Vẫn biết vụ án Phan Văn Anh Vũ là một đại án nghiêm trọng nhưng khi thông tin về việc 7 quan chức, cựu quan chức bị khởi tố về các tội danh liên quan tới vụ án này được chính thức phát đi đã gây ra một "rung chấn" không nhỏ trong dư luận. Không phải một vài mà có tới 7 quan chức, cựu quan chức được xác định "dính chàm", trong đó có tới 2 cựu chủ tịch thành phố lớn và 1 cựu tướng, cựu tổng cục phó Bộ Công an.
Vụ án còn đang trong quá trình điều tra song thông tin trước đó từ thanh tra cho thấy sai phạm của các quan chức và cựu quan chức mang lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có thể lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Tương tự, hành vi tiết lộ bí mật nhà nước cũng rất nghiêm trọng khi có tới 2 cựu sĩ quan cao cấp công an bị bắt tạm giam chứ không được tại ngoại hầu tra.
Việc có hàng loạt quan chức, cựu quan chức cấp cao bị khởi tố vì liên quan tới vụ án Vũ "nhôm" cũng cho thấy thực tế được đánh giá là "tình hình tham nhũng diễn biến nghiêm trọng, phức tạp". Trước đó, nhiều đại án tham nhũng, tiêu cực hay cuộc thanh tra cũng khiến dư luận cả nước chấn động với những người từng giữ các chức vụ rất cao, liên quan tới nhiều cơ quan quản lý cùng thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng.
Cũng như các đại án hay cuộc thanh tra lớn khác, vụ án Vũ "nhôm" đã hé lộ những góc khuất rất đáng lo ngại. Việc có những cán bộ từng giữ tới cương vị cao như 2 cựu chủ tịch TP Đà Nẵng, 1 cựu phó tổng cục trưởng Bộ Công an bị khởi tố thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng suy thoái trong hàng ngũ cán bộ. Sự suy thoái này không chỉ diễn ra với những cán bộ cấp cơ sở mà len lỏi lên hàng ngũ cấp cao, thậm chí giữ cương vị chủ chốt, là những người từng trải qua quá trình tôi luyện, thử thách lâu dài và được lựa chọn kỹ càng.
Chính những cán bộ cấp cao khi giữ cương vị lãnh đạo không biết giữ mình, "tự chuyển hóa", "tự diễn biến" tiếp tay hay trực tiếp ra tay tham nhũng, tiêu cực đã làm tham nhũng nghiêm trọng hơn rất nhiều. Một trường hợp lãnh đạo cấp cao, giữ cương vị lãnh đạo "nhúng chàm" chắc chắn mang hại hậu họa, cả về tổn thất vật chất cũng như tổn thất niềm tin xã hội…, lớn hơn bội phần cán bộ cấp thấp.
Góc khuất khác không kém phần lo ngại là lỗ hổng hệ thống. Một trong những bài học lớn rút ra từ vụ tiêu cực PMU18 cách đây hơn 10 năm, từng là điển hình của lỗ hổng ấy, bởi cả một hệ thống các tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát nhưng vẫn không thể phát hiện và ngăn chặn một cá nhân lãnh đạo khuynh đảo, gây ra vụ tiêu cực chấn động một thời. Bài học này nếu soi rọi vào đại án Vũ "nhôm" cũng khiến chúng ta phải đặt ra những dấu hỏi rất lớn như tại sao tầng tầng lớp lớp cơ quan hữu trách cùng rất nhiều quy định, quy trình ngỡ rất chặt chẽ… mà sao vẫn để một người vốn xuất thân từ thợ làm nhôm kính qua mặt hoặc lôi kéo vào các hành vi phạm tội như vậy?
Quyết tâm chính trị cao độ, xử lý mạnh tay hay lựa chọn cán bộ tài đức có thể khiến tham nhũng, tiêu cực chùn tay, qua đó ngăn chặn và đẩy lùi tệ trạng này. Song điều đó rõ ràng là chưa đủ, còn cần phải sửa "khuyết tật" để có một hệ thống hữu hiệu mà tham nhũng rất khó lọt qua.
Bình luận (0)