Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về một số vấn đề liên quan dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.
Không xâm phạm hồ Hoàn Kiếm!
UBND TP Hà Nội cho biết dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, là giai đoạn 1 của tuyến đường sắt đô thị số 2: Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình. Tuyến đường sắt này đóng vai trò đặc biệt quan trọng kết nối sân bay Nội Bài với trung tâm TP và là tuyến hướng tâm kết hợp vành đai. Dự án sử dụng vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản, được UBND TP phê duyệt từ năm 2008 và được Thủ tướng chấp thuận cho phép tiếp tục triển khai và điều chỉnh dự án năm 2016.
Dự án có chiều dài 11,5 km, trong đó 2,6 km đi trên cao và 8,9 km đi ngầm, 3 ga trên cao từ C1 đến C3 và 7 ga ngầm từ C4 đến C10. Hiện tất cả hạng mục tuyến, depot và các ga đã được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng; riêng tổng mặt bằng ga ngầm C9 đặt tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và một phần diện tích vườn hoa cây xanh Bờ Hồ phía trước Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội) chưa được phê duyệt do chưa nhận được sự thống nhất của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vị trí đặt ga ngầm C9 như hiện nay là phương án có nhiều ưu điểm hơn các phương án khác, tổng mặt bằng ga C9 và tuyến hầm có phần nằm trong khu vực bảo vệ cấp II nhưng dưới mặt đất và hoàn toàn nằm ngoài, không xâm phạm khu vực bảo vệ cấp I ở hồ Hoàn Kiếm. "Việc thiết kế ga ngầm tại vị trí này không ảnh hưởng đến không gian khu vực, mà còn tập trung khách tham quan, góp phần phát huy tối đa giá trị của di tích hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn" - chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định. Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng các yếu tố có thể gây ra những nguy cơ tiềm ẩn tác động tiêu cực đến di sản đã được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, đề ra các biện pháp phòng ngừa với hệ số an toàn cao, giảm thiểu độ lún nền móng của Tháp Bút, đền Bà Kiệu…
Hàng loạt tác động tiêu cực
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đánh giá những tác động tiêu cực do việc chậm triển khai dự án là rất lớn: tăng tổng mức đầu tư toàn bộ dự án do các yếu tố trượt giá, chi phí nhân công, vật tư, máy móc thay đổi, tăng chi phí lãi vay, vốn đối ứng của TP sử dụng không hiệu quả... dẫn đến giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng đến hiệp định vay ODA và cam kết vốn của nhà tài trợ.
Ngoài ra, nếu thay đổi vị trí ga, tuyến sẽ phải điều chỉnh các quy hoạch đã được phê duyệt dẫn đến nguy cơ tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện và nhiều hệ lụy tiêu cực liên quan. Việc phê duyệt kéo dài, chậm thi công và đưa vào khai thác sẽ không giải quyết được bài toán ách tắc giao thông đang là vấn nạn hiện nay của thủ đô; ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, quan hệ hợp tác giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Nhật Bản và uy tín của nhà tài trợ. Tại các cuộc tiếp xúc ngoại giao, phía Nhật Bản luôn kiến nghị Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, người có 40 năm nghiên cứu về giao thông đô thị, cho rằng việc tiến độ dự án chậm gần 11 năm qua chủ yếu do vấn đề quy hoạch ga ngầm C9. "Nhiều người nghĩ khi thực hiện sẽ ảnh hưởng đến khu vực hồ Gươm nhưng các chuyên gia trong nước cũng như nước ngoài đã phân tích, chỉ rõ việc thi công sẽ không ảnh hưởng đến các yếu tố văn hóa, di tích. Vậy tại sao không tin tưởng mà lại phản đối để ảnh hưởng đến tiến độ dự án, ảnh hưởng đến rất nhiều thứ khác" - ông Thủy nhìn nhận.
Theo ông Bùi Danh Liên, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, không nên quá khắt khe về những yếu tố tác động đến khu vực di tích quanh hồ Gươm, bởi vấn đề này đã được nghiên cứu đánh giá rất nhiều lần. Người dân nên tin tưởng để cơ quan chức năng triển khai dự án. Việc cần làm bây giờ là Chính phủ, chính quyền Hà Nội, nhà đầu tư phải kiên quyết, nhanh chóng triển khai, hoàn thiện dự án, không nên để chậm tiến độ hơn nữa vì dự án này là có lợi.
Bốn bộ vào cuộc
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Tư pháp và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phải có ý kiến chính thức bằng văn bản về phương án do UBND TP Hà Nội đề xuất, gửi UBND TP Hà Nội để hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thủ tướng theo quy định.
Về gia hạn, điều chỉnh hiệp định vay vốn của dự án, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính xem xét, xử lý kiến nghị của UBND TP Hà Nội, trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn chỉnh dự thảo báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2019 về tình hình triển khai thực hiện dự án, trong đó có vấn đề phát sinh tiêu chí thuộc dự án quan trọng quốc gia, báo cáo Chính phủ trước ngày 1-10-2019.
Bình luận (0)