Tại hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội ở các quận Hòa Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ diễn ra ngày 8-10, nhiều cử tri bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ rất cao với việc tại Hội nghị Trung ương 8 vừa qua, trung ương đã thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tới đây.
Nhân dân tuyệt đối tin tưởng, ủng hộ
Cử tri Ngô Văn Thành, phường Điện Biên, quận Ba Đình, cho rằng dư luận nhân dân đồng tình cao khi Hội nghị Trung ương 8, có 100% các Ủy viên Trung ương thống nhất giới thiệu Tổng Bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.
Phát biểu với vai trò là một Ủy viên Trung ương vừa dự hội nghị Trung ương 8, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước đã đặt ra cách đây 20 năm. "Đến nay do điều kiện khách quan, thực tiễn đòi hỏi, phù hợp với quá trình cải cách thể chế mới thực hiện. Điều này có lợi cho Đảng, cho đất nước trong quá trình chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là có lợi cho công tác đối ngoại của Việt Nam"- ông Chung nói.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng Việt Nam đã có giai đoạn Bác Hồ làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Đảng sau đó tách ra. "Vừa rồi, không may Chủ tịch nước Trần Đại Quang đột ngột mất đi, mặc dù bệnh hiểm nghèo đã được chữa trị cả năm nay. Khuyết chức danh Chủ tịch nước, phải có người làm thay. Bộ Chính trị, trung ương chuẩn bị nhiều phương án, thảo luận rất dân chủ, trách nhiệm và nhất trí cao giới thiệu Tổng Bí thư ứng cử Chủ tịch nước. Đây là ý kiến của trung ương còn ra Quốc hội sẽ bầu"- Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí thư, không nên nói là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước. Nói tắt thì được nhưng không đúng tiêu chí. Đây là hai cơ chế khác nhau, hai cơ quan khác nhau, không thiên vai nào chính vai nào phụ. Đồng thời cũng không nói nhất thể hóa, nôm na thì đây là bầu cho một người để làm hai công việc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc tiếp xúc cử tri vào sáng 8-10 Ảnh: Hoàng Thắng
Thu hồi 36.000 tỉ đồng tham nhũng
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri cho rằng việc thu hồi tài sản tham nhũng còn khiêm tốn, việc xử lý một số vụ án tham nhũng còn chậm, việc xử lý tài sản không rõ nguồn gốc còn lúng túng.
Theo Tổng Bí thư, kê khai tài sản, công khai tài sản và kiểm soát tài sản của cán bộ đúng là việc khó, vì "nó thiên biến vạn hóa, nhiều biến tướng"; bên cạnh đó, còn liên quan tới quyền bí mật tài sản của công dân.
Đề cập đến việc xử lý các vụ án tham nhũng chậm, Tổng Bí thư cho rằng vừa qua đã khắc phục được tình trạng này một cách đáng kể. Trước có vụ bao nhiêu năm "chìm xuồng" nhưng đến nay làm vụ nào là đến nơi đến chốn. Ông Đinh La Thăng, hay ông Trịnh Xuân Thanh đã bị đưa ra xử sớm hơn so với dự kiến. Xét xử không chỉ 1 lần là xong mà có vụ kéo dài 2-3 năm vì tội này lại dính đến tội khác, ông này dính đến ông khác dắt dây nhau.
Liên quan đến hai nhân sự nguyên là ủy viên Trung ương Đảng, ông Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông) và ông Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng), Tổng Bí thư nêu rõ qua xem xét nhiều mặt, Hội nghị Trung ương vừa rồi đã kỷ luật theo quy định trong Đảng. "Đó mới chỉ là kỷ luật về Đảng, còn kỷ luật hành chính phải tương xứng, chưa kể nếu vi phạm hình sự thì phải xử lý" - Tổng Bí thư nói.
Về thu hồi tài sản tham nhũng, vụ việc kinh tế, Tổng Bí thư cho biết trước đây là khâu yếu, án treo nhiều nhưng bây giờ khắc phục được. "Năm vừa rồi đã công khai việc thu hồi tài sản, tôi nhớ là 31%, tương đương 36.000 tỉ đồng; riêng vụ MobiFone mua AVG đã thu hồi 8.500 tỉ đồng. Khi thu hồi được tài sản rồi thì phải giảm nhẹ cho người ta mức khác, cái cốt của chúng ta là thu hồi tài sản cho nhà nước, giáo dục, răn đe, ngăn ngừa để không xảy ra sai phạm và để người khác nhìn vào không dám vi phạm, mục đích cao cả lắm" - Tổng Bí thư bày tỏ.
Không gương mẫu thì làm cán bộ làm gì?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hiện Đảng đã có nhiều quy định từ 19 điều đảng viên không được làm, cho tới 27 biểu hiện suy thoái mà đảng viên phải chống.
"Ra Trung ương có ý kiến tại sao tập trung vào 200 Ủy viên Trung ương này, còn các cấp khác thì sao? Ra ngoài kẻ xấu xuyên tạc thì sao? Nhưng đã là cán bộ thì trước hết là nêu gương. Không gương mẫu thì làm cán bộ làm gì?" - Tổng Bí thư nhấn mạnh và cho rằng việc ra quy định mới không phải vì các Ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị hay Ban Bí thư hư hỏng hết mà là nhấn mạnh trách nhiệm của những lãnh đạo cao cấp của Đảng.
Bình luận (0)