xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giáo viên bị lừa, bị trù dập

HOÀNG THANH - TÂM QUÂN

Tình trạng giáo viên thất nghiệp lại còn bị lừa đảo khi xin việc hoặc thi tuyển công chức, viên chức khá phổ biến. Các trường hợp nêu dưới dây chỉ là "lát cắt" của thực tế đau lòng này

Hiện chỉ tiêu tuyển giáo viên của các tỉnh, thành rất hạn chế trong khi lượng cử nhân sư phạm ra trường rất nhiều. Lợi dụng tâm lý muốn nhanh có việc làm của những người này, một số đối tượng "nổ" có quen biết rộng, có khả năng chạy việc giúp hòng chiếm đoạt tiền.

Nuốt không trôi!

Có con ra trường hơn 2 năm nay nhưng không xin được việc làm, bà P.T.N (trú huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) tiếp xúc với một người tên L.N.A. Giới thiệu với bà N., A. tự xưng là nhà báo, quan hệ như "anh em" với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Kon Tum, có khả năng lo được cho con bà về làm giáo viên THCS tại huyện Ngọc Hồi. Tin tưởng và nôn nóng, bà N. đưa trước 20 triệu đồng cho L.N.A. Hai bên cam kết sau khi xin được việc, tốn bao nhiêu tiền thì gia đình bà N. sẽ chi trả thêm.

Giáo viên bị lừa, bị trù dập - Ảnh 1.

Cô Vũ Thị Niêm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Tân Thuận 1 (tỉnh Kiên Giang) Ảnh: TÂM QUÂN

Một thời gian sau, L.N.A tiếp tục gọi điện thoại bảo bà N. đưa thêm 20 triệu đồng để lo chạy việc. Không có sẵn tiền, bà N. vay mượn đủ 20 triệu đồng gửi vào tài khoản của L.N.A.

Đợi mãi không thấy con được nhận việc, bà N. hỏi thì L.N.A hứa chờ thêm một thời gian nữa sẽ thu xếp xong. Rốt cuộc, việc không có, tiền không đòi được, bà N. biết mình đã bị lừa đảo.

Sau nhiều lần đòi tiền mãi không xong, bà N. nhờ đến một số nhà báo đang làm việc tại địa bàn tỉnh Kon Tum "tác động", kèm theo đó là dọa tố cáo đến cơ quan công an, L.N.A mới chịu trả lại 40 triệu đồng theo hình thức "trả góp" nhiều lần cho mẹ con bà N.

Cầm cố nhà, vay tiền để "lo biên chế"

Mong muốn có một suất biên chế cho con, ông Nguyễn Danh Đường (trú huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đã phải cầm cố nhà cửa, vay ngân hàng, vay lãi ngoài đủ 220 triệu đồng đưa cho ông Nguyễn Xuân Triều (ở xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum).

Theo ông Đường, năm 2016, huyện Kon Rẫy tổ chức thi tuyển biên chế giáo viên tiểu học. Vì muốn con trai (đã tốt nghiệp ngành sư phạm) được về làm việc tại đây, hay tin ông Triều có khả năng "chạy" biên chế, ông Đường nhờ giúp đỡ. Ông Triều đồng ý với điều kiện phải chi 220 triệu đồng.

Không có tiền, ông Đường phải đem giấy tờ nhà đi thế chấp vay tiền ngân hàng và mượn thêm được 200 triệu đồng, vay nóng bên ngoài thêm 20 triệu đồng nữa để đưa cho ông Triều.

Ngày 30-11-2016, ông Triều đã viết giấy nhận của ông Đường số tiền 220 triệu đồng và hứa sẽ "chạy" biên chế cho con ông Đường, sau 2 tháng nếu không được việc thì trả lại tiền.

Khi kết quả kỳ thi tuyển công chức huyện Kon Rẫy công bố, con trai ông Đường không có tên. Ông liên hệ ông Triều đòi lại tiền; ông Triều không trả mà nói chờ thêm thời gian nữa. Khi biết ông Đường làm đơn tố cáo, ông Triều mới chịu gặp và trả lại toàn bộ số tiền 220 triệu đồng.

Một trưởng phòng GD-ĐT cấp huyện ở tỉnh Kon Tum nói rằng quy trình tuyển dụng giáo viên tại các trường trực thuộc rất chặt chẽ, được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các thành phần lừa đảo đa phần thấy tuyển dụng ở các huyện rồi "nổ" là mình có khả năng xin việc, sau đó lừa lấy tiền của giáo viên. Sau khi có kết quả, nếu thí sinh trúng tuyển thì tự nhiên các đối tượng này tìm tới lấy thêm tiền, nếu trượt thì đòi không chịu trả.

