Trong chuyến công tác tại TP HCM, chiều 20-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo TP HCM về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh và thực hiện các dự án đầu tư.
"Cởi trói" 2 tuyến metro
Đoàn công tác của Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, cùng lãnh đạo các bộ - ngành trung ương. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết năm 2020, UBND TP đã giao và phân bố chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công của TP với tổng số vốn là 41.691 tỉ đồng (làm tròn số); trong đó vốn ngân sách TP 33.940 tỉ đồng, vốn ngân sách trung ương 7.751 tỉ đồng. Tính đến ngày 15-7, khối lượng giải ngân đạt 18.836 tỉ đồng, đạt trên 45% kế hoạch vốn đã giao, cao hơn về giá trị tuyệt đối lẫn tỉ lệ giải ngân so với cùng kỳ. Nếu tính theo khối lượng hoàn thành đang thực hiện các thủ tục thanh - quyết toán thì tỉ lệ giải ngân đạt 48,7% kế hoạch vốn đã giao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng làm việc với lãnh đạo UBND TP HCM, ngày 20-7. (Ảnh do Trung tâm Báo chí TP HCM cung cấp)
Mặc dù hiện nay tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP cao hơn tỉ lệ giải ngân chung của cả nước nhưng TP vẫn gặp không ít khó khăn. Mục tiêu đặt ra là đến tháng 10-2020, TP sẽ giải ngân đạt 80% kế hoạch vốn; đến cuối năm đạt trên 95%. Từ đó, lãnh đạo TP HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét, giải quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nhằm đóng góp cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế thời kỳ sau dịch Covid-19. UBND TP kiến nghị hàng loạt giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các công trình giao thông trọng điểm ở TP.
Theo đó, đối với tuyến đường sắt đô thị (metro) số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), nếu muốn hoàn thành trong năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xem xét bố trí bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương trong hạn mức kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 còn lại của dự án chưa được bố trí là hơn 3.676 tỉ đồng. Về dự án xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), TP kiến nghị Thủ tướng cho phép thực hiện điều chỉnh cơ cấu các khoản mục chi phí nhằm đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng độc lập, bảo đảm không tăng tổng mức đầu tư của dự án theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Dự kiến thực hiện giải ngân cho các dự án đền bù giải phóng mặt bằng phục vụ cho dự án tuyến metro số 2 trong năm 2020 sẽ đạt khoảng 3.000 tỉ đồng, góp phần làm tăng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công.
Nhiều dự án trọng điểm bị tắc
Cùng với 2 tuyến metro trên, nhiều dự án trọng điểm khác về hạ tầng của TP HCM cũng đang gặp nhiều khó khăn, triển khai chậm hoặc chưa triển khai do còn vướng thủ tục, pháp lý đầu tư.
Đối với các dự án đường trọng điểm, đến nay tuyến Vành đai 2 mới chỉ khép kín 50,2 km/64,1 km; Vành đai 3 mới đầu tư được 16,3 km/89,3 km (18%) và Vành đai 4 vẫn xây dựng. Trước mắt, TP HCM đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng; mong muốn Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.
Đối với tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), dự án này đi qua 2 địa phương với chiều dài 50 km. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 13.614 tỉ đồng; trong đó, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng 5.117 tỉ đồng. Phương thức đầu tư dự kiến theo hình thức PPP (BOT); nhà nước hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. TP HCM khiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có ý kiến hướng dẫn cụ thế quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư, triển khai dự án này, trong đó bao gồm cả việc xác định cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan phê duyệt dự án hoặc các nội dung ủy quyền cần thiết.
Về dự án Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP cho biết dự án này do Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh (gọi tắt là Công ty Đại Quang Minh) thực hiện, gồm 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm theo hình thức BT. Giá trị quyền sử dụng đất các lô đất đã thanh toán cho nhà đầu tư khoảng 12.490 tỉ đồng. Phần chênh lệch giữa giá trị quyền sử dụng đất và chi phí đầu tư tạm tính khoảng 4.225 tỉ đồng. Trong đó, Công ty Đại Quang Minh đã nộp ngân sách 2.376 tỉ đồng; còn thiếu khoảng 1.849 tỉ đồng (theo Kết luận Thanh tra là 1.800 tỉ đồng) chưa nộp ngân sách. Để cân đối phần kinh phí nộp ngân sách còn thiếu, Công ty Đại Quang Minh đề xuất được thực hiện thêm dự án nói trên với tổng mức đầu tư 8.265 tỉ đồng.
"Do đây là một công trình công cộng có ý nghĩa quan trọng trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị lớn, TP HCM xin ý kiến Thủ tướng chỉ đạo về việc triển khai thực hiện dự án trong thời gian sắp tới để bảo đảm phù hợp với các quy định có liên quan" - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong kiến nghị.
