Tại hội nghị trực tuyến từ Chính phủ đến 63 tỉnh thành về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới, vào sáng nay 14-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: "Bác Hồ nhiều lần nói rừng là vàng, vì thế Tây nguyên muốn chặt 1 cây gỗ thì phải thắp hương mà lạy cây. Nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng phải được quán triệt mạnh hơn trong mọi cấp chính quyền, trong cả hệ thống chính trị".
Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương đồng tâm làm cho diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng lên. Cùng hứa với Quốc hội đưa tỉ lệ che phủ rừng thành chỉ tiêu để tất cả các địa phương cùng thực hiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Ảnh: Bảo Trân
Video clip Thủ tướng phát biểu
Lá phổi Sơn Trà cũng bị tàn phá
Đi vào những tồn tại, Thủ tướng nêu ngay tồn tại đầu tiên là rừng tự nhiên khu vực Tây nguyên tiếp tục giảm, nạn phá rừng diễn ra nghiêm trọng, có nguyên nhân do phát triển cà phê, cao su. Tình trạng phá rừng trái pháp luật chậm được ngăn chặn ở một số địa phương lên tới 10-20 vụ. "Như Phú Yên, Quảng Nam, Bình Định, Đắk Nông và một số địa phương nhưng tại cuộc họp này chưa thấy báo cáo"- Thủ tướng nhắc nhở.
Theo Thủ tướng, trên thế giới, nước nào cũng đều coi trọng và bảo vệ rừng, rừng là kinh tế, là sinh thái, môi trường, an ninh quốc phòng... "Rừng là lá phổi, thế giới bảo vệ rừng ghê lắm, phố trong rừng, rừng trong phố, còn chúng ta phá nham nhở. Việc phá rừng, phá núi là việc làm vô cùng tệ hại mà một số địa phương đang vấp phải tình trạng này"- Thủ tướng phê bình gay gắt.
Đi vào nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nêu ra 3 chủ trương lớn phải tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Thứ nhất là tiếp tục thực hiện nghiêm đóng cửa rừng, không khai khác gỗ rừng tự nhiên.
Thứ hai là kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Cụ thể là dừng việc chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên, rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, xây dựng thuỷ điện nhỏ, kể cả dự án du lịch. Việc này không phải cực đoan nhưng tạm thời giai đoạn này phải nghiêm túc dừng lại trên phạm vi cả nước, nếu không sẽ chuyển đổi lung tung hết, nhất là Tây nguyên. Chưa đưa ra thảo luận, chưa duyệt phương án đã phá hàng loạt diện tích rừng. Nhất là cứ kêu rừng nghèo rồi vào chặt gỗ, sau đốt rồi trồng cây. Rừng tự nhiên có tầng sinh thái, đa dạng sinh học không thể lạm dụng khái niệm "rừng nghèo" rồi chặt phá trồng cây công nghiệp.
Thứ ba là không cải tạo rừng nghèo, rừng nghèo kiệt khi chưa khảo nghiệm khoa học. Không chuyển rừng ven biển, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.
Thủ tướng kể vừa qua ông có đi Phần Lan và nhìn vào ĐBSCL thấy rằng rừng ben biển là vô cùng quan trọng trong việc giữ đất, chống sạt lở, giữ nước và giữ người. Rừng ngập mặn cần quy hoạch cụ thể, căn bản trong việc đưa người vào trong rừng.
"Như anh Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa nói về việc phát triển dự án ở khu vực rừng U Minh thì cần làm rõ quản lý thế nào, chứ không thể buông lỏng người dân ở xe kẽ rồi dân phá hết rừng vì sinh kế"- Thủ tướng lưu ý.
Video clip Thủ tướng phát biểu
Theo Thủ tướng, một số vùng ven biển hiện nay cần thiết phát triển du lịch nhưng chuyển mục đích phải được xem xét chặt chẽ và duyệt kỹ.
"Chứ không phải là có dự án du lịch, làm sân golf là phá hết rừng trồng bao đời nay, màu xanh tuyệt vời như vậy. Phải xem xét chặt chẽ từ địa phương, từ HĐND các cấp, lắng nghe người dân rồi trình Chính phủ, Bộ ngành khảo sát, xem xét chặt chẽ và làm nhanh thủ tục. Không phải chủ trương cực đoan giữ rừng ven biển bằng mọi giá nhưng nếu phá hết thì đô thị không còn màu xanh tối thiểu, ven biển trơ trụi hết là không được. Phú Yên là một kinh nghiệm cho bài học này và quy trình này không được kiểm soát tốt" – Thủ tướng nhắc nhở.
