Sáng 30-6, tại huyện Nhà Bè (TP HCM) UBND huyện Nhà Bè phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM tổ chức Hội thảo khoa học Tiềm năng và triển vọng phát triển huyện Nhà Bè thành đô thị vệ tinh của TP HCM. Hội thảo đã nghe các nhà lãnh đạo, quản lý; các chuyên gia, nhà khoa học; các cơ quan, đơn vị.... đưa ra giải pháp để hướng đến mục tiêu xây dựng huyện Nhà Bè trở thành đô thị vệ tinh của TP HCM.
Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Triệu Đỗ Hồng Phước phát biểu tại Hội thảo
Mở đầu phần trình bày của mình, ông Phan Chánh Dưỡng - Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Trường Đại học Fulbright - nhắc lại câu chuyện lúc ông và các chuyên gia lựa chọn địa điểm xây dựng khu chế xuất Tân Thuận cách đây hàng chục năm. Theo ông Dưỡng, khu chế xuất Tân Thuận được xây dựng từ một vùng đất ngập mặn nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế cho TP HCM cũng như cả nước.
Từ dẫn chứng trên, ông Dưỡng cho rằng huyện Nhà Bè cũng sẽ thành công trong việc trở thành đô thị vệ tinh của TP HCM với sự phát triển mạnh về nhiều mặt. Ông Dưỡng nhấn mạnh: "Nhà Bè đừng ngại vì là vùng đất ngập mặn. 300 năm trước Sài Gòn cũng được xây dựng bắt đầu từ vùng đất ngập mặn".
Ông Phan Chánh Dưỡng phát biểu tham luận
Vị giảng viên Trường Đại học Fulbright cũng đã chỉ ra những ưu thế trong việc xây dựng Nhà Bè thành một khu đô thị vệ tinh của TP HCM. Đó là: Khu chế xuất Tân Thuận; tuyến đường Bắc Nhà Bè – Nam Bình Chánh (đại lộ Nguyễn Văn Linh); khu đô thị mới Nam TP HCM (Nam Sài Gòn); khu công nghiệp cơ bản Hiệp Phước; chương trình nạo vét sông Soài Rạp; dự án xây dựng Trục lộ Bắc Nam; Cảng nước sâu tổng hợp Hiệp Phước; tuyến cao tốc Bến Lức (Long An) – Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Tương tự, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP HCM, cũng cho rằng huyện Nhà Bè có nhiều lợi thế như về sông nước, về mảng xanh, nghỉ dưỡng và phát triển du lịch sinh thái. Những lợi thế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để huyện Nhà Bè phát triển thành thành phố vệ tinh của TP HCM thay vì chuyển lên quận.
PGS. TS Trần Hoàng Ngân đề xuất đưa huyện Nhà Bè trở thành TP thay vì trở thành quận
Theo PGS. TS Trần Hoàng Ngân, cần có cơ sở pháp lý để phát huy hết tiềm năng và lợi thế của huyện Cần Giờ. "Cũng như TP Thủ Đức, huyện Nhà Bè sẽ chuẩn bị những điều kiện nhất định để trở thành đô thị vệ tinh. Bên cạnh đó, cần tăng đầu tư, nhất là đầu tư về hạ tầng kết nối. Cần có thể chế phân cấp ủy quyền cho thành phố đô thị vệ tinh Nhà Bè phát triển. Ngoài ra cũng cần chú trọng phát triển nhân sự của một thành phố phát triển theo hướng kinh tế số, xã hội số và chính quyền số" - PGS. TS Trần Hoàng Ngân nói.
PGS. TS Trần Hoàng Ngân đề xuất đưa huyện Nhà Bè lên Thành phố. Video: LÊ VĨNH
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, nêu ý kiến Nhà Bè nên trở thành TP Nhà Bè chứ không phải là quận Nhà Bè. Ông Châu cũng nhấn mạnh rằng TP Nhà Bè trong tương lai nên bao gồm cả không gian của quận 7 và huyện Nhà Bè hiện nay.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng chỉ ra những thách thức mà huyện Nhà Bè đang phải đối mặt. Đó là biến đổi khí hậu; nền địa chất yếu; ngập nước; sạt lở; thiếu nước ngọt... và để phát triển huyện Nhà Bè trong thời gian tới thì cần phải tháo gỡ nhiều "nút thắt cổ chai" đang tồn tại.
Một trong những "nút thắt cổ chai" này là hệ thống hạ tầng giao thông. "Hệ thống hạ tầng giao thông đang là trở ngại lớn trong quá trình phát triển của địa phương. Ba trục đường Bắc-Nam đi qua huyện Nhà Bè gồm đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Tất Thành và Lê Văn Lương đều đang quá tải. Nếu tháo được các nút thắt giao thông này thì huyện Nhà Bè sẽ phát triển" - ông Châu nói.
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học
Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Triệu Đỗ Hồng Phước cho biết các bài tham luận, ý kiến thảo luận, phát biểu của các nhà khoa học, chuyên gia, học giả, các nhà quản lý là thông tin bổ ích cho huyện Nhà Bè. "Đây là cơ sở thực tiễn và khoa học để huyện Nhà Bè tham khảo, đề xuất với TP HCM mô hình phát triển huyện nhà trong tương lai, phù hợp với chủ trương, định hướng chung của thành phố và đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao mức sống của người dân" - ông Phước nói.
Bình luận (0)