ dự án đó phải có đủ năng lực tài chính, kỹ thuật và trước đây đã có những thành công nhất định. Bên cạnh đó, khi đã giao dự án thì địa phương phải tăng cường kiểm tra đột xuất và định kỳ việc quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị đó.
Giao bao nhiêu phá bấy nhiêu
Chiều 13-10, một lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông cho biết đã nhận được văn bản của UBND tỉnh yêu cầu làm rõ trách nhiệm việc để mất hơn 135 ha rừng. Ngày 25-10, đơn vị sẽ họp kiểm điểm những cá nhân liên quan.
Năm 2008, UBND tỉnh Đắk Nông tạm giao 175 ha đất rừng cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông quản lý phục vụ diễn tập phòng thủ, trong đó có 135,8 ha rừng tự nhiên ở huyện Đắk G’long. Năm 2012, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông tạm giao 135,8 ha rừng này cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện Đắk G’long quản lý. Tháng 5-2015, kiểm tra thì phát hiện toàn bộ 135,8 ha rừng bị phá sạch.
Bình luận (0)