Ngày 13-10, người dân xóm Khanh (xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) vẫn đang khẩn trương lo hậu sự cho những người đã khuất. Chiếc rạp lớn cạnh quốc lộ 6 được chính quyền xã Phú Cường dựng lên để làm đám tang chung cho các nạn nhân xấu số.
Khu vực tổ chức tang lễ chung cho các nạn nhân vụ sạt lở đất kinh hoàng
5 chiếc áo quan được xếp thành hàng ngang để làm lễ khâm liệm cho người xấu số đã được tìm thấy và còn những chiếc áo quan khác. Nhiều người khóc ngất vì nỗi đau quá lớn khi mất đi những người thân.
Ông Đinh Công Hưng (49 tuổi, ở xóm Khanh) cho biết xóm Khanh có hơn 100 hộ, đa phần đều anh em thuộc 2 dòng họ Đinh và Bùi Văn. Trong 18 nạn nhân bị đất đá vùi lấp có 13 người trong dòng họ Đinh, trong đó gia đình em trai ông với 4 người chết và mất tích. Nhỏ tuổi nhất trong các nạn nhân là cháu Đinh Công Th. (3 tháng tuổi), cao tuổi nhất là cụ bà Đinh Thị Son, 79 tuổi.
"Ở đây chưa bao giờ xảy ra vụ việc nào kinh hoàng và sợ hãi đến thế. Đau thương quá, mất mát quá lớn"- ông Hưng nghẹn ngào nói.
Ông Đinh Công Hươn kể lại giây phút kinh hoàng
Tất bật lo hậu sự cho người thân gia đình, trong khi chưa hết bàng hoàng sau sự cố ông Đinh Công Hươn (SN 1975, ngụ tại xóm Khanh), kể lại đêm định mệnh. Lúc đó, khoảng hơn 1 giờ sáng, mọi người đang ngủ bất ngờ nghe 1 tiếng "uỳnh" rất lớn, ông bật dậy lao ra ngoài cửa nhà. Ngước nhìn xung quanh, ông chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì thấy nước và đất phun lên đen ngòm, nhấn chìm nhiều ngôi nhà gần đó.
"Lúc đó, tôi nghe thấy tiếng kêu lớn: "cứu, cứu, cứu" của 3 mẹ con chị Chi hàng xóm trong nhà, 2 bố con tôi men sang bên đó. Sang đến nơi, tôi thấy 3 mẹ con chỉ còn mỗi đầu thò ra, bên trên nhiều chăn màn, thóc lúa cùng đất đá đè lên người. 2 bố con tôi vội lôi ra nhiều chăn màn cùng thóc lúa ra để kéo 3 mẹ con ra ngoài"- ông Hươn kể lại
Cũng may mắn thoát chết, anh Bùi Văn Dũng (26 tuổi, ở xóm Khanh) cho biết trước khi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng, xóm Khanh bị mất điện, do con không quen ngủ tối nên vợ anh đã bật đèn pin để chiếu sáng, nhưng ngủ quên không tắt đèn. Khoảng hơn 1 giờ, cả nhà đang ngủ thì nghe tiếng "uỳnh" rất lớn ở phía suối Khanh, đèn pin rơi xuống nhà nhưng vẫn còn sáng.
"Lúc đó, đất đá rơi lên mái nhà tôi rào rào, nước tràn, căn nhà phát ra tiếng răng rắc như muốn trôi luôn đi. Định thần lại, tôi nhanh chóng cầm lấy chiếc đèn pin soi xung quanh chỉ còn mỗi 1 cái lỗ to bằng thân người chui qua được. Sau đó, tôi ôm con cùng vợ từng người chui qua cái lỗ đó ra ngoài"- anh Dũng cho hay.
Anh Bùi Văn Dũng thất thần nhớ lại giây phút sinh tử
Ra ngoài, nhìn trời tối như mực, 3 người trong gia đình anh Dũng chỉ biết nhằm hướng cánh đồng trước nhà chạy thục mạng. "Tất cả chỉ diễn ra trong vòng khoảng 1 phút nhưng quá kinh hoàng, cả đời tôi chưa bao giờ trải qua như vậy"- anh Dũng như còn bàng hoàng.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Bùi Văn Khải, Chủ tịch UBND xã Phú Cường, cho biết sau khi xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng, UBND xã đã lo liệu chỗ ăn, ngủ cho những gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng. Do các nạn nhân không còn nhà cửa nên những nạn nhân xấu số bị tử vong, UBND xã cũng hỗ trợ làm rạp tổ chức đám tang chung.
16 giờ chiều 13-10, các nạn nhân đã được tìm thấy trong vụ sạt lở đã được đưa đi chôn cất.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, khoảng 1 giờ ngày 12-10, nhiều người tại xóm Khanh đang say giấc ngủ thì bất ngờ hàng ngàn mét khối đất đá sạt xuống vùi lấp 4 căn nhà cùng 18 người. Đến thời điểm trưa 13-10, 10 thi thể nạn nhân được tìm thấy.
Lực lượng chức năng tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 10
Ngay sau khi thảm họa xảy ra, UBND tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ ban đầu cho gia đình có nạn nhân tử vong 5 triệu đồng/người; UBND huyện Tân Lạc hỗ trợ 3 triệu đồng/người. Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức cứu hộ và thăm hỏi động viên gia đình, thân nhân các nạn nhân. Đoàn đã trao 250 triệu đồng giúp đỡ các gia đình nạn nhân.
Bình luận (0)