Ngày 19-7, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng 6 tháng trên địa bàn TP. Sốt ruột trước dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1, trị giá gần 10.000 tỉ đồng) và xây dựng các nhà máy đốt rác chậm tiến độ, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, ngành báo cáo.
Tháng 6-2020 sẽ vận hành "siêu" dự án chống ngập
Đầu tiên là dự án chống ngập, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP, cho biết hiện nay, khối lượng thi công dự án đã đạt 75%. Hiện huyện Bình Chánh và Nhà Bè còn hơn 10 hộ dân chưa di dời nên mặt bằng thi công bị vướng. Báo cáo thêm, đại diện UBND huyện Nhà Bè nói huyện đang tích cực vận động người dân sớm giao mặt bằng. Trong đó có người dân ở khu vực cống Phú Xuân, cống Mương Chuối và cống Cây Khô. Thế nhưng, hiện chỉ có khu vực cống Cây Khô có đủ cơ sở pháp lý để tiến hành các bước bồi thường.
Các lãnh đạo UBND TP HCM tại cuộc họp ngày 19-7
Liên quan đến điểm vướng này, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết không phải người dân không đi mà họ đang chờ bồi thường, hỗ trợ. Nhưng có cái khó là phần lớn người dân sống trên kênh rạch nên bồi thường không nhiều mà chủ yếu là hỗ trợ. "Tuy là vậy nhưng quan điểm của TP là tất cả đều phải được tái định cư mặc dù người dân không đủ điều kiện tái định cư. Tái định cư tính trên đầu người. Hơn nữa, TP sẽ vận dụng tối đa các hỗ trợ để tạo điều kiện cho bà con có chỗ ở mới" - ông Hoan nêu hướng tháo gỡ.
Về vấn đề gia hạn tái cấp vốn gặp khó trong thời gian qua, ông Hoan cho biết TP đã làm việc với Ngân hàng BIDV. Các bên cùng thống nhất một số việc, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ để gỡ. "Ngân hàng sẽ "chủ xị" hướng dẫn cho TP, nhà đầu tư các thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ để giải quyết vấn đề gia hạn thời gian cấp vốn. Cái này rất quan trọng, gỡ được thì dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ" - ông Hoan nói. Trước những động thái trên, Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách đô thị khẳng định đến cuối năm 2019 dự án cơ bản hoàn thành. Đến tháng 6-2020, dự án sẽ chính thức đi vào vận hành.
Gút lại vấn đề, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định đây là dự án người dân TP rất quan tâm. Vì tình hình ngập của TP ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống người dân. Do đó, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ để công trình sớm đi vào hoạt động.
Rút ngắn quy trình đấu thầu các dự án đốt rác
Nói về việc cải tiến công nghệ xử lý rác để giảm ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND TP tỏ ra sốt ruột khi TP mất 2 năm kêu gọi đầu tư nhưng chưa có nhà máy xử lý rác hiện đại. Mùi hôi từ các bãi rác lan ra khiến người dân rất bức xúc. Ông phê bình: "Riêng việc này tôi thấy Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) không quyết liệt. Đáng lẽ sở phải ra đầu bài cho các nhà đầu tư, nếu họ không chuyển đổi công nghệ thì phải đình chỉ".
Giải trình, Giám đốc Sở TN-MT TP Nguyễn Toàn Thắng cho biết hiện TP có 3 nhà máy xử lý rác với tổng công suất hơn 8.000 tấn mỗi ngày là Đa Phước, Tâm Sinh Nghĩa và VietStar, trong đó khoảng 5.000 tấn chôn lấp hợp vệ sinh. Theo ông Thắng, sở đang thực hiện một số giải pháp để bảo đảm lộ trình giảm tỉ lệ rác chôn lấp trên địa bàn TP còn dưới 50% vào cuối năm 2020 theo nghị quyết HĐND TP. "Cách làm là xây dựng nhà máy công nghệ mới bên cạnh nhà máy xử lý cũ. Sau khi hoàn thành sẽ chuyển đổi hoàn toàn việc xử lý rác sang nhà máy mới. Dự kiến quý IV/2019 sẽ khởi công 2 nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện với công suất mỗi nhà máy 3.000 tấn/ngày" - ông Thắng nói.
Cũng theo ông Thắng, hiện 2 nhà máy này đang làm thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép xây dựng để triển khai dự án. Sở cũng đã yêu cầu đến cuối năm 2020 phải đưa vào vận hành 2 nhà máy này. Nếu không chuyển đổi công nghệ buộc phải dừng một phần hợp đồng đã ký trước đây với các nhà máy. Còn chủ đầu tư nhà máy xử lý rác Đa Phước cũng cam kết chuyển 2.000 tấn rác mỗi ngày sang hình thức đốt, thu khí gas để giảm ô nhiễm môi trường.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác mới mà TP đã đồng ý chủ trương, Sở TN-MT sẽ tham mưu UBND TP rút ngắn quy trình đấu thầu để đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Dự kiến đến quý II/2020 sẽ khởi công nhà máy xử lý rác công suất 1.000 tấn/ngày. Nghe tới đây, Chủ tịch UBND TP đánh giá phần trả lời của ông Thắng như "lời cam kết về tiến độ".
Ngoài các vấn đề trên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cũng đưa ra từng đầu việc cho các sở, ngành trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể, Sở Tài chính TP xây dựng đề án sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công; phối hợp xây dựng đề án sắp xếp lại các đơn vị thuộc sở hữu nhà nước của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn TP với khoảng 2.000 địa chỉ. Sở Nội vụ TP đánh giá hiệu quả, kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện 85 nhiệm vụ ủy quyền; sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Sở Xây dựng TP đẩy nhanh tiến độ thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận, huyện quản lý; siết chặt công tác cấp phép và quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.
Gấp rút thực hiện vấn đề Thủ Thiêm
Liên quan đến khiếu kiện ở dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT), Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết UBND quận 2 đã lập kế hoạch mời từng hộ dân đến làm việc. Kết quả tiếp xúc sẽ được tổng hợp báo cáo lãnh đạo TP.
Về kết luận mới nhất mà Thanh tra Chính phủ vừa công bố, ông Nguyễn Thành Phong nói đây là kết luận về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý đầu tư dự án KĐTMTT, hiện UBND TP đã dự thảo kế hoạch thực hiện trình Thường vụ Thành ủy TP HCM. TP cũng đang hoàn thiện kế hoạch, xin ý kiến các bộ, ngành trung ương để thực hiện theo kết luận này.
Bình luận (0)