Những năm qua, ngành tôm Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng đã đạt được bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, thương hiệu tôm Việt vẫn chưa được công nhận rộng rãi trên thị trường thế giới về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), trách nhiệm môi trường và xã hội.
Truy xuất nguồn gốc còn yếu
Theo Tổ chức Nông Lương của Liên Hiệp Quốc (FAO), thị trường tôm toàn cầu trị giá khoảng 40 tỉ USD, trong đó giá trị tôm thương mại toàn cầu ước đạt 28 tỉ USD/năm, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng nuôi ở các nước châu Á và Mỹ Latin.
Do giá cả phù hợp nên Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ lớn của ngành tôm Việt Nam. Dự báo, tầng lớp trung lưu tăng nhanh tại thị trường đông dân nhất thế giới sẽ giúp ngành tôm duy trì tăng trưởng 10%/năm, ước đạt 600 triệu USD/năm. Đối với thị trường khó tính như Mỹ, trong năm 2020, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường này tăng 7%, đạt mức 700 triệu USD/năm. Theo đó, tôm nhập khẩu vào Mỹ phải có giấy phép thương mại thủy sản quốc tế và áp thuế chống bán phá giá...
Ngành tôm Việt Nam đã có những cải tiến công nghệ để phát triển bền vững nhưng vẫn còn một số tồn tại như: chi phí sản xuất cao, từ 10%-15% so với đối thủ cạnh tranh; quản lý chất lượng ATVSTP, truy xuất nguồn gốc còn yếu…
Với mục đích phát triển bền vững và điều phối ngành tôm, Liên minh Tôm sạch Việt Nam (VSSA) được thành lập nhằm hỗ trợ thành viên tiếp cận và vận động chính sách, phát triển thương hiệu tôm Cà Mau và Việt Nam trên thị trường thế giới, thúc đẩy cải tiến công nghệ sản xuất, tăng cường liên kết chuỗi…
Ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Chủ tịch VSSA - cho rằng chúng ta cần đánh giá chính xác hiện trạng và dự báo tình hình. Theo đó, phạm vi dự báo không chỉ chuỗi ngành hàng tôm trong nước mà còn cả thế giới. Cụ thể như dự báo về nhu cầu của thị trường, triển vọng ngành tôm...
Giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với đối thủ cạnh tranh. Ảnh: NGỌC TRINH
Đánh giá đúng lợi thế và thách thức
Cà Mau có chiều dài bờ biển gần 254 km, hệ thống kênh, rạch đan xen và diện tích rừng ngập mặn lớn nhất cả nước. Đây là tiềm năng để địa phương phát triển kinh tế thủy sản nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng. Theo thống kê, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh ở mức 300.000 ha, sản lượng tôm đạt khoảng 180.000 tấn/năm, chiếm 22% tổng sản lượng tôm toàn quốc.
Sự ra đời của VSSA đã tạo được hiệu ứng tích cực tại "thủ phủ" tôm Cà Mau. Qua đây, người dân mong muốn ngành chức năng sẽ tạo được sự liên kết giữa nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp và hộ dân để đưa thương hiệu tôm "made in Việt Nam" vươn xa.
Chia sẻ tại hội thảo "Tham vấn chiến lược phát triển liên minh tôm sạch và phát triển bền vững" vừa tổ chức tại Cà Mau, TS Nguyễn Văn Giáp, thành viên nhóm tư vấn xây dựng chiến lược VSSA, khẳng định ngành tôm có nhiều triển vọng bởi theo dự báo của nhiều tổ chức thì nhu cầu tôm của thế giới sẽ tăng nhanh. Song các nhà sản xuất tôm có nguy cơ cao bị từ chối nhập khẩu, gây thiệt hại nặng về kinh tế và thương hiệu do thị trường quốc tế gia tăng áp dụng các quy định nghiêm ngặt về ATVSTP, không kháng sinh và phụ gia.
Ngành tôm Việt Nam đã tạo ra 3,7 tỉ USD từ xuất khẩu sang Mỹ, EU, Hàn Quốc… nhưng thiếu khả năng truy xuất nguồn gốc. "Tôm Việt Nam có một số lần bị từ chối nhập khẩu thuộc nhóm cao nhất trên thế giới, điều đó đã ảnh hưởng đến uy tín ngành. Đây là cơ hội để đối thủ cạnh tranh lấn chiếm thị phần" - TS Nguyễn Văn Giáp chia sẻ.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho biết VSSA ra đời giúp ngành tôm tăng khả năng cạnh tranh và mang lại lợi nhuận tốt nhất. Muốn đạt được mục đích trên, cần đánh giá đúng lợi thế, thách thức và thế mạnh của ngành. Sở dĩ ngành tôm Việt Nam tồn tại đến ngày nay là do công nghệ chế biến của chúng ta thuộc diện hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, các đối thủ cạnh tranh đang cải thiện công nghệ và gần bắt kịp nên lợi thế trên đã và đang dần mất đi. Bên cạnh đó, giá thành tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn rất nhiều so với đối thủ cạnh tranh. Cụ thể, giá tôm Ấn Độ chào bán trên thị trường thấp hơn Việt Nam trên 40%. Nếu mất lợi thế về giá trị chế biến thủy sản cao cấp thì tôm Việt Nam sẽ mất khả năng cạnh tranh.
Sẽ "chết" nếu thiếu sức cạnh tranh
Theo ông Lê Văn Quang, chúng ta sản xuất mang tính nhỏ lẻ nên việc truy xuất nguồn gốc gặp khó, chi phí sản xuất tăng cao. Sự cạnh tranh trong ngành tôm đang diễn ra rất khốc liệt, bởi không chỉ cạnh tranh trong nước mà còn đối với các đối thủ trực tiếp như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador... Nếu không tổ chức lại sản xuất, chỉ khoảng 5 năm nữa, ngành tôm Việt Nam sẽ "chết" bởi không còn khả năng cạnh tranh.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)