Ngoài ra, TP HCM cũng kiến nghị Thủ tướng giao các bộ, ngành sớm có hướng dẫn cụ thể về việc tiếp tục thực hiện chủ trương bổ sung công trình xây dựng 4 cầu, nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới vào dự án BT xây dựng hạ tầng khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm phù hợp với các quy định liên quan.
Đồng ý với toàn bộ kiến nghị của TP HCM
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ mặc dù thời gian qua, TP HCM đã có nhiều cố gắng trong nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid-19 nhưng tăng trưởng vẫn ở mức thấp. "Trong 6 tháng đầu năm, TP HCM chỉ đạt mức tăng trưởng 1,02%. Lý do là ngành dịch vụ chiếm 60% GDP của TP bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, trong khi từ trước đến nay mức tăng trưởng của TP luôn cao hơn 1,3 - 1,5 lần cả nước. Điều này đang ảnh hưởng đến tình hình chung của cả nước" - Thủ tướng nêu rõ.
Đối với đầu tư công, Thủ tướng hoan nghênh TP HCM đã chủ động, có những biện pháp quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công như tổ chức giao ban thường xuyên, đánh giá tiến độ, khen thưởng, kiểm tra các hạng mục công việc được giao. Tuy nhiên, trước tình hình một số dự án lớn trên địa bàn bị ách tắc, chậm trễ trong triển khai, nhất là các dự án đầu tư công, trong khi thời gian từ nay đến hết năm 2020 còn rất ngắn, Thủ tướng mong muốn Đảng bộ, chính quyền TP không được để xảy ra tình trạng chậm trễ trong giải ngân và thu hút vốn đầu tư. Đặc biệt, các cấp, ngành của TP cần tránh tình trạng trì trệ; nâng cao tính năng động, sáng tạo, quyết liệt, bám công việc, tập trung huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để giải quyết những vấn đề khó khăn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng - một khâu yếu thường gặp trong giải ngân vốn đầu tư.
Thủ tướng chỉ đạo trên cơ sở vai trò, vị trí to lớn của TP HCM đối với cả nước, các bộ - ngành cần tập trung hỗ trợ TP đẩy nhanh tiến độ triển khai giải ngân các dự án lớn, tháo gỡ các nút thắt, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của TP; trong đó có việc hỗ trợ TP xây dựng mới một khu công nghiệp để mở rộng sản xuất, thu hút hơn nữa các nguồn vốn đầu tư.
Đối với những kiến nghị của TP HCM về gỡ nút thắt đầu tư công cho các dự án trọng điểm, Thủ tướng cơ bản đồng ý toàn bộ và chấp thuận giao cho các bộ, ngành phải có văn bản trả lời kèm theo giải pháp. Trước mắt, đồng ý cho TP HCM thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư để thực hiện tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài.
Nhân dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27.7.1947-27.7.2020), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ và lãnh đạo UBND TP HCM đã đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Cách (SN 1927; trú phường Phạm Ngũ Lão, quận 1), ông Trần Văn Đủ (SN 1950, thương binh hạng 1/4; trú phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1), bà Nguyễn Thị Bé (SN 1957, vợ liệt sĩ; trú phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, TP HCM).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong thăm và tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Cách. Ảnh: TTXVN
Không vì một số sai phạm mà chùn bước
Gợi ý một số định hướng phát triển của TP HCM từ nay đến hết năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến việc kích cầu tiêu dùng bởi TP là trung tâm tiêu dùng lớn nhất cả nước, là nguồn kích cầu thị trường cả nước. Song song đó, TP đẩy mạnh phát triển mảng kinh tế dịch vụ như: bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, du lịch, kinh tế ban đêm... Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, phát triển đô thị thúc đẩy tăng trưởng chung.
Thủ tướng cũng gợi ý TP HCM thúc đẩy rõ nét hơn việc phát triển kinh tế ban đêm, bởi theo tính toán, cứ 4 giờ, kinh tế ban đêm đóng góp từ 5%-8% GDP của TP và đây cũng là thế mạnh của TP HCM. TP cũng chú trọng hơn nữa kinh tế số, thương mại điện tử (chiếm 2% GDP của TP).
Thủ tướng đề nghị TP tiếp tục tập trung làm tốt công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp hướng đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Song song đó là xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư trung hạn, lộ trình số hóa, chuyển đổi số đối với một TP có tầm quan trọng đặc biệt của cả nước.
"Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM phát huy hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo, tự chủ, tự giải quyết những vấn đề vướng mắc; không vì để xảy ra một số sai phạm mà chùn bước trong phát triển. TP cần sáng tạo hơn nữa trong giải pháp, phát huy tinh thần tiến công của năm kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)