Trong tham luận gửi tới hội thảo "Phát huy vai trò nòng cốt của quân đội anh hùng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh" do Bộ Quốc phòng và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức mới đây, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), cho biết đầu những năm 1960, tình hình chính trị - xã hội ở khu vực biên giới diễn biến phức tạp, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Khu vực biên giới ở miền núi xảy ra các vụ nổi phỉ, bạo loạn vũ trang, xưng vua, gián điệp, biệt kích…
"Biên giới lòng dân"
Bộ Tư lệnh Công an Nhân dân vũ trang đã chỉ đạo các đơn vị BP phát động phong trào bảo vệ trị an gồm 7 nội dung, trọng tâm là phát động quần chúng xây dựng phòng tuyến nhân dân chống gián điệp, biệt kích, tập kích vũ trang và chống bọn phản động lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo.
Đầu những năm 1980, cùng với tiến trình phân giới, cắm mốc tuyến biên giới Việt Nam - Lào, một số chủ hộ ở Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa đã vận động con cháu tổ chức phát quang cột mốc ở gần khu vực nương rẫy của mình, xếp đá, làm hàng rào bảo vệ cột mốc. Hoạt động này đã được đồng bào khu vực biên giới hưởng ứng, nhân rộng, phát triển ra hầu hết các tỉnh có đường biên.
Để nâng cao hiệu quả phong trào, Bộ Tư lệnh BĐBP đã đề xuất, ban hành nhiều chỉ thị về tổ chức phong trào "Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự xóm (bản) khu vực biên giới", "Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới". Người dân đã tự giác tham gia các phong trào tự quản, tạo ra được một đường biên giới vô hình - "biên giới lòng dân" vững chắc.
Bộ đội Biên phòng Đồn Lóng Sập (huyện Mộc Châu, Sơn La) 7 năm qua đã nhường suất ăn của mình để dành nấu bữa sáng cho học sinh Ảnh: VĂN ĐẠT
Qua các thời kỳ, dưới nhiều hình thức nhưng phong trào vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là việc làm sáng tạo của BĐBP.
BĐBP tỉnh Điện Biên được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới quốc gia dài hơn 455 km, tiếp giáp với Trung Quốc và Lào. Đại tá Nguyễn Thanh Dịu, Chính ủy BĐBP Điện Biên, cho biết với vị trí quan trọng, Điện Biên được coi là phên giậu của cực Tây Tổ quốc. BĐBP tỉnh đã triển khai sâu rộng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân.
Đến nay, 78 thôn, bản, 32 tập thể và 4.627 hộ đăng ký tự quản 367 km đường biên; 3.878 hộ đăng ký tự quản 150 cột mốc; 350 tổ/2.053 thành viên đăng ký tự quản về an ninh trật tự.
Thiếu tá Vũ Hải Giang, Chính trị viên Đồn BP Mường Mươn (Điện Biên), cho biết đơn vị quản lý 3 xã biên giới thuộc huyện Mường Chà với đường biên giới với Lào; có 7 mốc quốc giới (từ mốc 78 đến mốc 84)... Hiện nhiều bản sát biên giới triển khai thực hiện phong trào "Quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc và an ninh trật tự thôn, bản khu vực biên giới".
Theo Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sơn La, ở khu vực biên giới của tỉnh Sơn La đã thành lập 72 tổ tự quản đường biên, mốc giới với 576 thành viên; 276 tổ tự quản an ninh trật tự với 1.770 thành viên tham gia tự quản hơn 274 km đường biên và 125 cột mốc giới.
"Dù mỗi giai đoạn có hình thức khác nhau nhưng phong trào quần chúng tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới, giữ vững an ninh vùng biên cương luôn được duy trì và phát triển, khẳng định vai trò của nhân dân, đóng góp to lớn vào bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia" - Trung tướng Hoàng Xuân Chiến nói.
Những người cha đỡ đầu
Đồn BP Cửa khẩu Lóng Sập đóng quân trên địa bàn xã Lóng Sập (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) tiếp giáp với huyện Sốp Bâu (tỉnh Hủa Phăn - Lào). Đơn vị phụ trách 2 xã biên giới, quản lý bảo vệ 31,147 km đường biên giới, 17 cột mốc quốc giới, có 1 cửa khẩu chính.
Đại úy Mai Thế Cảnh, Chính trị viên phó Đồn BP Cửa Khẩu Lóng Sập, cho biết mô hình "Bữa sáng cho em" tại điểm Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lóng Sập cùng điểm Trường Mầm non bản Puốc Pát (xã Lóng Sập) đã duy trì được 7 năm nay. Kinh phí do cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tự nguyện đóng góp qua lương, phụ cấp hằng tháng. Mỗi ngày, đơn vị sẽ nấu bữa sáng cho các em.
Ông Đỗ Văn Kiệm, Phó Hiệu trưởng Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lóng Sập, kể rằng khi mới tập trung 12 điểm trường lẻ về đây, tưởng chừng như sẽ không thể duy trì nổi vì khó khăn đủ đường. Nếu không có lực lượng BĐBP thì nhà trường cũng không biết phải kêu gọi từ đâu để có thể duy trì trường lớp.
Thực hiện chương trình "Nâng bước em tới trường", cán bộ, chiến sĩ các phòng, văn phòng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động và 10 Đồn BP, các cá nhân, tổ chức nhận đỡ đầu 82 học sinh (trong đó có 10 học sinh Lào) ở khu vực biên giới có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ 500.000 đồng/cháu/tháng cho đến học xong THPT.
Còn tại Đồn BP Thanh Luông - đơn vị quản lý đoạn biên giới dài 14 km với 7 mốc quốc giới (từ mốc 99 đến mốc 105), trung tá Đặng Văn Chiến, Chính trị viên, cho biết đơn vị đã nhận đỡ đầu 11 học sinh trên địa bàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức hỗ trợ 500.000 đồng/cháu/tháng. Nguồn kinh phí được trích từ lương của các cán bộ, chiến sĩ cũng như huy động các nguồn hỗ trợ khác từ doanh nghiệp.
Trong số những học sinh được nâng bước, có nhiều câu chuyện xúc động được thiếu úy Quàng Anh Quân, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn BP Thanh Luông, kể lại. Cách đây 5 năm, khi cán bộ Đội Vận động quần chúng xuống đội 16, xã Thanh Nưa làm nhiệm vụ đã gặp Lường Văn Nghĩa (SN 2008) ốm nặng trong một ngôi nhà dột nát. Bố mẹ phải đi xa làm thuê, Nghĩa mắc bệnh thiếu máu nặng nhưng ông bà không có tiền đưa em đi chữa trị.
Cán bộ Đội Vận động quần chúng đã quyên góp tiền đưa Nghĩa đến bệnh viện, kịp thời cứu mạng sống và sau đó hỗ trợ kinh phí để em tới trường. Các cháu Phạm Thị Thanh Hải (SN 2004, ở đội 19, xã Thanh Luông); Lường Văn Nam (SN 2006, ở bản Hồng Lệnh, xã Thanh Nưa); Tòng Thị Yến (SN 2006, ở bản Hua Pe, xã Thanh Luông) hay Lường Thị Thoa (ở đội 8, xã Thanh Hưng) cũng nhờ BĐBP mới có cơ hội đến trường.
Kỳ tới: Thế trận lòng dân vững chắc
Bình luận (0)