"Kết tội" hiệu trưởng vô cớ

Vào cuối tháng 8-2017, ông Nguyễn Văn Thoàn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) - đã ký thông báo lộ trình kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan đến công tác thanh tra, xử lý giáo viên Trường Tiểu học Thị trấn 1 (thị trấn Vĩnh Thuận) và Trường Tiểu học - THCS Tân Thuận 1 (xã Tân Thuận). Theo đó, việc thanh tra, xử lý giáo viên của 2 trường để xảy ra sai sót, chưa chặt chẽ và bảo đảm quy trình. Từ đó, các cá nhân có liên quan khiếu nại kéo dài, gây dư luận không tốt.

Theo hồ sơ vụ việc, tháng 8-2012, cô Nguyễn Hoài Thu được Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thuận điều động về làm hiệu trưởng Trường Tiểu học Thị trấn 1. Tại đây, cô Thu phát hiện tài chính có nhiều bất ổn nên đề nghị các ngành chức năng vào cuộc. Thế nhưng, sau khi vào cuộc, UBND huyện Vĩnh Thuận kết luận cô Thu phải chịu trách nhiệm trong quản lý điều hành thu chi tài chính với số tiền sai phạm 210 triệu đồng (!). Ngoài ra, 10 cá nhân bị kết luận có sai phạm phải nộp lại tiền, trong đó có cô Thu.

Hơn một năm sau, UBND huyện Vĩnh Thuận ký quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức hiệu trưởng đối với cô Thu. Trong khi đó, những cá nhân sai phạm khác vẫn không bị kỷ luật. Nhận thấy bản thân có dấu hiệu bị trù dập, bị xử lý sai, cô Thu gửi đơn khiếu nại.

Mới đây, sau khi vào cuộc làm rõ đơn khiếu nại của cô Thu, Thanh tra Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang đã công bố quyết định của chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về việc khôi phục lại chức vụ cho cô Thu. Lý do là UBND huyện Vĩnh Thuận kỷ luật cô Thu không đúng thẩm quyền và thời hạn xử lý quá thời hạn so với thời điểm thanh tra.

Một trường hợp khó hiểu khác. Tháng 8-2011, cô Vũ Thị Niêm được Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Thuận bổ nhiệm làm hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Tân Thuận 1, thời hạn 5 năm. Đến đầu năm 2016-2017, cô Niêm không còn là hiệu trưởng nhưng không được bổ nhiệm lại. Vì thế, cuối năm học, nhà trường không ai ký giấy khen cho 225 học sinh có thành tích trong học tập. Mãi đến ngày 9-6-2017, UBND huyện Vĩnh Thuận mới công bố quyết định tái bổ nhiệm lại chức vụ cho cô Niêm.

Từ 2 vụ nói trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Thuận thống nhất kiểm điểm tập thể Thường trực UBND huyện Vĩnh Thuận, gồm: Trưởng Ban Tổ chức Huỳnh Tấn Phi; Phó Chủ tịch HĐND Huỳnh Quốc Huy (cùng nguyên là Phó Chủ tịch UBND huyện); Phó Chủ tịch UBND Phạm Văn Hậu; Trưởng Phòng GD-ĐT Huỳnh Minh Tâm; Trưởng Phòng Nội vụ Nguyễn Hoàng Sơn và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Võ Văn Tường (nguyên Chánh Thanh tra huyện Vĩnh Thuận).

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-9

Kỳ tới: Điều hành tùy hứng, khó hiểu

Lợi dụng xin việc khó khăn để lừa

Ông Nguyễn Phúc Phận, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, cho biết về việc tuyển giáo viên, Sở GD-ĐT chỉ thực hiện đối với các trường THPT và trường trực thuộc, khi có nhu cầu thì lên kế hoạch trình cho UBND tỉnh phê duyệt rồi tổ chức tuyển dụng.

"Giờ việc làm khó khăn, nhiều đối tượng cứ lừa phỉnh là mình có khả năng xin việc để chiếm đoạt tiền của người khác. Việc tuyển dụng giáo viên là công khai, chặt chẽ chứ đâu phải muốn tuyển là tuyển được đâu" - ông Phận nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo