Ngày 29-11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới".
Cốt lõi của văn hóa Việt Nam
Hội thảo là sự kiện quan trọng nhằm nhìn lại kết quả 1 năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổ chức ngày 24-11-2021.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Các báo cáo tại hội thảo nêu rõ con người Việt Nam luôn có sẵn trong tâm hồn những giá trị thiêng liêng, cao quý đó là "yêu nước", "đoàn kết", "tự cường". Đây chính là nguồn sức mạnh to lớn để dân tộc ta chiến thắng kẻ thù xâm lược, bền chí dựng xây đất nước, hình thành nên những giá trị quốc gia, đó là "hòa bình", "thống nhất", "độc lập", "dân giàu", "nước mạnh".
Bàn về hệ giá trị gia đình, PGS-TS Đặng Thị Hoa, Viện trưởng Viện Tâm lý học, khẳng định văn hóa gia đình là một trong những cốt lõi của văn hóa Việt Nam, là nơi khởi nguồn sinh ra và nuôi dưỡng con người trưởng thành. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình trong thời kỳ hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước. "Các giá trị cốt lõi của gia đình được xác định là trọng tâm trong xây dựng con người Việt Nam mới với những giá trị chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, lối sống lành mạnh" - bà Hoa nhấn mạnh.
Trong khi đó, PGS-TSKH Lương Đình Hải, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng trong các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người nói riêng là một trong những nguồn lực nhân văn vĩ đại của quốc gia - dân tộc, là nguồn lực nội sinh đặc biệt. "Các thế hệ ông cha trong lịch sử đã khai thác, phát huy và phát triển rất hiệu quả các hệ giá trị Việt Nam nói chung, hệ giá trị con người nói riêng. Chính vì thế, các thế hệ, các chủ thể, cả hôm nay và ngày mai cần biết trân trọng, khơi dậy, khai thác, phát huy và phát triển nguồn lực nội sinh đặc biệt, vô giá này" - PGS Lương Đình Hải nhấn mạnh.
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo Ảnh: Hà Đặng
Xây dựng hệ giá trị quốc gia
Tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định tính cấp thiết và ý nghĩa vô cùng quan trọng của việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Việc xây dựng và thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa là góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nâng cao sự đồng thuận xã hội, tạo nên sức mạnh tổng lực của quốc gia.
Nhìn từ góc độ vĩ mô, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm (ĐHQG TP HCM) cho rằng việc xây dựng những hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa góp phần soi chiếu và định ra những chiến lược phát triển của đất nước trong hiện tại và tương lai.
Còn theo GS-TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, giá trị quốc gia được hình thành và củng cố trong lịch sử phát triển dài lâu, đôi khi thấm đẫm máu và nước mắt của các dân tộc. Mặc dù có nền tảng từ truyền thống, hệ giá trị quốc gia luôn luôn vận động, biến đổi, được bồi đắp, bổ sung trong quá trình phát triển phù hợp với yêu cầu của thời đại.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - thì nêu rõ: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học là "hệ giá trị tổng quát", "hệ giá trị gốc", "hệ giá trị chủ đạo", mà từ đó có thể triển khai thành các "hệ giá trị bộ phận", "hệ giá trị cụ thể", "hệ giá trị phái sinh" cho sát hợp hơn với từng đối tượng, thành phần, ngành nghề, lứa tuổi trong xã hội.
TS Hồ Bá Thâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài TP HCM:
Cần cụ thể hóa thành chuẩn mực
Muốn các giá trị con người Việt Nam đi vào cuốc sống phải cụ thể hóa thành chuẩn mực phù hợp với từng đối tượng và hoàn cảnh. Chính các chuẩn mực sẽ điều chỉnh ý thức và hành vi của mọi người và qua quá trình thực hiện các chuẩn mực thì giá trị con người được củng cố bền vững hơn. Trước mắt, tập trung cụ thể hóa và thực hiện những chuẩn mực từ 8 giá trị cốt lõi của con người Việt Nam hiện nay. Đó là yêu nước - đoàn kết - tự cường - nghĩa tình - trung thực - trách nhiệm - kỷ cương - sáng tạo.
Ông Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM:
Phát huy giá trị cộng đồng, nghĩa tình
Người Việt Nam có truyền thống sống nghĩa tình, "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn". Đó là giá trị cộng đồng, giá trị văn hóa, nghĩa tình của người Việt.
Nghĩa tình đã được Đảng bộ TP HCM định hướng từ nhiều nhiệm kỳ. Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ TP HCM lần thứ X xác định mục tiêu xây dựng "TP HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình". Nghĩa tình đã trở thành đặc trưng của tính cách, đặc trưng trong văn hóa ứng xử, tư duy hành động của người dân TP HCM. Đại dịch COVID-19 vừa rồi là một minh chứng sinh động nhất cho giá trị cộng đồng, giá trị nghĩa tình, sẵn sàng chia sẻ trong hoạn nạn, khó khăn của người Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng.
TS Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch:
Gia đình hạnh phúc là nền tảng
Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc và là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển bền vững của đất nước. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chỉ thị 16 là sự tiếp nối quan trọng, thể hiện tầm nhìn của Đảng về công tác gia đình trong tình hình mới.
Có thể nói, hệ giá trị gia đình chính là phần hồn cốt của gia đình, cũng chính là phần lõi của hệ giá trị quốc gia, dân tộc.
Đầu tư cho công tác phát triển gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững. Xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam phát triển bền vững là nền tảng xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh, là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn thịnh, hạnh phúc và đa dạng bản sắc văn hóa.
Phan Anh ghi
Sức mạnh tổng hợp
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là "khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người, là quan trọng nhất".
Để thực hiện quan điểm đó, Đại hội XIII đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng yếu là xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó, việc tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới có vai trò đặc biệt quan trọng.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhắc lại tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng cũng nhấn mạnh "phát triển văn hóa là một trong những vấn đề trọng tâm, một nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng".
Bình luận (0)