Trong thời gian dự trữ, việc quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thực hiện các dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải tuân thủ Nghị định 51/2021/NĐ-CP ngày 1-4-2021 của Chính phủ về quản lý khoáng sản tại các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, quy định của pháp luật về khoáng sản.
Các giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép trước ngày 1-11-2023 mà không thuộc khoáng sản dự trữ nêu trên thì tiếp tục thực hiện theo nội dung giấy phép đã cấp và quy định của pháp luật về khoáng sản.
Các khu vực có khoáng sản không thuộc loại khoáng sản dự trữ đã được đưa vào quy hoạch khoáng sản liên quan mà chưa cấp phép thăm dò, khai thác hoặc chưa đưa vào quy hoạch khoáng sản có liên quan thì được quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác nhưng không được ảnh hưởng đến khoáng sản đã khoanh định là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Quyết định 1277/QĐ-TTg cũng giảm diện tích dự trữ titan của tỉnh Bình Thuận còn 54.317 ha, đồng thời quy hoạch vùng dự trữ titan thành 12 khu vực, với thời gian thành 3 loại là 30 năm, 50 năm và 70 năm.
Một dự án khai thác titan dọc biển tỉnh Bình Thuận
Đại diện Hiệp hội Du lịch Bình Thuận cho rằng các khu vực quy hoạch titan từ nhiều năm trước kéo dài từ huyện Tuy Phong đến huyện Hàm Tân, trong đó có những nơi ven biển, địa thế đẹp để phát triển du lịch, dịch vụ, bất động sản, hạ tầng giao thông...
Tuy nhiên, việc chồng lấn giữa quy hoạch titan với các quy hoạch phát triển kinh tế đã khiến nhiều vùng đất ven biển lạc nhịp, chậm đi cơ hội. Quyết định 1277/QĐ-TTg sẽ là chìa khóa để Bình Thuận tháo gỡ nút thắt về chồng lấn trong quy hoạch titan, thúc đẩy các hoạt động kinh tế ven biển, nhất là du lịch vốn còn nhiều tiềm năng.
Thống kê chưa đầy đủ, khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và quy hoạch khai thác titan của Bình Thuận có tổng diện tích hơn 102.227 ha, chiếm 13% diện tích tự nhiên của tỉnh, phân bố chủ yếu dọc ven biển. Trong đó, trữ lượng titan gần 600 triệu tấn, chiếm 90% trữ lượng titan của cả nước.
Trước đó, trong buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường vào tháng 8-2023, ông Phan Văn Đăng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận, nêu rõ địa phương cần thêm không gian để phát triển và thu hút các dự án có quy mô lớn ở ven biển nhưng phần lớn khu vực ven biển đều nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sau đó đã lấy ý kiến của một số bộ liên quan. Trong đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Bộ Quốc phòng thống nhất đề xuất của Bình Thuận về việc điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch dự trữ khoáng sản titan, diện tích khoảng 10.630 ha.
Bình luận (0)