Theo Thủ tướng, bảo vệ rừng chủ yếu là các địa phương, chứ trung ương ở Hà Nội có bao nhiêu rừng đâu nên vai trò của các địa phương là rất quan trọng.
"Người Pháp quy hoạch rừng xung quanh Văn phòng Chính phủ nay vẫn còn xanh, cũng như Ba Vì được quy hoạch xanh, không được chặt cây ở Ba Vì, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cần lưu ý rõ. Cũng như Sơn Trà là lá phổi của Đà Nẵng cũng bị tàn phá làm sao chấp nhận được. Thanh tra phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phương rà soát, điều tra xử lý nghiêm các vụ phá rừng và công khai kết quả để xã hội giám sát. Kiểm điểm, xử lý nghêm chủ rừng, kiểm lâm, lãnh đạo không phát hiện kịp thời việc phá rừng, kiên quyết loại thải những người thoái hoá, biến chất tham gia việc phá rừng.
Theo Thủ tướng, để xảy ra tình trạng này có sự buông lỏng của lực lượng chức năng, chính quyền địa phương, nhất là lực lượng Kiểm lâm.
"Cây gỗ chứ có phải cái kim đâu mà không phát hiện ra. Sau này địa phương nào để xảy ra phá rừng phải xử lý nghiêm người có trách nhiệm trên địa bàn từ Bí thư, chủ tịch xã đến huyện, kiểm lâm... Làm sao mà phá rừng đến mấy tháng không phát hiện ra? Không thể tái diễn tình trạng cha chung không ai khóc" – Thủ tướng không hài lòng.
Thủy điện, dự án du lịch... chưa cấp phép đã phá rừng gây tác hại ghê gớm!
Điều đáng nói theo Thủ tướng là nhiều địa phương chuyển mục đích sử dụng rừng không theo quy định pháp luật.
"Chỉ nghe nói làm du lịch, làm sinh thái, thuỷ điện… là phá rừng ào ào không theo nguyên tắc. Thậm chí có công trình thuỷ điện chưa có phép đã tiến hành phá rừng ảnh hưởng lớn đến sinh thái, kể cả rừng tự nhiên"- Thu tướng chỉ rõ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết nhưng nơi có thể làm được thuỷ điện lớn, thuỷ điện đem lại hiệu quả kinh tế lớn thì đã làm hết rồi nay chỉ có thể làm thuỷ điện nhỏ. "Vì vậy kiên quyết dừng xây dựng thêm thuỷ điện nhỏ. Trừ trường hợp quá đặc biệt, hiệu quả kinh tế quá đặc biệt thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định từng trường hợp cụ thể. Ngay cả quá đặc biệt thì cũng phải làm rõ quá đặc biệt chỗ nào? Hiệu quả kinh tế quá đặc biệt ra sao?". Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiếp tục "mổ xẻ" về thuỷ điện nhỏ, Thủ tướng nhìn nhận: "Hiệu quả kinh tế của thuỷ điện nhỏ rất thấp nhưng lại phá rừng rất nhiều, tác hại môi trường thì rất ghê gớm. Nhất là dự án thuỷ điện nhỏ ở các tỉnh Tây nguyên. Địa phương cũng phản ứng việc xây dựng thuỷ điện nhỏ như thuỷ điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A sau đó đã phải dừng không thực hiện dự án".
Thủ tướng cho rằng các chủ đầu tư, địa phương khi trình bày làm thuỷ điện thì hay lắm nhưng khi làm chẳng như vậy.
"Phá một héc ta rừng thì phải trồng lại 1 héc ta rừng mới, có làm được không?"- Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng cho hay từ 15 kiến nghị của các bộ ngành, địa phương sẽ được phân loại, xử lý giải quyết và kết luận của Thủ tướng tại hội nghị cũng thể chế hoá bằng văn bản kết luận làm cơ sở để các bộ ngành và địa phương thực hiện.
Bình luận (0)